Fed đã thi hành chính sách hạn chế tiền tệ được 9 tháng: Bước tiếp theo sẽ là gì?
Đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, một năm về trước Cục Dự trữ Liên bang đã quyết định áp dụng chính sách hạn chế tiền tệ. Mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi rằng chính sách tiền tệ đã trở nên hạn chế, nhưng vẫn chưa rõ chính sách tiền tệ đã hạn chế ở mức độ nào và tác động của chính sách này đối với nền kinh tế và lạm phát sẽ ra sao.
Đo lường mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ
Có hai cách để đo lường tác động của chính sách tiền tệ. Một là sử dụng sự thay đổi về lãi suất. Đây là biện pháp ưa thích của Fed. Cụ thể, Fed đề ra phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang qua đêm như là công cụ chính để thiết lập chính sách tiền tệ.
Xét theo lãi suất ngắn hạn, chính sách kiềm chế tiền tệ của Fed bắt đầu kể từ tháng 03/2022 với việc Fed tăng lãi suất quỹ liên bang từ 0% lên 0.3%. Các hành động liên tiếp của Fed đã tăng lãi suất thực lên mức 4.8% của hiện tại. Sự thay đổi từ 0% lên 4.8% thể hiện mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1981. Thời đó, khi đối diện với lạm phát phi mã, Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang từ 9.5% lên 19%. Giống như ngày nay, hành động tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 1981 đã xảy ra sau khi Fed mở rộng cung tiền quy mô lớn.
Cách thứ hai để đo lường chính sách tiền tệ là theo dõi lượng tiền trong nền kinh tế. Một trong số các vấn đề của việc đo lường cung tiền là có rất nhiều chỉ số tiền tệ khác nhau để lựa chọn. Mỗi thước đo này đều bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chế, một yếu tố có thể gây ra sự thay đổi trong số dư tiền, gây khó khăn cho việc xác định thước đo tiền thích hợp.
Giải pháp của tôi cho câu hỏi hóc búa này là đo lường lượng tiền đang chảy vào hoặc đi ra khỏi nền kinh tế. Việc mua vào và bán ra chứng khoán của Fed cung cấp phương thức phổ biến nhất để đo lường sự thay đổi này. Khi Fed mua chứng khoán, thì ngân hàng trung ương này sẽ bơm tiền vào nền kinh tế, gây áp lực giảm lãi suất. Còn khi Fed bán chứng khoán thì điều ngược lại xảy ra. Khi ấy Fed loại bỏ tiền ra khỏi nền kinh tế đồng thời gây áp lực tăng lên đối với lãi suất.
Trong lịch sử, các đợt mua vào và bán ra chứng khoán của Fed thường là nguồn chính để bổ sung hoặc loại bỏ tiền khỏi nền kinh tế. Kể từ năm 2009, Fed đã mua nhiều chứng khoán đến nỗi các ngân hàng không thể sử dụng hết lượng dự trữ ngân hàng mới mà Fed tạo ra. Thay vì cho vay và đầu tư số tiền thặng dư từ các nguồn mới của họ, các ngân hàng lại gửi số tiền dư thừa này vào Fed. Dự trữ ngân hàng tại Fed không phải là tiền lưu thông trong nền kinh tế, mà là những khoản tiền tiềm năng có thể du nhập vào nền kinh tế một khi các ngân hàng sử dụng các nguồn tiền này để cho vay và gửi tiền.
Điều thú vị về tiền gửi của các ngân hàng tại Fed là cách các khoản tiền này hoạt động như một bộ đệm cho chính sách của Fed. Khi Fed mua nhiều chứng khoán hơn mức các ngân hàng có thể sử dụng, thì các ngân hàng có xu hướng để lại số tiền dư thừa tại Fed. Điều tương tự cũng xảy ra khi Fed quyết định bán chứng khoán và rút tiền ra khỏi nền kinh tế. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, tiền gửi của các ngân hàng thường giảm đi một phần tác động của việc mua vào và bán ra chứng khoán của Fed.
Chứng khoán do Fed nắm giữ và tiền gửi của các ngân hàng tại Fed
Việc đo lường khối lượng tiền trong nền kinh tế đòi hỏi phải theo dõi cả việc mua (và bán) của Fed cũng như mức tiền gửi của các ngân hàng tại Fed. Biểu đồ tiếp theo cho thấy ảnh hưởng của hai hành động này. Biểu đồ này cho thấy trong chín tháng kết thúc vào tháng 03/2022, 593 tỷ USD đã được rút ra khỏi nền kinh tế.
Thanh khoản
(Thanh khoản = Chứng khoán do Fed nắm giữ – Dự trữ của các ngân hàng tại Fed)
Hạn chế được bao nhiêu tiền tệ?
Chuyển từ tăng cung tiền ở mức hai con số sang mức tăng về căn bản bằng 0 trong năm qua là một sự thay đổi chính sách lớn. Thay đổi này chắc chắn là cần thiết để bù đắp phần nào sự gia tăng tiền tệ trước đó.
Chính sách tiền tệ không tồn tại độc lập để xem xét ngoài bối cảnh các yếu tố khác. Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, cùng với cung tiền không tăng trong năm qua, đã có tác động lớn đến các khu vực nhạy cảm của nền kinh tế. Hai trong số các chỉ báo sớm nhất và nhạy cảm nhất — giá cổ phiếu và giá địa ốc — giảm lần lượt là 14% và 25%.
Một chỉ báo khác về mức độ hạn chế tiền tệ là chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và lãi suất dài hạn. Trong điều kiện tiền tệ bình thường, lãi suất dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, khi chính sách tiền tệ là mang tính hạn chế, thì đường cong lợi suất bị đảo ngược với lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn. Biểu đồ sau đây cho thấy, kể từ giữa những năm 1970, mỗi khi lãi suất ngắn hạn vượt quá lãi suất dài hạn, thì một cuộc suy thoái lại xảy ra sau đó.
Chênh lệch lợi suất
(Chênh lệch lợi suất = Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm – Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm)
Hiện tại, lợi suất công khố phiếu ba tháng ở mức 4.75%, cao hơn khoảng 1.25% so với lợi suất công khố phiếu 10 năm. Đây là lần đường cong lợi suất đảo ngược nhiều nhất kể từ năm 1981. Do đó, đường cong lợi suất đảo ngược và sự thay đổi về mức lãi suất ngắn hạn đều báo hiệu mức độ hạn chế tiền tệ đáng kể.
Về lượng tiền trong nền kinh tế, cho đến nay việc điều chỉnh tiền tệ vẫn ở mức khá vừa phải. Không giống như năm 2008, khi Fed rút 40% lượng tiền ra khỏi nền kinh tế dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính, việc chuyển đổi sang tăng cung tiền ở mức 0 trong năm qua là vừa phải hơn.
Hạn chế tiền tệ sẽ tác động đến nền kinh tế và lạm phát như thế nào?
Nền kinh tế có xu hướng phản ứng với sự thay đổi trong chính sách tiền tệ từ sáu đến chín tháng sau khi thay đổi bắt đầu. Nếu việc hạn chế tiền tệ bắt đầu vào tháng 06/2022, thì các dấu hiệu của sự chậm lại sẽ xuất hiện từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay. Dữ liệu tháng Hai về chi tiêu của người tiêu dùng và tiền lương chỉ là những gợi ý đầu tiên về tốc độ tăng trưởng chậm hơn và tiến triển có thể xảy đến đối với lạm phát.
Dựa trên mức độ hạn chế tiền tệ trong chín tháng kết thúc vào tháng 03/2023, chúng ta sẽ thấy nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế trong những tháng tới. Nếu chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế, cuộc suy thoái sắp tới có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Do lạm phát tăng nhanh tương đối nhanh, sự suy yếu dự kiến của nền kinh tế sẽ đủ để giảm lạm phát xuống phạm vi 2.0–3.0% vào cuối năm nay.
Một lưu ý cảnh báo trong kịch bản lạc quan này là chính sách tài khóa. Sự phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái năm 1982 phần lớn nhờ vào việc cắt giảm thuế và điều tiết chi tiêu liên bang so với chi tiêu trong phần còn lại của nền kinh tế của Tổng thống Reagan.
Môi trường kinh tế ngày nay thì lại khác. Thay vì cắt giảm thuế và giới hạn chi tiêu liên bang, một chính sách sẽ tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ về năng suất, thì các chính sách tài khóa hiện tại bao gồm các mức thuế cao hơn và không có sự kiểm soát có ý nghĩa đối với việc chi tiêu và các quy định của liên bang. Những chính sách chống lại tăng trưởng này đã dẫn đến sụt giảm năng suất trong năm vừa qua.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times