Rốt cuộc thì đây có phải là một số tin tức có thể chấp nhận được về lạm phát không?
Vì những lý do mà tôi không hiểu được, toàn bộ thị trường tài chính bị ám ảnh với Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) nhưng Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) lại phần lớn bị bỏ qua. Chỉ số này hầu như không trở thành nhan đề tin tức.
Sự ám ảnh này là không hợp lý vì mọi thứ chúng ta tiêu thụ (ngoại trừ có thể là những con bọ) đều phải được sản xuất. Trải nghiệm của người tiêu dùng về lạm phát là phần hạ nguồn của trải nghiệm của nhà sản xuất về lạm phát. Đó là bởi vì chúng ta đang sống trong một nền kinh tế phát triển và phức tạp với các cấu trúc sản xuất nhiều khâu.
PPI đã vừa được công bố và thể hiện ra những gì dường như thực sự chắc chắn là tin tốt đầu tiên trong hai năm. Chỉ số đại diện cho nhu cầu cuối cùng này quả thực đã giảm 0.5% trong tháng Ba. Trong vòng 12 tháng, mức tăng là 2.7%. Đó chưa phải là mục tiêu 2% nhưng cũng đã gần kề mục tiêu này. Và chỉ số này liên quan đến cả hàng hóa lẫn dịch vụ. Trong toàn bộ danh mục thuộc giá sản xuất, tôi không phát hiện ra bất cứ thứ gì nóng (tăng giá) trong tháng Ba.
Đây là một tin vui cho người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là giá cả có thể sẽ ổn định vào mùa hè và chắc chắn là đã ổn định vào mùa thu (nếu chúng ta còn chút tiền nào để mà mua). Theo kinh nghiệm, mối quan hệ giữa giá sản xuất và giá tiêu dùng được thiết lập rất rõ. Chúng ta đã thấy mối quan hệ này diễn ra trong những năm phong tỏa. PPI kéo theo CPI ở mọi giai đoạn. Mối quan hệ này chỉ đơn giản là có lý. Nó cũng có nghĩa là các nhà sản xuất đã phải gánh chịu phần tác động mạnh nhất của cơn lạm phát.
Thay đổi trong chỉ số CPI và PPI của Hoa Kỳ so với cùng thời kỳ năm ngoái
Các đường giá trung bình từ trên xuống dưới theo thứ tự chú thích tiếng Anh:
– Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) dành cho mọi người tiêu dùng thành thị: Tất cả các mặt hàng tại một thành phố Hoa Kỳ điển hình
– Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) theo mặt hàng: Nhu cầu cuối cùng
Giờ chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn một chút. Tại sao điều này có thể xảy ra và Fed có xứng đáng được ghi nhận thành quả không? Họ chắc chắn xứng đáng có được một số ghi nhận cho việc này. Nhưng trong quá trình chống lại lạm phát, họ cũng đã thực hiện hai bước chưa từng có tiền lệ: giảm cung tiền lớn nhất trong gần 100 năm và tăng lãi suất lớn nhất và nhanh nhất từng được ghi nhận. Tác động của những chính sách đó không chỉ giới hạn ở giá cả.
Tiền tệ trong một nền kinh tế thị trường không bao giờ là trung lập trước các quyết định và cấu trúc sản xuất. Giá trị của tiền, cả trong chi tiêu và lượng hấp thụ của thị trường, tác động đến toàn bộ hệ thống. Fed có thể hình dung rằng họ chỉ đang di chuyển một quân cờ trên bàn cờ nhưng những tác nhân này có rất nhiều tác động, hầu hết trong số đó là không thể dự đoán được.
Lãi suất tăng mạnh và nhanh kết hợp với nguồn cung tiền giảm có thể kìm hãm đà lạm phát. Chúng ta đã chứng kiến điều đó gần đây và chúng ta cũng đã chứng kiến điều đó vào cuối những năm 1970. Đó gần như là toàn bộ những phương tiện mà Fed có thể sử dụng để điều chỉnh phương hướng. Khi họ gây ra một sự cố lớn như họ đã làm vào năm 2020–2021, cách duy nhất để giữ cho toàn bộ hệ thống không bị nổ tung là gây ra loại đau đớn này.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, điều đáng lo ngại là chính Fed hoặc đã không thừa nhận lý do tại sao họ làm như vậy hoặc cũng không hoàn toàn hiểu được mối quan hệ giữa các chính sách nới lỏng tiền tệ của mình với những tác động đối với giá cả và cấu trúc sản xuất.
Tất cả những gì chúng ta nghe được từ Fed cho thấy kế hoạch của họ cho phần lớn thời gian của hai năm tới là hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách cố tình tạo ra các điều kiện suy thoái, trong khi hy vọng đạt được thứ gọi là một cuộc hạ cánh mềm. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1970. Ông Volcker đã không hề cố gắng tạo ra suy thoái. Mục tiêu của ông ấy là chấm dứt việc mở rộng tiền tệ và sau đó là để các nhà hoạch định chính sách tiếp quản công việc.
Vũ khí tốt nhất mà người ta có thể có để chống lại lạm phát không phải là suy thoái kinh tế mà là sự tăng trưởng kinh tế mới: đó là cái nhìn sâu sắc của ông George Gilder và những người khác trong đám đông trọng cung. Đó là lý do tại sao họ thúc đẩy cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định. Bằng cách đó, lạm phát sẽ kết thúc thông qua cả khía cạnh tiền tệ và khía cạnh tăng trưởng. Họ biết điều đó. Bằng cách bác bỏ mô hình thắt lưng buộc bụng của Keynes, họ tin rằng tăng trưởng kinh tế ấn tượng sẽ thực sự có tác dụng làm dịu đà tăng giá. Và hóa ra là họ đã hoàn toàn chính xác.
Thời nay không có diễn biến nào như thế đang xảy ra. Fed đang tạo ra mọi điều kiện dẫn đến suy thoái trong khi chính phủ và các nhà lập pháp đã mất hết toàn bộ hứng thú với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi chỉ đơn giản là không thể nhớ nổi lần cuối cùng tôi nghe bất kỳ nhà lập pháp nào nói về việc cắt giảm thuế đáng kể là khi nào. Điều đó thậm chí dường như không được nhắc tới. Còn về việc cắt giảm chi tiêu thực chất thường đi kèm với cắt giảm thuế, thì hãy quên luôn đi.
Toàn bộ động lực chính sách đang đi theo hướng ngược lại. Chúng ta có một giai tầng thống trị khao khát việc thắt lưng buộc bụng, hạn chế, tước đoạt, và áp đặt sự thịnh vượng và tăng trưởng ngày một ít hơn trên toàn dân số. Toàn bộ nghị trình về biến đổi khí hậu không là gì khác ngoài điều đó nhưng nghị trình ấy mới chỉ là một bước khởi đầu. Ở vùng đất này vẫn tồn tại niềm khao khát về một lối sống nguyên thủy hơn nhiều. Cùng với việc áp đặt nó bằng vũ lực!
Do đó, các xu hướng PPI mới nhất cần được hiểu trong bối cảnh đó. Rất có thể những xu hướng giá này không đại diện cho một động lực tiền tệ để giảm lạm phát mà thực ra lại là sự khởi đầu của một cuộc suy thoái thực sự. Rốt cuộc, khi nhu cầu giảm, các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng, và người tiêu dùng bắt đầu hạn chế chi tiêu của họ, thì kết quả là giá cả sẽ giảm nếu toàn bộ những yếu tố khác không đổi. Có một số bằng chứng cho thấy đây có thể là nguyên nhân căn bản khiến giá sản xuất giảm.
Nếu thế, thì đó là một sự đánh đổi lớn. Kiểm soát lạm phát là một chuyện. Còn tạo ra những điều kiện thực sự dẫn đến suy thoái kinh tế thì lại là một cái gì đó khác. Cũng không phải là hoàn toàn không thể rằng đây có thể là những gì chúng ta đang chứng kiến diễn ra ở đây.
Bất chấp mọi lời rêu rao về thị trường lao động mạnh mẽ, chúng ta vẫn chưa thấy sự tham gia của lực lượng lao động trở lại mức trước phong tỏa. GDP thực cũng như thu nhập thực chưa phục hồi. Thật vậy, có mọi dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra hoặc đã đến (nếu như chúng ta có bao giờ thực sự phục hồi từ năm 2020). Thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay không giống như thời kỳ sóng to gió lớn của những năm 1950 hay 1980. Toàn bộ khái niệm của chúng ta về thế nào là một nền kinh tế tốt đã bị hạ thấp nghiêm trọng.
Tăng trưởng GDP thực của Hoa Kỳ so với cùng thời kỳ năm ngoái Mặc dù tôi rất muốn ăn mừng số liệu PPI sáng nay và ghi nhận thành quả công việc tốt cho Fed, nhưng bản năng mách bảo tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Ví dụ, dữ liệu về sản xuất đang chỉ ra sự khởi đầu của một thời kỳ khó khăn.
Tăng trưởng đơn đặt hàng sản xuất mới của Hoa Kỳ so với cùng thời kỳ năm ngoái Những gì chúng ta có thể đang chứng kiến không phải là sự kết thúc của lạm phát mà là sự khởi đầu của một con đường lụi tàn dành cho tăng trưởng kinh tế. Kết thúc lạm phát bằng cách sát hại nền kinh tế dường như không phải là một kế hoạch tốt, đặc biệt là khi không ai chịu trách nhiệm về việc hồi sinh doanh nghiệp Mỹ.
Chúng ta rất cần những người trọng cung trở lại!
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times