Chiến dịch đàn áp của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã đặt nền móng cho nền độc tài số ở Trung Quốc
Theo các chuyên gia và những người ủng hộ, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) đã chủ trì một cuộc đàn áp bất thường đối với các nhóm tín ngưỡng, đặc biệt là nhóm tinh thần Pháp Luân Công, trong đó chính quyền đã khai triển các công cụ và chiến thuật đặt nền móng cho sự phát triển của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số hiện đại của Trung Quốc.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Giang đã qua đời vào ngày 30/11 ở tuổi 96 tại Thượng Hải, do bệnh bạch cầu và suy đa tạng.
Trong khi sự qua đời của ông đã khiến một số nhà phân tích hăng hái kể lại những gì được cho là đóng góp của ông đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, thì những người khác chỉ ra vai trò của ông Giang trong việc thúc đẩy đất nước cộng sản này gây bất lợi cho Hoa Kỳ và phương Tây.
Cùng lúc đó, những người ủng hộ và các chuyên gia đã thu hút sự chú ý đến những vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn của ông Giang – những tội ác vẫn tồn tại ở Trung Quốc cho đến ngày nay.
Các vi phạm
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học và phân tích chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Âu Châu, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Tội ác lớn nhất của ông ấy: tất nhiên là cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999 với những cuộc tàn sát, [và] cai trị Trung Quốc thông qua tham nhũng và vi phạm đạo đức.”
Môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã trở nên phổ biến vào những năm 1990. Nhận thấy đây là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, ông Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp quy mô lớn khiến hàng triệu học viên bị giam giữ vì đức tin của họ.
Ông Lehberger nói rằng ông Giang cũng ra lệnh thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các nhóm bị bức hại, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ được phát hiện là nguồn cung cấp nội tạng chính cho hành động khủng khiếp này vốn được dùng để cung cấp cho thị trường cấy ghép tạng lớn của Trung Quốc.
Ông Lehberger lưu ý rằng các chính sách áp bức sâu rộng của vị cựu lãnh đạo này đã đặt nền móng cho các chiến dịch đàn áp khác của Trung Cộng đối với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ, và những người Hồng Kông.
Ông Giang là nhà lãnh đạo Trung Cộng đầu tiên phải đối mặt với các vụ kiện tại tòa án quốc gia cũng như quốc tế.
Năm 2009, ông Giang và bốn quan chức cao cấp của Trung Cộng đã bị truy tố tại tòa án quốc gia Tây Ban Nha vì phạm tội diệt chủng và tra tấn các học viên Pháp Luân Công.
Năm 2003, ba nhóm ủng hộ Tây Tạng đã cùng nhau đệ đơn kiện hình sự lên Tối cao Pháp viện Tây Ban Nha, cáo buộc ông Giang và ông Lý Bằng (Li Peng), cả hai đều đã về hưu với tư cách lần lượt là chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội Trung Quốc, phạm tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại ở Tây Tạng.
Ông Tsering Passang, người sáng lập và chủ tịch của nhóm vận động Liên minh Toàn cầu cho Tây Tạng và các Dân tộc Thiểu số bị Bức hại, đã nhấn mạnh vai trò của ông Giang trong việc xóa sổ đức tin Phật giáo Tây Tạng.
Đức Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật tôn giáo quan trọng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mất tích ở tuổi lên 6 vào tháng 05/1995 dưới thời ông Giang Trạch Dân cầm quyền ở Trung Quốc, được cho là đã bị chính quyền này bắt cóc. Kể từ đó, không có tin tức gì về ông cũng như gia đình ông. Năm 2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một tuyên bố chính thức đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông.
“Theo truyền thống Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma và Đức Đạt Lai Lạt Ma có vai trò quan trọng trong việc công nhận sự chuyển sinh của nhau. Bắc Kinh đã bổ nhiệm Ban Thiền Lạt Ma của riêng mình sáu tháng sau đó vào tháng 11/1995. Tất cả điều này xảy ra dưới thời trị vì của… ông Giang Trạch Dân, người có quyền lực tối cao,” ông Passang nói với The Epoch Times qua tin nhắn.
Ông nói thêm rằng ngay cả Karmapa thứ 17, người đứng đầu của nhánh Karma Kagyu 900 năm tuổi của Phật giáo Tây Tạng, đã phải đột ngột trốn khỏi Tây Tạng vào năm 2000 dưới chế độ của ông Giang vì nhà lãnh đạo này bị hạn chế theo đuổi giáo dục Phật giáo ở Tây Tạng.
Ông Lehberger cũng lưu ý rằng ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh thiết lập Đại Tường Lửa của Trung Quốc, bộ máy giám sát và kiểm duyệt internet rộng lớn của chính quyền. Điều này đặt nền móng cho nền độc tài kỹ thuật số của ĐCSTQ, sau này được hoàn thiện dưới sự cai trị của lãnh đạo Trung Cộng đương nhiệm Tập Cận Bình. Ông nói, việc này cũng mở đường cho “nền độc tài y tế sinh học COVID.”
Theo ông Lehberger, về mặt kinh tế, các chính sách của ông Giang Trạch Dân đã khơi mào cho nạn trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan của chính quyền Trung Quốc, sản sinh ra hàng giả giá rẻ của Trung Quốc, từ đó tràn ngập thị trường toàn cầu. Chuyên gia này cũng đổ lỗi cho ông Giang về việc phá hủy môi trường trên diện rộng và chủ nghĩa tư bản săn mồi của Trung Cộng.
Vấn đề dân chủ
Nhà sử học và tác giả người Pháp Claude Arpi đã nhớ lại những phát ngôn thể hiện sự kém hiểu biết của ông Giang về dân chủ trong các chuyến thăm cấp nhà nước của ông ta ở ngoại quốc. Những nhà tổ chức đã phải đối mặt với các vấn đề khi những người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối vị lãnh đạo đương thời này.
“Vào ngày 25/03/1999, ông Giang Trạch Dân thăm chính thức Thụy Sĩ. Vào ngày hôm đó, khi ông đến tòa nhà quốc hội ở Bern, [vị lãnh đạo] Trung Quốc đã nhìn thấy một số người biểu tình ủng hộ Tây Tạng trước tòa nhà với các biểu ngữ ‘Trả Tự do cho Tây Tạng’. Ông ấy đã rất tức giận,” ông Arpi, hiện đang sống ở Ấn Độ, cho biết.
“Bên trong quốc hội, ông Giang nói với các nhà lập pháp Thụy Sĩ rằng: ‘Hôm nay, Thụy Sĩ đã mất đi một người bạn.’”
Ông Arpi đề cập rằng vài năm sau sự việc này, một nhà ngoại giao Thụy Sĩ nói với ông rằng sự tức giận của ông Giang vẫn tiếp tục ngay cả trong bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước với tổng thống Thụy Sĩ vào cuối buổi tối hôm đó.
“Ông Giang Trạch Dân vẫn còn tức giận đến mức từ chối ăn tối khiến những người đón tiếp ông, những người đã cố gắng giải thích ‘dân chủ’ là gì, vô cùng bối rối. Nhưng điều đó vô ích!” ông Arpi nói.
Ông Passang đã tham gia các cuộc biểu tình trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Giang tới London hồi năm 1999, và ông Passang bị cảnh sát thành phố giam giữ trong hơn sáu giờ.
Ông nói: “Ở Cambridge (tôi không tham dự cuộc biểu tình ở đó), cơ quan an ninh/mật vụ Trung Quốc đã được nhìn thấy đúng là đang chỉ thị cảnh sát Anh ngăn chặn những người biểu tình Tây Tạng.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, việc điều động cảnh sát là thái quá — hành động đó quá bạo lực,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng cảnh sát địa phương sau đó đã xin lỗi về hành động của họ.
Bè phái chính trị
Các nhà quan sát lưu ý rằng ông Giang từng là thủ lĩnh của một phe phái trong Trung Cộng được gọi là “Băng đảng Thượng Hải”, ám chỉ thành phố ven biển phía đông mà ông Giang nắm trong tay một thế lực chính trị.
Bè phái chính trị đóng một vai trò quan trọng trong các chính sách kinh tế và chính trị của Trung Cộng. Nhà phân tích Srijan Shukla của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Observer’s Research Foundation-ORF) cho biết trong một bài báo năm 2021 có nhan đề “Sự trỗi dậy của Băng đảng ông Giang” rằng chừng nào ông Giang còn nắm quyền, thì băng đảng Thượng Hải của ông ta không chỉ thống trị chính trường quốc gia mà thành phố của ông ta còn nhận được sự ưu đãi về kinh tế từ ban lãnh đạo trung ương.
“Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2002 cho thấy trong …12 năm (1990-2002), Thượng Hải đã nhận được 19.8 tỷ nhân dân tệ từ các khoản trợ cấp và cho vay của nhà nước so với đối thủ cạnh tranh chính trong nước là thành phố Thiên Tân. Sự đối xử ưu đãi này cũng đưa đến nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) vào Thượng Hải hơn bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc,” ông Shukla viết, đồng thời cho biết thêm rằng từ năm 1978 đến năm 2002, 86% dòng vốn FDI vào Trung Quốc đã chảy về bờ biển phía đông.
Các nhà phân tích nói rằng ngay cả sau khi từ chức lãnh đạo, ông Giang vẫn có thể kiểm soát nền chính trị từ phía sau hậu trường với tư cách là một người đứng đầu phe phái.
Ông Lehberger nói rằng ông Giang đã thao túng và kiểm soát người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào cho đến năm 2012, mặc dù ông Giang đã chính thức về hưu vào năm 2004.
Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông Giang hy vọng rằng phe của ông ta cũng có thể làm điều tương tự và “thao túng ông ta [ông Tập] như một loại ‘con rối’ nào đó,” ông Lehberger nói.
Ông Passang lưu ý rằng sự qua đời của ông Giang có thể là tin tốt cho ông Tập.
Ông nói: “Sự qua đời của ông ấy có thể gây bất lợi cho những người ủng hộ ông ấy trong đảng, điều đó có nghĩa là một cơ hội trọn vẹn cho ông Tập Cận Bình.”
Ông Lehberger lưu ý có tin đồn vào giữa tháng Mười Một rằng ông Giang đã qua đời, và cho rằng ông Tập đã quyết định tiết lộ điều đó vào thời điểm các cuộc biểu tình rầm rộ lịch sử về COVID đang làm rung chuyển Trung Quốc. Nhưng ông Lehberger thừa nhận rằng không có cách nào để chứng minh những tin đồn này.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times