Việc làm đang dần cạn kiệt ở Hoa Kỳ?
Một phần của sự khó khăn trong việc diễn giải số liệu thống kê kinh tế để nhận biết chúng ta đang ở đâu trong chu kỳ này là giai đoạn sụp đổ lớn vào năm 2020. Một quãng thời gian ngừng hoạt động rốt ráo như thế là chưa từng xảy ra trước đây. Mọi dữ liệu đều trở nên khó hiểu, xuống theo chiều này rồi lại lên theo chiều kia như thể đang chơi trò bập bênh. Ai nấy đều đang chăm chú theo dõi dữ liệu và cố gắng lý giải ý nghĩa đằng sau.
Bất kể quý vị muốn nói gì về các chu kỳ kinh doanh trong quá khứ, thì đó vẫn là những chu kỳ tuân theo các mô hình có thể theo dõi được. Chúng ta có thể lập biểu đồ để giải thích các lý thuyết và xây dựng các chính sách để làm sao tránh các tình huống giả định trong những lý thuyết này. Nhưng việc diễn giải sẽ trở thành một vấn đề rất khác khi chúng ta đột nhiên có một vụ sụp đổ bị cưỡng chế áp đặt lên hầu như mọi thứ trên toàn cầu. Mà chúng ta lại chỉ có thể kinh ngạc đứng nhìn.
Về phương diện này, cũng phải nói thêm về một hiện tượng dường như đã trở thành một vấn đề mới, đó là việc thao túng dữ liệu như trò chơi một cách không kiêng dè gì vì lý do chính trị. Chúng ta có thể thấy sự thao túng này trong tất cả các số liệu lớn, từ GDP, việc làm, cho đến lạm phát. Thông tin trong các thông cáo báo chí thường mâu thuẫn với dữ liệu căn bản. Wall Street chỉ để tâm đi theo những gì được công bố, và có rất ít người thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu xem chính xác chuyện gì đang diễn ra.
Dữ liệu việc làm hội đủ tất cả những vấn đề này. Mỗi tháng chúng ta đều nghe về thành tích tạo việc làm tuyệt vời, để rồi sau đó phát hiện ra rằng những việc làm đó chủ yếu là các vị trí công việc bán thời gian, phần lớn do những người ngoại quốc đảm nhiệm, trong khi số lượng công việc toàn thời gian cũng như thu nhập thực tế đã liên tục suy giảm trong ba năm liên tiếp. Việc phân tích tất cả những xu hướng này và so sánh với thế giới trước năm 2020 đã trở nên gần như không thể thực hiện được.
Báo cáo việc làm mới nhất nhấn mạnh điểm này. Số liệu sau cùng trông có vẻ đáng kinh ngạc cho đến khi quý vị đi sâu vào phân tích việc làm. Thay vì xem xét cuộc khảo sát doanh nghiệp, hãy nhìn vào cuộc khảo sát cho ra kết quả chính xác hơn — cuộc khảo sát gia đình, quý vị sẽ nhận thấy con số 625,000 việc làm toàn thời gian bị mất là rất lớn, tuy số việc làm bị mất này đã được bù đắp một phần nhờ mức tăng 286,000 trong các vị trí công việc bán thời gian. Đây không phải là một thị trường mạnh mẽ và sôi động. Các thông cáo báo chí đang nói tình trạng mất việc làm thành như tăng việc làm.
Chính vì những điều phi lý này mà tôi bị mắc kẹt trong cảm giác rằng chúng ta chưa bao giờ thực sự thoát khỏi cuộc suy thoái bị ép buộc lên mình vào tháng 03/2020. Mọi thứ khác chỉ còn là ảo ảnh. Tình trạng mất phương hướng của chúng ta đã trở nên nghiêm trọng đến mức khó có thể hiểu được về mặt trí tuệ và tâm lý. Bất chấp tất cả những lời cổ vũ mà chúng ta nhận được từ Tòa Bạch Ốc, điểm mấu chốt là cả quốc gia và toàn thế giới ngày nay đã nghèo hơn nhiều so với năm năm trước.
Đến một lúc nào đó, vấn đề này sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường việc làm, trừ phi chúng ta có các chính sách mới để đảo ngược đáng kể xu hướng này. Cho đến nay, đây quả thực vẫn chưa phải là một vấn đề lớn vì có rất nhiều doanh nghiệp từng bị mất nhân viên trong thời gian đóng cửa. Một số lĩnh vực trong ngành nhà hàng khách sạn đã phục hồi đôi chút và bản thân ngành đó cũng có nhu cầu lao động dồn nén. Chúng ta đã chứng kiến một số nhân viên chuyển từ công việc văn phòng sang lĩnh vực dịch vụ, cũng như chuyển từ làm việc toàn thời gian sang làm việc bán thời gian.
Chúng ta vẫn chưa phải trải qua tình trạng thiếu việc làm trên diện rộng. Nhưng tình hình có thể đang bắt đầu thay đổi khi lạm phát làm tăng chi phí của mọi thứ, bao gồm cả phí nhân công. Các nhà tuyển dụng giờ đây nhận thấy mình trong tình thế rất miễn cưỡng tuyển dụng. Thay vì tuyển thêm người, họ đang siết chặt nhân số hiện có đối với mọi nhân viên làm công mà họ có thể.
Kết quả là, số cơ hội việc làm đang giảm, và còn giảm xuống rất đáng kể. Ngay cả vào thời điểm hiện tại, thì tỷ lệ tham gia lao động vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Số cơ hội việc làm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp và khu vực tư nhân ở Hoa Kỳ
(Từ tháng 09/2021 đến tháng 01/2024)
Đây là sự thay đổi khá lớn đối với nhiều người trẻ. Chỉ cách đây vài năm, công việc vẫn còn dồi dào, có thể không phải là toàn thời gian và có thể cũng không có mức lương cao, nhưng vẫn là có đấy. Giờ thì điều đó không còn đúng nữa. Những người tìm việc hiện đang phải đối mặt với một thị trường dường như ngày càng bế tắc hơn, với ít vị trí sẵn có hơn và tiêu chuẩn công việc cũng ngày càng cao hơn.
Những người có vị trí vững chắc hiện đang bám chặt vào chỗ làm của họ, với nhận thức ngày càng tăng rằng đây không phải là lúc để chuyển việc hoặc chấp nhận rủi ro. Cảm giác mắc kẹt trong một công việc không như ý lắm khiến cuộc sống của quý vị càng thêm khốn khổ. Điều này lại càng đúng nếu quý vị có một khoản nợ mua nhà ở mức lãi suất thấp mà quý vị có được trước đây nhưng lại sợ hãi ý tưởng mua một căn nhà mới với khoản nợ có mức lãi suất cao hơn nhiều. Kết quả là mọi người cảm thấy không chỉ bị ràng buộc với vị trí công việc hiện tại mà còn bị mắc kẹt trong những cung điện bằng gỗ dán của chính họ.
Đây không phải là cách một nền kinh tế sôi động và hưng thịnh nên hoạt động. Và những người đứng đầu xã hội chỉ làm tăng thêm bầu không khí buồn nản khi thường xuyên phủ nhận có bất cứ điều gì không ổn. Chúng ta được thông báo hàng ngày rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt và chúng ta đang trải qua sự phục hồi mạnh mẽ. Nhưng không có lấy một người nào trong nền kinh tế thực sự tin vào điều này.
Tình hình tài chính của các gia đình hiện đang trên đà rơi vào thảm họa, với nợ thẻ tín dụng tăng đều đặn bất chấp lãi suất cao và tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn nhiều so với mức trước khi đóng cửa. Tình huống này chỉ đơn giản là sẽ không thể tiếp tục duy trì mãi.
Nợ tiêu dùng và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Hoa Kỳ
(Từ tháng 07/2019 đến tháng 01/2024)
Các hãng truyền thông tin tức cứ tiếp tục suy đoán về việc liệu chúng ta có hạ cánh mềm hay không. Nhưng phép ẩn dụ này là hoàn toàn sai lầm. Ngay từ đầu chiếc phi cơ đó đã chưa bao giờ cất cánh. Dù nhìn vào đâu, thì nếu nhìn kỹ, quý vị sẽ thấy một cấu trúc kinh tế suy thoái, đình trệ, thêm vào đó là lạm phát. Đây không phải là điềm tốt cho tương lai.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times