Nhà vận động nhân quyền yêu cầu chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành động tàn ác
Sự qua đời của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, người đã phát động một trong những chiến dịch đẫm máu nhất chống lại một nhóm tín ngưỡng trong lịch sử hiện đại, đã thúc đẩy nhiều nhà vận động nhân quyền đưa ra những lời kêu gọi mới yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành vi lạm quyền tràn lan của mình.
Ông Giang, người leo lên nấc thang quyền lực sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ năm 1993 đến năm 2003. Dù cho ông có chính thức mãn nhiệm, nhưng sức ảnh hưởng của ông trong Đảng vẫn còn lưu tồn suốt nhiều năm sau đó.
Theo các nhà phê bình Trung Quốc và nhà vận động nhân quyền, những người xem di sản chủ yếu của vị cựu lãnh đạo này là khởi phát một loạt các vụ vi phạm nhân quyền mà đến nay vẫn còn tiếp tục đe dọa các quyền căn bản của hàng triệu người dân Trung Quốc, thì thì sự ra đi của ông hôm 30/11 vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng đã đưa những hành động tàn bạo của Bắc Kinh vào tâm điểm của sự chú ý.
“Ông Giang Trạch Dân đã ra đi trong nhục nhã và thấp hèn như một tên đồ tể,” ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu lãnh sự chính trị tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, người đã đào thoát sang Úc hồi năm 2005, nói với The Epoch Times.
Cuộc đàn áp đẫm máu
Trong cộng đồng ủng hộ nhân quyền này, ông Giang nổi tiếng nhất vì đã phát động cuộc đàn áp trên toàn quốc nhắm vào nhóm tinh thần Pháp Luân Công — một chiến dịch đàn áp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Trong những năm 1990, môn tu luyện này, bao gồm bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn đã trở nên phổ biến, dẫn đến ước tính có khoảng 100 triệu học viên ở Trung Quốc theo học vào khoảng thời gian đó. Ông Giang xem sự phổ biến của pháp môn này như là một mối đe dọa đối với quyền cai trị độc tài của mình.
Năm 1999, ông Giang đã thành lập một tổ chức tương tự Gestapo có tên là Phòng 610 hoạt động ngoài vòng pháp luật Trung Quốc để thực hiện một chiến dịch đàn áp sâu rộng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công. Trong những năm sau đó, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch cừu hận sâu rộng, và hàng triệu người đã bị cầm tù và tra tấn trong các trại lao động, nhà tù, trung tâm cai nghiện ma túy, và khu điều trị tâm thần ở Trung Quốc.
Các nhà điều tra quốc tế đã kết luận rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên diện rộng đối với các học viên Pháp Luân Công vốn bị giam giữ theo lệnh của nhà cầm quyền đang diễn ra ở Trung Quốc, bắt đầu từ đầu những năm 2000 và đến giờ vẫn còn tồn tại.
Bài điếu văn chính thức trên các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ghi nhận vai trò của ông Giang trong việc dập tắt các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 và mô tả sự ra đi của ông là một tổn thất không thể nào đong đếm được đối với Đảng. Nhưng ông Trần, người đã tận mắt chứng kiến vụ thảm sát đẫm máu ở Bắc Kinh năm 1989 và mất đi người cha trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm đã tàn phá đất nước trong thập niên trước, lại có cách lý giải khác.
Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tập đoàn tà ác, và ông ta là người đầu sỏ. Ông ấy mang theo mình một núi nợ máu.”
Khởi đầu của diệt vong?
Đối với ông Trương Nhi Bình (Erping Zhang), một phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, sự qua đời của ông Giang đem đến mọi người một cơ hội để phản tỉnh.
Ông nói, tuy rằng tin tức này có thể khiến những người bất đồng chính kiến và các nạn nhân từng bị đàn áp dưới thời ông Giang cầm quyền được an ủi phần nào, nhưng cũng cho thấy chúng ta đã mất đi một cơ hội đưa ông ấy ra trước vành móng ngựa.
Ông Trương cho biết, đối với những người nhiệt thành ủng hộ ông Giang ở Trung Quốc, có lẽ bây giờ là lúc đứng về phía lẽ phải.
Sự ra đi của vị cựu lãnh đạo này diễn ra đúng vào thời điểm hỗn loạn khi ĐCSTQ đang phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất của đảng này trong nhiều thập niên.
Trong tuần qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại hơn một chục thành phố của Trung Quốc nhằm kêu gọi chấm dứt chính sách zero COVID hà khắc của chính quyền, và một số người biểu tình còn đi xa hơn khi kêu gọi đảng cầm quyền hãy từ chức.
Đối với ông Trương, những diễn biến này khiến ông gợi nhớ về những gì thường xảy ra trước khi có sự thay đổi triều đại trong trường sử của Trung Quốc. Vào những thời khắc đó, đất nước bị chia rẽ và sự oán hờn và thù nghịch bủa vây tứ phía.
“Khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công lần đầu tiên nổ ra, mục tiêu nhắm đến là khoảng 100 triệu người,” ông nói, trích dẫn các ước tính vào thời điểm đó. “Một số người nhắm mắt làm ngơ vì họ nghĩ rằng cuộc đàn áp này đâu có liên can gì đến họ.”
“Nhưng sau đó [ĐCSTQ] đã truy lùng những tín hữu Cơ Đốc Giáo, các luật sư nhân quyền, và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hiện giờ chính sách zero COVID đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Không chừa một ai.”
Quan điểm của ông Trần cũng không khác.
“ĐCSTQ đã trượt khỏi đỉnh cao quyền lực và hiện đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc,” ông nói, đồng thời tin rằng sự qua đời của ông Giang có thể là khúc dạo đầu cho sự sụp đổ cuối cùng của chính quyền này.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times