Về việc đóng cửa quầy dịch vụ công an ngầm của Trung Quốc ở hải ngoại
Có lẽ ít ai có thể bỏ lỡ được tiết lộ của tổ chức Safeguard Defenders về việc công an địa phương Trung Quốc đang điều hành “quầy dịch vụ” báo công an ở hải ngoại. Trong tháng qua, truyền thông địa phương đã và đang điều tra các cơ sở bất hợp pháp này, và ngày càng có nhiều thông tin đáng chú ý được công bố mỗi tuần.
Tiết lộ mới nhất chính là sự xuất hiện của các quầy dịch vụ công an ở Canada, Úc, và Hà Lan. Các hãng thông tấn ở Hà Lan đã có thể định vị chính xác những tiền đồn công an “đang thuyết phục” cư dân Trung Quốc quay về nước để đối mặt với các cáo buộc hình sự. Các quầy dịch vụ công an bất hợp pháp này phá vỡ các kênh pháp lý thông thường và về căn bản là thực hiện công việc của công an trên lãnh thổ ngoại quốc.
Trước đó, Safeguard Defenders đã điều tra hoạt động của “các quầy dịch vụ” ở Tây Ban Nha, và Serbia. Tuy nhiên, để tìm được người sẵn lòng lên tiếng gần như là một điều bất khả thi.
Bất chấp thực tế đó, nhằm đáp trả truyền thông Tây Ban Nha, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã thừa nhận việc tham gia vào những hoạt động này là “rườm rà”, đổ lỗi cho việc dẫn độ (là một phương thức thông thường, hợp pháp để có thể cho hồi hương một cá nhân) và nói rằng các quốc gia Âu Châu đôi khi đã từ chối yêu cầu của họ.
Khi ngày càng có nhiều người chú ý đến hoạt động bất hợp pháp của công an Trung Quốc, thì các chính phủ bắt đầu có phản ứng. Một ủy ban của Nghị viện Canada được thiết lập để tổ chức các phiên điều trần về vấn đề này, và Cảnh sát Hoàng gia Canada đang tiến hành một cuộc điều tra. Ở Tây Ban Nha, Bộ Nội vụ cũng đang tiến hành điều tra. Còn ở Ireland, chính phủ đang yêu cầu thông tin từ phía Trung Quốc (và có thông tin cho rằng biển hiệu bên ngoài quầy dịch vụ công an Trung Quốc ở Dublin đã “biết mất”).
Bên cạnh đó, hôm 26/10 cũng có tin tức cho rằng Bộ Ngoại giao Hà Lan đang điều tra các trung tâm này để đưa ra hành động thích hợp. Bộ Ngoại giao cho biết là họ không được thông báo về các trung tâm này thông qua các kênh ngoại giao, đó là lý do vì sao các trung tâm này lại bất hợp pháp. Hơn nữa, Vương quốc Anh đã thông báo về việc thiết lập một “cơ quan đăng ký đại diện ở ngoại quốc”, để xác định các hoạt động như vậy là bất hợp pháp nếu không được đăng ký hợp lệ với chính phủ Anh.
Nhiều chính phủ hơn có khả năng sẽ mở các cuộc điều tra hoặc yêu cầu câu trả lời từ chính quyền Trung Quốc trong những tuần tới. Rõ ràng là các quầy dịch vụ công an này đang phủ sóng toàn cầu, và kể từ khi báo cáo đầu tiên được đưa ra hồi tháng Chín, gần như tuần nào cũng có bằng chứng về sự hiện diện của những quầy dịch vụ mới.
Tuy nhiên, nếu nhìn toàn bộ những hành động khác nhau đang được thực hiện, mỗi quốc gia lại có những hành động riêng của mình, thì rõ ràng là thiếu sự phối hợp, và điều này có nguy cơ làm suy yếu các biện pháp đối phó.
Phương Tây, như thường lệ, đang hành động như kiểu mỗi người một phách, chứ không phải phối hợp với nhau cùng lập kế hoạch để giải quyết vấn đề. Và chuyện này đòi hỏi một phản ứng phối hợp.
Báo cáo của chúng tôi cho thấy rằng những khu vực pháp lý của công an Trung Quốc mà trong đó họ thiết lập các quầy dịch vụ công an hải ngoại đang hoạt động theo nhiều cách khác nhau và rằng chương trình này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Mặc dù chiến dịch này chỉ bắt đầu với 10 “tỉnh thí điểm”, nhưng sẽ có nhiều tỉnh hơn nữa tham gia vào nỗ lực trị an này.
Một khi chính quyền Trung Quốc phân tích được cách mà các đồn này hoạt động và chiến thuật nào là hiệu quả nhất, thì chúng ta có thể sẽ thấy những hoạt động mang tính cấu trúc hơn trên quy mô rộng lớn hơn; và chuyện đó sẽ không xảy ra nếu Bắc Kinh đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ và từ bỏ các kế hoạch mở rộng chương trình cảnh sát ngoài lãnh thổ của mình.
Phản ứng kịp thời có thể thay đổi chính sách tương lai của chế độ này, và tốt nhất là ngay bây giờ, trước khi Bắc Kinh khai triển thêm kế hoạch.
Rõ ràng là các “quầy dịch vụ” báo công an này không đăng ký tại những quốc gia mà chúng hoạt động. Mỗi quốc gia đều có một khuôn khổ pháp lý cho các cơ sở như vậy. Những vi phạm nghiêm trọng mà các quầy dịch vụ này bộc lộ ra xứng đáng nhận được phản ứng gay gắt: buộc phải đóng cửa hoặc một hình phạt nhẹ hơn, tùy thuộc vào tính tự giác trong việc chấm dứt các hoạt động này.
Nhiều quốc gia hơn cần xem xét thông qua luật về “đăng ký đại diện ngoại quốc.” Sự tồn tại của việc đăng ký này chắc hẳn sẽ khiến các quầy dịch vụ công an Trung Quốc bất hợp pháp phải đóng cửa ngay lập tức. Các cơ sở này được điều khiển bởi người Trung Quốc tại các quốc gia mục tiêu, hoạt động như là đại diện ngoại quốc cho chính phủ Trung Quốc. Với thông tin sai lệch ngày càng tăng đến từ các đại diện ngoại quốc, cùng với kiểu đàn áp xuyên quốc gia này, thì việc đăng ký trở nên ngày càng cấp thiết.
Bên cạnh đó, công an cần hoạt động một cách có hệ thống về những vấn đề này. Cần thiết lập các đường dây nóng để nạn nhân báo cáo những hành vi vi phạm đó đi kèm với việc bảo vệ tốt danh tính của họ. Và cuối cùng, các quốc gia này nên cung cấp thông tin cập nhật theo định kỳ hàng năm để có thể định hình được cách Trung Quốc tham gia vào các hành vi như vậy và sự thay đổi về chiến thuật của họ.
Thực tế thì, có một yêu cầu tối thiểu đó là, những hành động này cần phải được thực hiện một cách có tổ chức và phối hợp tốt của Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Âu Châu, Úc, và các đồng minh khác đang đối mặt với mối đe dọa tương tự. Chỉ có phối hợp cùng nhau thì sức mạnh thực sự đằng sau những biện pháp đối phó ấy mới khởi tác dụng.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times