Luật sư nhân quyền: Úc có thể giúp ngăn chặn tội ác tàn khốc do Bắc Kinh gây ra
Người tham gia chiến dịch vận động: Nhân cách chúng ta đáng giá bao nhiêu?
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế sống tại Winnipeg, Canada, đang tham dự một cuộc tập hợp do các học viên Pháp Luân Công tổ chức trước Tòa nhà Quốc Hội Úc ở Canberra hôm 22/11. Ông cho biết sẽ không mất nhiều thời gian để Úc giúp ngăn chặn một trong những tội ác lớn nhất hành tinh.
Ông Matas, cùng với nhà hoạt động nhân quyền quá cố David Kilgour, đã cùng được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho cuộc điều tra của hai ông về cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc và nạn mổ cướp nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền và các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Môn tu luyện truyền thống này lan nhanh khắp Trung Quốc vào những năm 1990, ước tính chính thức có 70-100 triệu người theo học pháp môn này vào năm 1999.
Lo sợ về sự phổ biến của Pháp Luân Công với tư cách là một hệ tư tưởng độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền cộng sản vô thần, ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã phát động một cuộc đàn áp bạo lực vào tháng 07/1999 nhằm xóa sổ pháp môn tu luyện này cùng những học viên. Cuộc đàn áp này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Thúc đẩy luật cấm du lịch cấy ghép nội tạng
Ông Matas cho biết mặc dù đã có một số tuyên bố của các nghị sĩ ủng hộ Pháp Luân Công và phản đối cuộc đàn áp đối với nhóm này, nhưng chính phủ liên bang đã có rất ít hoặc không có hành động ngăn cản người Úc đến Trung Quốc để du lịch ghép tạng.
“Ngay bây giờ, nếu quý vị sát hại ai đó ở Úc để lấy nội tạng, quý vị có thể bị truy tố, nhưng nếu quý vị đến Trung Quốc để ghép nội tạng, và ai đó bị sát hại ở Trung Quốc để lấy nội tạng của họ, sau đó quý vị quay trở lại, thì cả chính quý vị và bác sĩ giới thiệu, hoặc người môi giới, công ty quảng cáo hoặc bất kỳ ai liên quan đến việc này đều không bị truy tố,” ông cho biết thêm.
Liên Ủy ban Thường trực về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại đã đề nghị luật về vấn đề này vào năm 2018. Mặc dù chính phủ của ông Morrison trước đó đã đồng ý với khuyến nghị này vào năm 2021, cho đến nay vẫn chưa có luật nào được thông qua.
Cộng đồng Pháp Luân Công địa phương hiện đang chờ đợi hành động của chính phủ Công Đảng mới về khuyến nghị này.
Ông Matas cho biết trong khi việc khiến chính quyền Trung Quốc thay đổi là rất khó, thì những gì các nước khác có thể làm là tránh đồng lõa.
“Với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, [đối với] Úc, tất cả các quốc gia khác nằm ngoài Trung Quốc, không có lý do gì mà chúng ta không làm bất cứ điều gì về các ca cấy ghép của mình,” ông Matas nói.
Gần mười quốc gia đã ra luật cấm công dân của quốc gia mình du lịch cấy ghép tạng, trong đó có Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ý, và Israel, theo Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc.
Mối quan hệ Úc-Trung sẽ không bị ảnh hưởng
Chuyến thăm của ông Matas diễn ra vào thời điểm Thủ tướng Úc Albanese gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 và đưa ra các vấn đề với Bắc Kinh, bao gồm vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, việc giam giữ công dân Úc gốc Hoa và khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại đã ngăn 20 tỷ AUD (13.5 tỷ USD) hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, vốn được áp đặt để đáp trả lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19.
Các chuyên gia chính sách ngoại giao đã thúc giục chính phủ Công Đảng Úc tập trung vào việc buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì nhân quyền và các quy tắc quốc tế về thương mại.
“Tôi tin tưởng thủ tướng và chính phủ sẽ tiếp tục giữ vững lập trường về các quyền căn bản của con người và sẽ không hạ thấp mình và cố gắng biện minh hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm thô bạo do chế độ độc tài Bắc Kinh gây ra,” cựu Thượng nghị sĩ Đảng Tự Do Eric Abetz, người từng là chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, nói với The Epoch Times.
Khi được hỏi liệu chính phủ Úc có thể thông qua luật trong khi vẫn duy trì thương mại với Bắc Kinh hay không, Ông Matas cho biết câu trả lời là có.
“Bởi vì bản thân luật pháp sẽ không nói về Trung Quốc,” ông Matas trả lời. “Chúng tôi chỉ nói rằng đó là một tội ác thực sự… Chừng nào luật pháp không đề cập đến Trung Quốc, tôi nghĩ rằng người Trung Quốc thậm chí còn không quan tâm.”
Mọi thứ không trở nên tốt hơn
Theo ông Matas, tình trạng mổ cướp nội tạng cưỡng bức không thuyên giảm trong những năm gần đây ở Trung Quốc.
“Có cả một khu liên hợp công nghiệp,” ông cho biết. “Nó giống như một cơn nghiện… Đó là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và hệ thống y tế không thể để mất tiền.”
Ngoài ra, những người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ hàng loạt từ năm 2017, hiện cũng đang là mục tiêu của tội ác tàn khốc này.
“Có rất nhiều chuyến hàng nội tạng từ Tân Cương đến phần còn lại của Trung Quốc.”
Người Úc: Nhân cách của chúng ta đáng giá bao nhiêu?
Ông Andrew Richard, một người ủng hộ quyền cho người khuyết tật, người đã theo dõi cuộc tập hợp hôm 21/11, cho biết tội ác mổ cướp nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ là một hành động tàn sát thời hiện đại không thể chấp nhận được.
“Chúng ta đang làm chưa đủ. Thực tế là các vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra. Đó là thước đo cho những gì chúng ta đã nhượng bộ,” ông cho biết.
Nhà vận động này kêu gọi chính phủ Úc đa dạng hóa xuất cảng và không hy sinh sự chính trực để đổi lấy các lợi ích.
“Nếu chúng ta dung túng nạn thu hoạch nội tạng người sống như một cái giá cho hàng hóa xuất cảng của chúng ta, thì đâu là đường giới hạn của chúng ta?” ông Richard hỏi.
Bản tin có sự đóng góp của Wen Qingyang
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times