Trung Quốc thiết lập ‘quầy dịch vụ báo công an’ ở hải ngoại, cả ở Anh và Ireland
Theo một báo cáo mới, một văn phòng cảnh sát Trung Quốc đã thiết lập hàng chục “quầy dịch vụ báo công an” ở hải ngoại, gồm ba quầy dịch vụ ở Anh và một quầy dịch vụ ở Ireland.
Báo cáo do tổ chức nhân quyền phi chính phủ Safeguard Defenders (pdf) công bố hôm thứ Hai (12/09) cho biết các quầy dịch vụ này, được đặt tên là “110 Hải Ngoại”, đặt theo tên số điện thoại khẩn cấp của công an quốc gia, là một phần của chương trình do Cục Công an thành phố Phúc Châu (PSB) thí điểm.
Đến ngày 21/06, đã có 38 quầy dịch vụ trên khắp năm châu lục, báo cáo này cho biết, khi trích dẫn một bài báo tiếng Trung trong đó cho thấy rằng chương trình kể trên đã nhận được hơn 2,100 cuộc gọi báo công an từ 88 quốc gia hoặc khu vực tính đến ngày 14/06.
Các nhà hàng và siêu thị Trung Quốc nằm trong danh sách của quầy dịch vụ
Những nơi được gọi là quầy dịch vụ báo công an này dường như là những số điện thoại địa phương mà kiều bào người Hoa có thể gọi để truy cập các dịch vụ như gia hạn giấy tờ hoặc để báo án chẳng hạn như lừa đảo cho các quan chức Cục Công an Phúc Châu ở Trung Quốc.
Safeguard Defenders trích dẫn một bài báo tiếng Trung được xuất bản hồi tháng Một, trong đó có danh sách số và địa chỉ của 30 quầy dịch vụ trong “đợt [thí điểm] đầu tiên”.
Trong số các địa chỉ, một địa chỉ ở Dublin là một siêu thị Trung Quốc, còn một địa chỉ ở Glasgow là một nhà hàng Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (12/09), The Epoch Times đã không thể liên lạc được với siêu thị tại Dublin, nhưng một nhân viên tại nhà hàng ở Glasgow đã xác nhận với The Epoch Times trong một cuộc điện thoại rằng đường dây điện thoại của công an Trung Quốc được đăng ký tại địa chỉ này, nhưng nói rằng đó chỉ là “trên danh nghĩa”. Không rõ liệu nhà hàng có tham gia sâu hơn vào chương trình này hay không.
Ngoài ra còn có hai quầy dịch vụ khác ở London. Một trong các địa chỉ dường như là của một đại lý địa ốc, nhưng không rõ địa chỉ kia là ở đâu.
Danh sách trên cũng bao gồm các quầy dịch vụ ở các quốc gia trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Canada, Brazil, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nigeria, và Mông Cổ.
“Mặc dù không phải là đối tượng của cuộc điều tra này, nhưng thoạt nhìn, có ít nhất một số hiệp hội ở hải ngoại có liên kết với hệ thống Mặt trận Thống nhất,” Safeguard Defenders cho biết, đề cập đến Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Bắc Kinh, cơ quan giám sát hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Báo cáo tiếp tục nêu tên Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Phúc Kiến của Pháp và Hội đồng hương Thập Ấp Phúc Châu, cũng ở Pháp, làm ví dụ.
Không phải tất cả các mục tiêu của chiến dịch chống lừa đảo đều phạm tội
Báo cáo cũng cho biết chương trình “110 Hải Ngoại” được thành lập sau khi khởi động “một chiến dịch lớn trên toàn quốc nhằm chống lại vấn nạn lừa đảo và lừa đảo viễn thông ngày càng tăng do công dân Trung Quốc ở hải ngoại thực hiện” trong năm 2018.
Các nhà chức trách của chính quyền cộng sản tuyên bố rằng 230,000 công dân Trung Quốc đã được “thuyết phục trở về” để đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự ở Trung Quốc từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022.
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã cho biết một số chính quyền địa phương đã rà soát từng gia đình để ghi lại hành tung của người dân, trước khi “làm mọi thứ có thể” để thuyết phục những người bị tình nghi lừa đảo sống ở hải ngoại trở về nước.
Theo các bản tin khác của truyền thông Trung Quốc, các nhà chức trách đã đưa ra các thông báo đe dọa đóng băng tài sản của các mục tiêu, xóa sổ đăng ký hộ tịch của họ, hoặc giảm xếp hạng tín dụng của họ trừ khi họ hồi hương. Một số chính quyền địa phương cũng sử dụng chiến thuật “buộc tội liên đới”, cấm các thành viên gia đình của mục tiêu được học tập và tìm kiếm việc làm trong quân đội hoặc khu vực công.
Một bản tin tự hào phô trương rằng, “Các quan chức địa phương đã gõ cửa từng nhà trong cuộc điều tra của họ về những người bị tình nghi phạm tội lừa đảo. Không chỉ bằng cách dán thông báo ‘truy nã’ mà còn bằng đủ mọi chiến thuật đe dọa, bao gồm cả việc xịt sơn đỏ dòng chữ ‘nhà của một nghi phạm lừa đảo’ vào nhà của họ.”
Theo Safeguard Defenders, những người vô tội cũng bị nhắm tới bằng các chiến thuật này vì họ sống tại một trong chín quốc gia “bị cấm” do bị chính quyền chỉ định là cái nôi của hoạt động lừa đảo.
Ngoài những người bị tình nghi phạm tội lừa đảo, những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc và ở hải ngoại từ lâu đã cho biết họ bị nhắm mục tiêu với các chiến thuật tương tự.
Safeguard Defenders lập luận rằng các chiến dịch trị an theo kiểu cánh tay nối dài kể trên của chính quyền Trung Quốc “né tránh việc hợp tác chính thức và song song giữa lực lượng cảnh sát và lực lượng tư pháp, đồng thời vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế, và cũng có thể vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thứ ba liên quan đến việc thiết lập một cơ chế trị an song song sử dụng nhiều phương thức bất hợp pháp.”
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo gốc từ The Epoch Times