Cặp Youtuber song sinh kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho thân nhân
Ấn tượng đầu tiên của quý vị khi thấy một cặp chị em song sinh ở độ tuổi đôi mươi, hai Youtuber Trung Quốc nổi tiếng làm những video giải trí là gì? Vẻ đẹp, tuổi thanh xuân, hay danh tiếng?
Đây là một số danh hiệu thường được người xung quanh dành cho Hoàng Đậu Đậu (Huang Doudou) và Hoàng Quả Quả (Huang Guoguo), vốn xuất thân từ tỉnh An Huy thuộc miền trung Trung Quốc và hiện đang định cư tại Sydney, Úc.
Năm 2018, cặp chị em song sinh này đã tự tạo một kênh YouTube tiếng Trung Quốc chuyên về nội dung giải trí. Trong vòng chưa đầy bốn năm, kênh này đã thu hút hơn 100,000 người đăng ký và hơn 40,000,000 lượt xem.
Trong số các video mang tính giải trí của họ về các bộ phim mới nhất, phim truyền hình, và ngôi sao nhạc pop, một số người hâm mộ có thể nhận thấy rằng thỉnh thoảng họ cũng đăng các video về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Chẳng hạn, một video được tải lên vào năm 2021 đã bàn về vụ H&M, trong đó Bắc Kinh gây áp lực buộc thương hiệu may mặc toàn cầu này phải rút lại lập trường của họ về lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ trong khu tự trị Tân Cương.
Một video khác, được tải lên vào năm 2019 về bộ phim ra mắt cùng năm của Mỹ “The Laundromat” (“Rửa Tiền”), đưa nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức học viên Pháp Luân Công của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc ra ánh sáng.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia thượng thừa, với các bài giảng đạo đức chiểu theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vì lo sợ sự phổ biến của môn tu luyện này — với hơn 100 triệu người theo tập vào những năm 1990 — sẽ hình thành nên một hệ tư tưởng độc lập ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu một chiến dịch bức hại tàn bạo nhằm “xóa sổ” Pháp Luân Công và các học viên của môn này kể từ tháng 07/1999.
Ít ai biết rằng đằng sau đoạn video đó là cả một câu chuyện đau lòng của gia đình cặp song sinh.
Sóng gió ập đến
Cũng như các bạn đồng trang lứa, Đậu Đậu và Quả Quả từng có thời thơ ấu hạnh phúc với sự quan tâm, yêu thương của gia đình và bè bạn.
Cô chị Đậu Đậu chia sẻ, “Hồi nhỏ chúng tôi thích đi ra ngoài luyện công cùng cha mẹ (tập các bài công pháp của môn Pháp Luân Công). Nhạc luyện công khiến người nghe cảm thấy rất dễ chịu. Những học viên lớn tuổi thường cho chúng tôi đứng ở hàng đầu. Những người đi ngang qua thường khen chúng tôi dễ thương.”
“Chỉ một thời gian ngắn sau khi tu luyện Pháp Luân Công, cha tôi đã bỏ được nhiều thói quen xấu trước đây của ông, chẳng hạn như nghiện thuốc lá và rượu bia.”
Theo Đậu Đậu, tại nơi làm việc, cha cô luôn áp dụng các nguyên lý ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ để đối đãi với đồng nghiệp của mình; và tạo ra lợi nhuận cho nhà máy, vốn dĩ đang thua lỗ. Ông đạt danh hiệu lao động tiên tiến của xưởng chính vào cuối năm 1997.
Cô bộc bạch, “Nhưng cả quãng thời gian tốt đẹp ấy đã tan biến cùng với cuộc đàn áp vô căn cứ. ĐCSTQ, do ông Giang Trạch Dân lãnh đạo, đã sử dụng tất cả các máy móc và phương tiện truyền thông của nhà nước để lan truyền tin đồn và bắt đầu cuộc bức hại do chính quyền hậu thuẫn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.”
“Từ đó đến nay, gia đình chúng tôi không có ngày nào yên. Nhà chúng tôi bị đột kích bất hợp pháp ba lần. Cha của chúng tôi bị giam giữ bất hợp pháp sáu lần, bị kết án bất hợp pháp bốn năm tù, bị tống giam bất hợp pháp trong các lớp tẩy não ba lần, cũng như bị đuổi khỏi nơi làm việc của mình. Còn mẹ của chúng tôi thì bị bắt cóc một lần, bị giam bất hợp pháp trong lớp tẩy não một lần, bị đình chỉ công tác, và bị buộc thôi việc trong ba tháng mà không được trả lương hay tiền thưởng.”
Cô nói: “Chúng tôi đã lớn lên trong sự sợ hãi và áp lực như thế đó.”
Cha của cặp song sinh này đã mãn hạn bốn năm tù vào năm 2007 và bắt đầu lái taxi để kiếm sống.
“Ông ấy đối xử hòa nhã với mọi người và luôn nghĩ cho người khác trước,” Đậu Đậu nói. “Trong vài năm qua, ông đã tìm thấy rất nhiều điện thoại di động, ví, và các vật dụng khác mà hành khách để quên trên xe. Lần nào cũng vậy, vì sợ rằng chủ nhân của những vật dụng đó sẽ lo lắng nên ông đều chủ động tìm cách liên lạc để trả lại đồ cho họ sớm nhất có thể, nhưng ông luôn từ chối tiền hay tặng phẩm mà người được nhận lại đồ báo đáp.”
Liên tục bị bắt giữ bất hợp pháp
Thật không may, gần đây cặp song sinh này hay tin cha của họ lại bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ một lần nữa.
Tối hôm 19/06, cha của cặp song sinh, ông Hoàng Chí Tùng (Huang Zhisong) và người mẹ là bà Trần Linh Hà (Chen Lingxia), cùng sáu học viên Pháp Luân Công khác đang đọc kinh sách của môn Pháp Luân Đại Pháp tại tư gia của họ, thì vào khoảng 9 giờ tối, hơn 20 công an địa phương ập vào nhà và bắt giữ tám học viên này, bao gồm cả cha mẹ của họ.
Theo lời kể của cặp song sinh, công an đã không cho xem bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào để bắt người. Công an cũng thu giữ hàng chục cuốn sách Pháp Luân Công, hai máy điện toán xách tay, một iPad, bốn iPhone, và một máy in mà không có sự chứng kiến của ai trong gia đình. Mẹ của họ phát hiện mất đồ khi bà trở về nhà từ trung tâm giam giữ.
Đậu Đậu nói: “Trong danh sách 14 tà đạo được công nhận và xác định ở Trung Quốc không đề cập đến Pháp Luân Công.”
“Họ đã gán tội cho cha tôi. Một người có thể bị bắt chỉ đơn giản vì đọc sách tại nhà. Ở Trung Quốc không có chút nhân quyền nào hết!”
Lên tiếng và cầu cứu chính phủ Úc
Trước Tết Trung Thu (còn được gọi là Lễ hội Trăng Rằm hay Lễ hội Bánh Trung Thu), một lễ hội truyền thống của Trung Quốc là dịp để gia đình đoàn tụ, cặp song sinh này đã đến trước cổng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, cầm trên tay tấm bảng ghi “Lập tức trả tự do cho ông Hoàng Chí Tùng” và “Quyền tự do tín ngưỡng”.
“Trung Thu là ngày tết đoàn viên, nhưng chúng tôi, những người con xa xứ, đang lo lắng cho gia đình và tình hình của cha mình vào lúc này,” cô em Quả Quả nói với The Epoch Times.
Cảm thấy bị cô lập và không biết tìm đến ai để thỉnh cầu giúp đỡ, nên hai chị em đã quyết định cầu cứu chính phủ Úc.
Cô nói, “Chúng tôi muốn sử dụng sức mạnh nhỏ bé của mình để lên tiếng nhiều nhất có thể thông qua những gì mà chính gia đình của chúng tôi đã trải qua.”
The Epoch Times đã xem một lá thư, trong đó cặp song sinh này kêu gọi sự giúp đỡ của Thủ tướng Úc Anthony Albanese và bà Jo Haylen, nghị sĩ New South Wales đại diện cho Summer Hill, và mô tả chi tiết những gì cha họ đã trải qua.
“Như chúng tôi còn nhớ, nhờ có niềm tin vào Pháp Luân Đại Pháp, mà cha của chúng tôi đã trở thành một người chính trực và tốt bụng, một người có tinh thần trách nhiệm … Khi chúng tôi gặp vấn đề trong học tập hoặc trong công việc, cha luôn là người đầu tiên hướng dẫn và chỉ bảo chúng tôi,” họ viết. “Chúng tôi giờ đang ở xa và đã không gặp cha trong nhiều năm … nên chúng tôi rất lo lắng cho ông ấy, và chúng tôi không thể để cha phải gánh chịu cảnh tù đày oan trái thêm lần nào nữa.”
Do Nhân viên The Epoch Times tại Úc thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times