Chính phủ TT Biden sẽ thiết lập 31 ‘trung tâm công nghệ’ để thúc đẩy sự đổi mới của Hoa Kỳ
Theo một thông báo hôm 23/10, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang bắt đầu thiết lập 31 “trung tâm công nghệ” mới trên khắp Hoa Kỳ nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TT Joe Biden và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã công bố một danh sách gồm hàng chục cộng đồng được chỉ định là Trung tâm Công nghệ và Đổi mới Khu vực thông qua Cơ quan Quản lý Phát triển Kinh tế thuộc Bộ Thương mại.
Theo chính phủ, các trung tâm công nghệ này sẽ đóng vai trò là các chất xúc tác để đầu tư vào các công nghệ quan trọng, nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc gia, và tạo việc làm.
Chương trình trung tâm công nghệ, được ủy quyền theo Đạo luật CHIPS và Khoa học do TT Biden ký vào tháng 08/2022, là một phần trong nghị trình “trường phái kinh tế Biden” của tổng thống.
31 trung tâm công nghệ sẽ tập trung vào phát triển và mở rộng các ngành công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, và điện toán lượng tử ở nhiều khu vực khác nhau.
Các trung tâm công nghệ này sẽ tập hợp các ngành công nghiệp tư nhân, chính phủ tiểu bang và địa phương, các tổ chức giáo dục, nghiệp đoàn nhân công, và các tổ chức bất vụ lợi để cạnh tranh các khoản tài trợ thực thi lên tới 75 triệu USD. Chính phủ tuyên bố rằng các khoản tài trợ này sẽ giúp các lĩnh vực quan trọng phát triển hơn nữa, tạo ra các khoản đầu tư mang tính chuyển đổi vào sự đổi mới, nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, và tạo cơ hội việc làm.
Theo Tòa Bạch Ốc, nghị trình Đầu tư vào Mỹ của Tổng thống Biden được cho là đã thu hút đầu tư đáng kể từ khu vực tư nhân vào các lĩnh vực then chốt, qua đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ. Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, các công ty tư nhân đã công bố đầu tư hơn 500 tỷ USD vào năng lượng sạch và sản xuất.
Theo thông báo, những khoản đầu tư này bao gồm 230 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn, gần 140 tỷ USD vào sản xuất xe điện và pin, và 20 tỷ USD vào sản xuất sinh học.
Chính phủ tuyên bố rằng những khoản đầu tư này sẽ giúp các doanh nghiệp và người đi làm Hoa Kỳ vượt trội hơn so với các đối tác toàn cầu của họ trong nền kinh tế tương lai, đồng thời củng cố an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.
Chương trình trung tâm công nghệ là nỗ lực của chính phủ nhằm mang đến sự tập trung mang tầm lịch sử về tăng trưởng kinh tế và cơ hội ở một số thành phố duyên hải. Quá trình lựa chọn các trung tâm công nghệ nhằm mục đích thể hiện sự đa dạng của Hoa Kỳ và đã nhận được hơn 370 đơn ghi danh từ 49 tiểu bang và bốn vùng lãnh thổ.
Chính phủ tuyên bố rằng các trung tâm công nghệ này sẽ mang những lợi ích của quá trình đổi mới khoa học và công nghệ cho các cộng đồng trên khắp đất nước, tập trung vào việc mang lại lợi ích cho các khu vực nhỏ và khu vực nông thôn, cũng như các cộng đồng bị thiệt thòi trong lịch sử. Bộ Thương mại cũng đang trao 18 khoản Tài trợ Phát triển Chiến lược để giúp các cộng đồng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho các giai đoạn tương lai của chương trình trung tâm công nghệ.
Mỗi trung tâm trong số 31 trung tâm công nghệ này — đặt tại 32 tiểu bang và Puerto Rico — tập trung vào các ngành và công nghệ cụ thể. Dưới đây là một số ví dụ:
Trung tâm Tulsa về Quyền tự chủ Công bằng và Đáng tin cậy (THETA) ở Oklahoma đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu trong việc phát triển và thương mại hóa các hệ thống tự hành cho các ứng dụng khác nhau, bao gồm nông nghiệp, kiểm tra đường ống, và vận tải khu vực.
Trung tâm Công nghệ Đại dương ở Rhode Island và Massachusetts, do Tập đoàn Thương mại Rhode Island đứng đầu, nhằm mục đích phát triển, thử nghiệm, và thương mại hóa ngành trí tuệ nhân tạo hàng hải mới nổi cũng như các công nghệ robot và cảm biến tích hợp máy học.
Trung tâm Công nghệ Sản xuất Dược phẩm Tân tiến ở Virginia, do Trung tâm Sản xuất Tân tiến Khối thịnh vượng chung đứng đầu, nhằm mục đích thúc đẩy sự tăng trưởng, đổi mới, và tính bền vững của ngành sản xuất dược phẩm tân tiến có trụ sở tại Hoa Kỳ, tập trung vào việc chuyển dịch dây chuyền sản xuất các loại thuốc an toàn và giá cả phải chăng về nước nhờ các công nghệ sản xuất tấn tiến.
Tuy nhiên, một trung tâm khác, Cánh quạt Gió Ngoài khơi Vịnh Louisiana, do Đại học Tiểu bang Louisiana dẫn đầu, có mục đích chuyển đổi nền kinh tế năng lượng của tiểu bang từ dầu khí sang gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo.
Chính phủ ông Biden cho biết trong tờ thông tin của mình rằng, để bảo đảm các trung tâm công nghệ này sẽ thành công, họ cam kết cung cấp trợ giúp toàn diện. Điều này bao gồm khả năng tiếp cận nguồn tài trợ tiếp theo từ nhiều nguồn khác nhau của chính phủ liên bang và trợ giúp kỹ thuật từ các cơ quan như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp, và Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times