Dự báo của IMF: Năm 2023 tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn, lạm phát ‘dai dẳng’ hơn
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay xuống còn 2.8%, giảm từ mức 3.4% vào năm 2022. Dự báo căn bản này cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng lên 3% trong năm tới.
Các nền kinh tế tân tiến được dự báo sẽ đạt sản lượng 1.3% trong năm nay, giảm từ mức 2.7%. Các nền kinh tế tại các thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3.9% trong năm nay, giảm so với mức 4% của năm ngoái (2022).
Tại Hoa Kỳ, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hàng năm dự kiến là 1.3% vào năm 2023, giảm so với mức 2.1% một năm trước. Sau đó, tốc độ tăng trưởng này sẽ chậm hơn nữa, xuống tới 1.1%.
Nền kinh tế Vương quốc Anh được dự đoán sẽ giảm trong năm nay, trượt từ 4% vào năm 2022 xuống âm 0.3%. Sau đó, GDP sẽ tăng trở lại 1% vào năm 2024. Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng chung được dự đoán sẽ tăng 0.8% vào năm 2023, giảm từ mức 3.5% vào năm ngoái (2022). Mức tăng trưởng chung này bao gồm Đức (âm 0.1%), Pháp (0.7%), Ý (0.7%), và Tây Ban Nha (1.5%).
Năm nay, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP lần lượt là 5.2% và 5.9%. Nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0.7% vào năm 2023 và 1.3% vào năm 2024.
Tuy nhiên, báo cáo WEO của IMF đã cảnh báo rằng có rất nhiều sự bất ổn và rủi ro suy giảm trong “các giải pháp thay thế căn bản hợp lý” của cơ quan này, chẳng hạn như thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu hoặc nền tảng kinh tế yếu hơn, có thể dẫn đến xác suất 15% đạt được tốc độ tăng trưởng toàn cầu 1%.
“Do đó, chúng ta đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm, theo đó tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp so với các tiêu chuẩn trong quá khứ và các rủi ro tài chính đã gia tăng, trong khi lạm phát vẫn chưa thay đổi một cách rõ ràng,” ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết. “Hơn bao giờ hết, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần một sự kiểm soát tốt và sự truyền tin rõ ràng. Quá trình hành động thích hợp phụ thuộc vào tình trạng của hệ thống tài chính.”
Lạm phát ‘dai dẳng’ hơn dự kiến
Tình huống căn bản của IMF cho thấy giá hàng hóa thấp hơn sẽ cho phép lạm phát toàn cầu giảm xuống 7% vào năm 2023, giảm từ mức 8.7% của năm 2022. Lạm phát toàn phần sẽ tiếp tục giảm xuống 4.9% vào năm 2024.
Lạm phát căn bản, loại bỏ các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, dự kiến sẽ giảm với một tốc độ chậm hơn. Lạm phát cốt lõi được dự đoán sẽ giảm xuống 5.1% trong năm nay, tăng 0.6% so với dự báo tháng Một là 4.5%.
Các nhà nghiên cứu của IMF không kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu của các quốc gia trước năm 2025, nhấn mạnh rằng “lạm phát dai dẳng hơn nhiều so với mức đã dự đoán kể cả vài tháng trước đây.” Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát cao hơn mức mà nhiều người đã dự đoán ở giai đoạn này của chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
“Tại thời điểm này trong một chu kỳ thắt chặt tiền tệ, chúng tôi dự kiến sẽ thấy nhiều dấu hiệu về sản lượng và việc làm giảm sút,” ông Gourinchas, người cũng là giám đốc nghiên cứu của IMF, cho biết. “Thay vào đó, cả ước tính sản lượng và lạm phát đã được điều chỉnh tăng trong hai quý vừa qua, cho thấy nhu cầu toàn cầu mạnh hơn dự kiến. Điều này có thể kêu gọi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa hoặc duy trì chặt chẽ hơn trong thời gian dài hơn so với dự đoán hiện tại.”
Trong năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang và các đối tác của họ đã bắt tay vào việc thắt chặt mạnh mẽ tiền tệ liên quan đến các mức lãi suất cao hơn và việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Bất chấp tình trạng hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu Châu, IMF khuyến nghị khôi phục sự ổn định giá cả.
Ông nói: “Lời khuyên của chúng tôi là chính sách tiền tệ vẫn tập trung vào việc giảm lạm phát.”
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã xác nhận với các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) hồi tháng trước rằng ngân hàng trung ương sẽ duy trì quá trình khôi phục sự ổn định giá cả. Đồng thời, Khảo sát Dự báo Kinh tế (SEP) của Fed cho thấy tổ chức này đang chuẩn bị tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, vì lãi suất quỹ liên bang trung bình được dự báo là 5.1%.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ CME Fed Watch Tool, thị trường tương lai đang kêu gọi cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ sẽ được công bố hôm thứ Tư (05/04). Tỷ lệ lạm phát hàng năm dự kiến sẽ giảm xuống 5.2%, trong khi tỷ lệ lạm phát căn bản được dự báo sẽ tăng lên 5.6%.
Giá dầu
Các ước tính của WEO cho thấy giá dầu thô dự kiến sẽ giảm 24% trong năm nay và 5.8% nữa trong năm tới.
Báo cáo WEO không bao gồm tác động của việc cắt giảm sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ, OPEC+. Báo cáo này bao gồm mức giá trung bình năm 2023 là 73 USD/thùng, nhưng ông Gourinchas thừa nhận rằng liệu mức giá đó có thể duy trì trong thời gian còn lại của năm hay không thì vẫn còn đang được xác định.
Các mô hình của IMF cho thấy cứ giá dầu tăng 10% thì tăng trưởng giảm 0.1% và lạm phát tăng 0.3%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times