Quảng cáo YouTube đang trợ lực cho kế hoạch thu phục nhân tâm ở hải ngoại của Bắc Kinh
Báo cáo cho biết, Bắc Kinh đang vượt tường lửa mà chính mình xây dựng để gây ảnh hưởng đến phương Tây
Theo một báo cáo mới của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Bắc Kinh đang vượt tường lửa của chính họ để tận dụng YouTube, và thu lợi từ dịch vụ quảng cáo của nền tảng này trong cuộc chiến thu phục nhân tâm ở phương Tây.
Báo cáo được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ có nhan đề “Trung Quốc đang sử dụng những người có ảnh hưởng thuộc dân tộc thiểu số để truyền bá luận điệu về Tân Cương trên mạng xã hội” này đã thẩm định 1,741 video từ 18 người có ảnh hưởng và nổi tiếng trên YouTube được cho là sống ở Tân Cương, Tây Tạng, và Nội Mông.
Báo cáo cho thấy những “người có ảnh hưởng ở biên giới” này, mà hầu hết là phụ nữ trẻ đến từ các dân tộc thiểu số khác nhau, đã được Bắc Kinh hiệu khảo cẩn thận và được xem là đáng tin cậy về mặt chính trị.
Theo một bài báo của các tác giả ASPI, “Các video này cho thấy một hình ảnh nguyên sơ, trung lập về tôn giáo, và được tiêu chuẩn hóa của những vùng này, với những người phụ nữ hiện đại, với tư tưởng bị Hán hóa, và thể hiện lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ].”
“Sự tuyên truyền tinh vi này cho thấy một tầm nhìn về ‘Trung Quốc mỹ lệ’ của Chủ tịch Tập Cận Bình, một tầm nhìn không có chính trị hay tôn giáo mà thay vào đó là một môi trường tự nhiên bình dị và các yếu tố văn hóa vô thưởng vô phạt như nấu ăn hoặc vũ đạo.”
Một ví dụ đáng chú ý là cô Lý Tử Thất (Li Ziqi), người có ảnh hưởng lớn nhất trên mạng xã hội quốc tế của Trung Quốc, với các video về hình ảnh cô gái miền quê ở tỉnh Tứ Xuyên đã thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi ở hải ngoại.
Những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc đang phát triển thông qua các cơ quan của ‘bên thứ 3’
Báo cáo lưu ý rằng mặc dù những video của những người có ảnh hưởng này dường như do chính họ tạo ra, nhưng thực chất chúng được tạo ra dưới sự trợ giúp của các cơ quan quản lý người có ảnh hưởng đặc biệt được gọi là mạng đa kênh (multi-channel networks, MCNs).
Các tác giả viết: “Các kênh này được sản xuất tinh xảo để mang đến vẻ chân thực, mang lại cho chúng độ tin cậy cao hơn so với các hãng thông tấn truyền thống của đảng-nhà nước, thường có thể cứng nhắc và mô phạm.”
“Tuy nhiên, các kênh này được sản xuất bởi MCN, vốn [hoạt động] với tư cách là các doanh nghiệp, có mối liên hệ mật thiết với ĐCSTQ. Một số MCN có ủy ban chi bộ ĐCSTQ trong nội bộ công ty. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu tất cả MCN phải bảo đảm rằng nhân tài của họ phải tuân thủ các giá trị của ĐCSTQ và thúc đẩy nghị trình của ĐCSTQ.”
YouTube tài trợ cho tuyên truyền của ĐCSTQ
Mặc dù những người sáng tạo nội dung Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc kiếm tiền từ nội dung YouTube của họ do “Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc” (Great Firewall of China) nhưng MCN thì lại không bị ràng buộc bởi những hạn chế này và có thỏa thuận với YouTube — dẫn đến việc đại nền tảng chia sẻ video này hỗ trợ hiệu quả cho các nỗ lực tuyên truyền và tin giả của ĐCSTQ.
Báo cáo của ASPI đã phát hiện ra tám công ty Trung Quốc điều hành các kênh YouTube có trụ sở tại Trung Quốc, tất cả đều có thỏa thuận như vậy với YouTube.
Báo cáo cho biết, ví dụ, ông Chu Đan Tuấn (Zhu Danjun), Giám đốc điều hành của công ty Tiểu Ngũ Huynh Đệ (Xiaowu Brothers) nói với truyền thông Trung Quốc rằng, kể từ năm 2018, nhân viên điều hành của ông ấy và những người có ảnh hưởng mà họ đại diện đã có các cuộc họp với “các chiến lược gia của YouTube” cứ sau một đến hai tháng.
Ngoài ra, tài khoản của nhiều người có ảnh hưởng đã hiển thị quảng cáo đầu video cho các thương hiệu như Squarespace và Norwegian Cruise Line.
Báo cáo nêu rõ: “Trên các video cụ thể về bông Tân Cương, chúng tôi đã thấy các quảng cáo đầu video (không thể bỏ qua) và quảng cáo gián đoạn giữa video cho KFC Australia và Vimeo, cùng các thương hiệu khác.”
ĐCSTQ phủ nhận tội ác nhân quyền
Ngoài việc sử dụng những cách tinh tế để gây ảnh hưởng đến khán giả, những người có ảnh hưởng còn trực tiếp phủ nhận những lo ngại về lạm dụng nhân quyền quốc tế đã được xây dựng trong một số video. Như một người có ảnh hưởng đã nói, “Mọi người đều hạnh phúc và tất cả các sắc tộc đang chung sống hòa thuận với nhau.”
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tiến hành giám sát hàng loạt, giam giữ, và “cải tạo” người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương với lý do chống lại sự bất ổn và chống khủng bố.
Trong khi chính quyền cộng sản này từ lâu đã phủ nhận cáo buộc “diệt chủng” ở Tân Cương, các hồ sơ bị rò rỉ của Cảnh sát Tân Cương được công bố hồi tháng Năm đã tiết lộ cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung hàng loạt, bao gồm cả việc hành quyết những người đào tẩu.
Theo một báo cáo do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền công bố hồi tháng Tám, các cáo buộc về tội ác nhân quyền ở Tân Cương bao gồm cưỡng hiếp, bạo lực tình dục, biệt giam, tra tấn tâm lý, và cưỡng bách uống thuốc.
Một ‘trận chiến đầy cam go’ phía trước
Bà Nurgul Sawut, chủ tịch điều hành của Diễn đàn Tự do Duy Ngô Nhĩ cho biết: “Báo cáo này cho thấy rõ mức độ độc hại và sâu rộng của những mạng lưới tin giả đó bên trong Trung Quốc và cách nó thực sự vươn ra ngoài biên giới đến với khán giả quốc tế.”
Bà nói với The Epoch Times: “Chắc chắn chúng ta có một trận chiến vô cùng cam go ở phía trước.”
Bà Sawut kêu gọi các chính phủ hãy hành động để giúp các cộng đồng chống lại tin giả của ĐCSTQ.
Bà nói: “Chính phủ Úc nên xây dựng một hệ thống sàng lọc tốt hơn đối với cả Google lẫn YouTube dành cho khán giả Úc.”
“Nếu họ không thể tác động đến cách mà YouTube và Google hoạt động trên phạm vi quốc tế, thì ít nhất họ nên gỡ bỏ thông tin gây hiểu lầm đó, cải thiện thuật toán, hoặc giảm tỷ suất và tỷ lệ phần trăm [nội dung] xuất hiện.
“Tôi chắc chắn rằng có nhiều vấn đề kỹ thuật mà họ có thể thực hiện để ngăn chặn việc lan truyền tin giả.”
Lãnh đạo cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ này cho biết nhóm của bà vẫn đang cố gắng liên lạc với chính phủ, các cơ quan viễn thông, và cơ quan mạng.
Bà Sawut nói: “Nếu không có sự giúp đỡ đó, cơ hội chiến thắng tin giả của chúng tôi là rất mong manh.”
Do Đội ngũ Nhân viên của The Epoch Times tại Sydney thực hiện
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times