Sự tăng giảm gần đây trong mức sống của Hoa Kỳ
Lệnh đóng cửa do chính phủ áp đặt trong dịch COVID vào năm 2020 là khởi đầu cho một loạt các chính sách gây ảnh hưởng đến mức sống của Hoa Kỳ từ phía chính phủ. Tình trạng gián đoạn và mất việc làm do ngừng hoạt động đã tạo ra một sự gia tăng đột biến chỉ xảy ra một lần về năng suất và mức sống. Kế đó là tình trạng mức sống đi ngang, rồi đi xuống trong ba năm qua. Để hiểu được nguyên nhân của việc tăng rồi lại giảm này, điều quan trọng là phải hiểu năng suất ảnh hưởng như thế nào đến mức sống.
Năng suất đo lường hiệu quả của nền kinh tế. Cụ thể, năng suất đo lường sản lượng thực tế trong khu vực phi nông nghiệp tư nhân trên mỗi giờ làm việc. Năng suất là động lực làm tăng thu nhập và mức sống ở Hoa Kỳ. Nếu không tăng năng suất thì không thể nâng cao mức sống.
Biểu đồ dưới đây cho thấy năng suất của Hoa Kỳ đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 2% kể từ giữa những năm 1950. Tỷ lệ tưởng chừng như khiêm tốn này đã tạo ra những mức tăng phi thường về mức sống trong 68 năm qua. Đó là lý do mức sống của Hoa Kỳ hiện là cao nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới.
Xu hướng năng suất dài hạn (1955-2020)
Trong lịch sử, các chính sách của chính phủ thường là nhân tố chính góp phần khiến năng suất tăng nhanh hơn hoặc chậm hơn. Điều này cũng đúng với các phong trào kể từ năm 2019. Điều đáng kinh ngạc nhất trong số những xu hướng này là năng suất đã tăng vọt vào mùa xuân năm 2020, khi chính phủ đóng cửa khoảng ⅓ nền kinh tế.
Các biểu đồ sau đây cho thấy, việc đóng cửa nền kinh tế vào mùa xuân năm 2020 đã khiến năng suất tăng một lần duy nhất 4% trong quý 2/2020. Năng suất tăng vọt này tạo ra một mức sống tăng vọt tương ứng. Trong hai tháng từ tháng Ba đến tháng Năm năm 2020, thu nhập thực tế hàng năm đã tăng 5.5%. Sự gia tăng này xảy ra đối với tất cả người đi làm cũng như đối với nhân viên sản xuất và nhân viên không phải là quản lý.
Năng suất và xu hướng năng suất (2019-2023)
Mức lương thực tế theo năm
Sự gia tăng năng suất và thu nhập mang tính một lần này là một điểm bất thường về mặt thống kê. Việc đóng cửa nền kinh tế đã loại bỏ nhiều doanh nghiệp nhỏ và nhân viên không thiết yếu, được trả lương thấp hơn khỏi nguồn nhân lực. Những người đi làm giữ cho ⅔ nền kinh tế hoạt động đều là những nhân viên thiết yếu, được trả lương cao. Đây là những kế toán viên, luật sư, và những người thuộc nghề nghiệp khác. Sự tăng vọt về năng suất và thu nhập đã phản ánh một kết hợp mới giữa những người có thu nhập cao hơn cùng các nhà sản xuất và sự sụt giảm mạnh về số lượng người đi làm có thu nhập thấp.
Đến cuối năm 2020, khi các nhân viên quay trở lại, thì nền kinh tế đã phục hồi trở lại. Mức tăng trưởng thực đã tăng 10% từ quý 2 đến quý 4 trong khi năng suất và mức sống vẫn ở mức mới, cao hơn.
Có nhiều lý do khiến nền kinh tế duy trì được mức tăng trong năng suất và mức sống này. Đầu tiên, các doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư lớn vào công nghệ để cải thiện và hoàn thiện hoạt động giao tiếp từ xa. Những thay đổi này cho phép các doanh nghiệp duy trì và thậm chí phát triển thịnh vượng với ít sự di chuyển và không gian vật lý hơn nhiều so với mức họ từng cho là cần thiết trước đây. Ngoài ra, những nhân viên kiên trì vượt qua thời COVID-19 thường được trả phí cao hơn cho công sức làm việc của họ do thiếu nhân công.
Thật không may, sự gia tăng về năng suất và mức sống đó đã không duy trì được. Năng suất và mức sống chững lại vào năm 2021, đồng thời số giờ làm việc tăng 5.8% chỉ tạo ra mức tăng trưởng thực tế 5.2%. Năng suất đã giảm vào năm 2022 khi số giờ làm việc tăng 2.5%, tạo ra mức tăng trưởng thực chỉ là 0.7%.
Trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng thực đã tăng với tốc độ hàng năm là 2% do ước tính năng suất tăng ở mức 1% trong khi số giờ làm việc chỉ tăng ở mức 0.6%. Nhiều người mong đợi năng suất sẽ tăng hơn nữa khi dữ liệu quý 3 được công bố vào cuối tháng này. Tuy nhiên, dữ liệu về thu nhập thực tế quý 3 đã có sẵn rồi. Những con số lại cho thấy sự sụt giảm kể bắt đầu từ quý 4/2022. Nếu như năng suất có tăng lên, thì mức tăng đó cũng không thể hiện rõ ràng ra bên ngoài do có sự suy giảm về mức sống.
Tăng năng suất chỉ được thúc đẩy nhờ khu vực tư nhân. Các nhà thống kê của chính phủ cho rằng khu vực chính phủ không có sự gia tăng nào trong năng suất. Do đó, khi các chính trị gia tăng tỷ trọng của chính phủ trong chi tiêu và đề ra thêm các quy định, thì các hành động này đương nhiên sẽ lấn át hiệu quả được tạo ra ở khu vực tư nhân. Sự lấn át này gây áp lực làm giảm mức sống.
Giải pháp để khôi phục lại hình thức tăng năng suất và mức sống mà Hoa Kỳ từng trải qua trong suốt lịch sử của chúng ta là rất rõ ràng. Điều cần thiết là phải đặt ra những giới hạn nghiêm túc đối với chi tiêu và các quy định của liên bang cũng như quay trở lại với các nguyên tắc cổ điển, mang tính thị trường tự do từng khiến người đi làm ở Hoa Kỳ trở nên thịnh vượng hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times