Bắc Kinh đã vận hành quầy báo cảnh sát ở Úc trong gần bốn năm
Truyền thông Úc tiết lộ rằng Bắc Kinh đã vận hành một quầy báo cảnh sát ở Sydney từ năm 2018.
Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) đưa tin hôm 13/10, Sở Công an tại thành phố Ôn Châu của Trung Quốc đã thiết lập một “điểm liên lạc” chính thức tại Sydney vào năm 2018.
Hành động này đã được quảng cáo rầm rộ tại buổi lễ [khánh thành] chính thức ở Ôn Châu vào năm 2019 nhưng có rất ít hãng thông tấn quốc tế đã đưa tin về vấn đề này vào thời điểm đó.
Ông La Kiệt (Luo Jie), Giám đốc Sở Công an Ôn Châu, cho biết tại buổi lễ rằng đầu mối liên lạc ở hải ngoại này là một “sự hưởng ứng tích cực” trước Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn bị cáo buộc là ngoại giao “bẫy nợ” nhằm tìm kiếm quyền bá chủ.
Tài khoản WeChat chính thức của sở cảnh sát Ôn Châu đã giới thiệu những người tìm kiếm điểm liên lạc ở Sydney đến Phòng Công nghiệp Ôn Châu Úc, trong khi phát ngôn viên của Phòng này đã nói với ABC rằng điểm liên lạc đó đã đóng cửa và không hoạt động trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, phía cảnh sát Ôn Châu, Trung Quốc xác nhận rằng điểm liên lạc đó vẫn đang hoạt động, theo ABC.
Báo cáo: Trung Quốc rải đồn cảnh sát khắp thế giới
Việc công khai điểm liên lạc ở Sydney được đưa ra sau một báo cáo gần đây tiết lộ rằng ĐCSTQ đã thiết lập các đồn cảnh sát (hay quầy dịch vụ báo cảnh sát) như vậy trên khắp thế giới để thực hiện đàn áp xuyên quốc gia.
Báo cáo có nhan đề “110 Hải Ngoại: Hoạt động Kiểm Soát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Điên Cuồng” (“110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild)”, được tổ chức nhân quyền quốc tế Safeguard Defenders xuất bản hồi tháng Chín, cảnh báo rằng ĐCSTQ đã thiết lập “ít nhất 54 ‘quầy dịch vụ báo cảnh sát ở hải ngoại’ do cảnh sát điều hành khắp năm châu.”
Các quầy báo cảnh sát này còn được gọi là lực lượng 110 ở Hải ngoại, được đặt tên theo số điện thoại dịch vụ khẩn cấp của cảnh sát Trung Quốc.
Báo cáo xác định có 54 quầy dịch vụ báo cảnh sát cho Hoa kiều ở 30 quốc gia. Các quầy báo cảnh sát này đều thuộc quyền quản lý của hai cơ quan cảnh sát cấp địa phương ở Trung Quốc — Sở Công an Phúc Châu ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, và công an huyện Thanh Điền ở tỉnh Chiết Giang.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ về tổng số quầy báo cảnh sát.
“Không có một danh sách đầy đủ về “các quầy dịch vụ báo cảnh sát của lực lượng 110 ở Hải ngoại” như vậy, báo cáo viết. “Con số [này] chắc chắn lớn hơn và các quầy dịch vụ như vậy đang ngày càng phổ biến hơn.”
‘Mục tiêu thâm độc hơn’ đằng sau các quầy 110 Hải ngoại
Mặc dù nhìn bề ngoài thì các quầy này chỉ phục vụ những mục đích hành chính, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe của Trung Quốc và giải quyết các tài liệu chính thức, nhưng ẩn đằng sau thì hệ thống quầy dịch vụ này còn có “mục tiêu thâm độc hơn, vì mạng lưới này góp phần ‘kiên quyết trấn áp mọi loại hoạt động bất hợp pháp và tội phạm liên quan đến Hoa kiều,’” báo cáo của Safeguard Defenders cho biết.
Một số quầy dịch vụ đã đang “dính líu đến việc hợp tác với công an Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động trị an trên đất ngoại bang”, báo cáo lưu ý.
Theo báo cáo của thông tấn nhà nước Trung Quốc, từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, ước tính có khoảng 230,000 công dân Trung Quốc ở hải ngoại đã được “thuyết phục về” nước để đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Safeguard Defenders lưu ý rằng “việc thuyết phục hồi hương” như vậy có liên quan đến việc sách nhiễu và đe dọa họ hàng thân thích của mục tiêu ở Trung Quốc. Khi mục tiêu từ chối tuân thủ, gia đình của họ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt, chẳng hạn như con em của họ bị từ chối giáo dục.
Báo cáo nêu rõ, “Những phương pháp này cho phép ĐCSTQ và các cơ quan an ninh của họ phá vỡ các cơ chế song phương thông thường về hợp tác cảnh sát và tư pháp, do đó phá hoại nghiêm trọng pháp quyền quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thứ ba liên quan.”
“Điều này khiến những cư dân Trung Quốc hợp pháp ở hải ngoại hoàn toàn trở thành mục tiêu ngoài vòng pháp luật của cảnh sát Trung Quốc, với rất ít hoặc không có biện pháp bảo vệ nào về mặt lý thuyết được bảo đảm theo cả luật quốc gia lẫn quốc tế.”
Cô Laura Harth, giám đốc chiến dịch của Safeguard Defenders, cho biết những quầy dịch vụ kiểu này nên được xem là “một vấn đề khẩn cấp và cần phải bắt đầu các cuộc điều tra về những hoạt động bất hợp pháp đang diễn ra trên đất Úc.”
Cô nói với The Epoch Times, “Sự tồn tại của một thỏa thuận không công khai như vậy là một phần không thể thiếu trong chiến dịch đang diễn ra của ĐCSTQ nhằm reo rắc thêm nỗi sợ hãi trong cộng đồng Hoa kiều và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng được hưởng các quyền tự do căn bản được bảo đảm theo khuôn khổ pháp lý của Úc.”
“Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi các biện pháp trừng phạt phối hợp và có mục tiêu đối với các cá nhân và tổ chức của CHND Trung Hoa tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp này.”
Phản ứng từ các chính phủ
Báo cáo của Safeguard Defenders đã làm dấy lên những lo ngại trên khắp thế giới.
Tại Hoa Kỳ, ông Frank Gaffney, chủ tịch điều hành Trung tâm Chính sách An ninh có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hối thúc các quốc gia khác đóng cửa các tiền đồn của cảnh sát Trung Quốc.
Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc này không chỉ là một mối đe dọa chí tử đối với chúng ta, mà còn là một mối đe dọa khủng khiếp và thực sự nguy hiểm đối với người dân của chính họ.”
Tại Canada, quốc gia không có hiệp ước song phương nào với Bắc Kinh cho phép cảnh sát Trung Quốc cư trú và mở các đồn cảnh sát trong nước, một cuộc điều tra kiểm chứng thông tin về các đồn đó đã bắt đầu.
“Hoạt động này được cho là hoàn toàn bất hợp pháp, hoàn toàn không chính đáng, và cần phải được giải trình nghiêm túc, và theo dõi sát sao về mặt ngoại giao,” ông Weldon Epp, làm chứng trước ủy ban nghị viện Canada-Trung Quốc hôm 04/10, cho biết.
Ireland và Tây Ban Nha cũng đã bắt đầu điều tra các quầy báo cảnh sát này ở quốc gia của họ sau khi báo cáo được công bố.
Các chuyên gia Trung Quốc: Không phải chuyện gì mới
Tuy nhiên, đồn cảnh sát của ĐCSTQ ở Sydney không nằm ngoài dự đoán của một số chuyên gia về Trung Quốc.
“Chuyện mà chính quyền Trung Quốc vận hành đồn cảnh sát hiện diện ở Úc và trên khắp thế giới thực sự không phải là ‘tin tức mới,’” ông Lin Bin, một nhà khoa học chính trị, nói với The Epoch Times. “Trong mọi đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Trung Quốc, tùy viên quân sự là một phần trong đội ngũ nhân viên của họ. Rõ ràng là các tùy viên quân sự này làm nhiệm vụ như là nhân viên bảo vệ để theo dõi an ninh của đại sứ quán hoặc lãnh sự quán.”
“Tuy nhiên, họ có thể không nói với quý vị rằng họ có một số nhiệm vụ khác. Họ có thể cố gắng thu thập thông tin về quân đội của các quốc gia khác.”
Ông Lin nói rằng chính phủ Úc đã không làm hết sức để đối phó với sự can thiệp của ngoại quốc như vậy.
“Họ nên tuyển dụng nhiều nhân viên hơn để giữ an toàn cho tất cả những người sống ở Úc,” ông nói.
Tiến sĩ Tần Tấn (Chin Jin), chủ tịch của Mặt trận Dân chủ Trung Quốc có trụ sở tại Úc, cũng lặp lại quan điểm của ông Lin rằng các quầy dịch vụ báo cảnh sát ở hải ngoại không phải chuyện gì đó mới.
“Quyền tài phán có sức ảnh hưởng sâu rộng của ĐCSTQ diễn ra ngay trước mắt của các nước phương Tây, họ biết mà không thể làm được gì, đó là kết quả của việc phương Tây từ lâu đã mở cửa mời trộm vào nhà,” ông Tần nói với The Epoch Times.
“Khả năng nhận thức và trình độ nhận thức của phương Tây về ĐCSTQ thấp đến mức họ chẳng có cảm giác gì trước quyền tài phán có sức ảnh hưởng sâu rộng của đảng này và vô tình chấp nhận hành vi xâm phạm chủ quyền của họ. Bắc Kinh là tập đoàn và tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới, nhưng hầu hết các nước phương tây không nhận ra điều này.”
Tuy nhiên, ông tin rằng ngay khi Úc thức tỉnh, thì sự hiện diện bổ sung của cảnh sát Bắc Kinh sẽ “như một con quái vật trong bóng đêm bị ánh sáng ban ngày làm cho tan biến.”
Ông nói, “[Chuyện này] giống như những tên tội phạm trên một chiếc xe buýt đông đúc biến những hành khách không cẩn thận trở thành nạn nhân. Chỉ cần một tiếng hét lớn của vị hành khách cảnh giác, thì tội ác có thể được ngăn chặn ngay lập tức.”
Các thỏa thuận của AFP với Bắc Kinh đang được xem xét kỹ lưỡng
Lực lượng Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đã ký một số thỏa thuận với cơ quan cảnh sát nhà nước của Trung Quốc, Bộ Công an, để chống tội phạm xuyên quốc gia và hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Ông Kevin Carrico, một giảng viên kỳ cựu của khoa Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Monash, cho biết đây là một lĩnh vực mà ông sẽ đưa ra lời khuyên thận trọng.
“AFP không thể làm gì để thay đổi thực tế rằng, thật không may, cảnh sát ở Trung Quốc về căn bản chỉ là tay sai của đảng,” ông Carrico nói với The Epoch Times.
“Nhưng trong khi hiểu rằng mức độ hợp tác có thể là cần thiết, tôi nghĩ rằng cần phải thảo luận và phản ánh thực sự về bản chất của các thỏa thuận này.”
“Điều này cần phải được thực hiện một cách minh bạch và cần được thực hiện theo cách phục vụ lợi ích của Úc thay vì chỉ phục vụ lợi ích của chế độ độc tài áp bức, nhưng thường thì, những thỏa thuận kiểu này với Trung Quốc được giấu kín trong bí mật.”
Ông Carrico, hiện là Thành viên Nghiên cứu DECRA của Hội đồng Nghiên cứu Úc, đã đưa ra dẫn chứng về các viện Khổng Tử và thỏa thuận BRI do Thủ hiến Victoria Daniel Andrews ký, vốn đã bị Chính phủ Liên minh tiền nhiệm bãi bỏ.
Ông nói: “Cần phải thảo luận công khai và cởi mở về tất cả các thỏa thuận và tất cả các hình thức hợp tác, đặc biệt là khi chúng ta xét đến tội ác phản nhân loại mà nhà nước Trung Quốc và các cơ quan an ninh công cộng của họ đang thực hiện.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Nội vụ và được cho biết rằng đây không phải là vấn đề của Bộ Nội vụ và đã được chuyển đến Cảnh sát Liên bang Úc (AFP).
“AFP không đưa ra bình luận nào,” một phát ngôn viên nói với The Epoch Times về sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc ở Úc.
The Epoch Times cũng đã liên lạc với Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) nhưng chưa nhận được phản hồi nào vào thời điểm phát hành bài báo.
Ông Carrico nói: “Chính phủ Úc nên phản ứng một cách dứt khoát và cương quyết.”
“Phản ứng duy nhất mà Chính phủ Úc có thể có để vừa bảo vệ chủ quyền của đất nước, vừa bảo vệ công dân và quyền lợi của người dân chúng tôi là bảo đảm rằng đồn [cảnh sát đó] sẽ phải đóng cửa, để chắc chắn rằng bất kỳ ai liên quan đến mạng lưới đó đều bị kết án hoặc xét xử vì tội liên kết với tổ chức hoạt động ngoài vòng pháp luật này, cho dù chúng ta đang nói về gián điệp hay quấy rối.”
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times