Thay đổi chính sách COVID có thể gây ra nhiều cuộc biểu tình và thách thức hơn cho ĐCSTQ
Những cuộc biểu tình làm rung chuyển một số thành phố lớn (và một số thành phố nhỏ) trên khắp Trung Quốc gần đây đã khiến dư luận tốn nhiều giấy mực; các cuộc biểu tình chủ yếu tập trung vào việc chính quyền Trung Quốc khăng khăng tuân thủ chính sách zero COVID đã lỗi thời. Tâm trạng bất mãn đang dâng cao, và việc Bắc Kinh đột ngột chuyển sang nới lỏng các hạn chế có thể gây thêm nhiều rắc rối hơn nữa trên nhiều phương diện.
Có thể trong lúc này đang có nhiều sự vụ tiến thoái lưỡng nan tiềm ẩn hiện lên trong tâm trí của ông Tập Cận Bình, không chỉ bởi vì ông ấy đã tự khắc họa bản thân như là người đàn ông duy nhất chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách zero COVID trong nhiều năm. Nếu chính sách này thất bại, thì việc đổ lỗi cho người khác cũng sẽ là một nỗ lực đầy khó khăn dành cho ông. Ông đã mưu toan gặt hái tất cả những phần thưởng nhưng rất có khả năng cũng có thể phải trả những cái giá cho chính sách này.
Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lảng tránh trả lời câu hỏi rằng liệu việc thay đổi chính sách có phải là để đáp ứng các cuộc biểu tình hay không, nhưng thật sự họ không thể trốn tránh bất kỳ ai mà họ đang né tránh. Việc Bắc Kinh do dự sử dụng vũ lực chống lại những cuộc biểu tình chưa từng có (từ năm 1989) cho thấy rằng: ĐCSTQ đã nhanh chóng nhận ra nếu sử dụng cách đáp trả mạnh tay thì sự oán giận tích tụ bấy lâu có nguy cơ bùng nổ. Đảng này đã khôn khéo chọn dùng một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn và đã công bố một số kiểu giảm leo thang của chính sách zero COVID, trong một bước đi rõ ràng là nhằm xoa dịu những cuộc biểu tình đang dần lan rộng.
Tuy vậy, sự chuyển hướng mau lẹ này có thể và cũng nên làm rõ cho người dân Trung Quốc (những người bị ảnh hưởng) rằng: Các cuộc biểu tình và các yêu cầu để được đóng một vai trò trong chính sách của chính phủ có thể và thật sự mang lại hiệu quả. Liệu bài học này sẽ nhanh chóng bị lãng quên hay sẽ được mọi người ghi nhớ thậm chí ngay cả sau khi zero COVID kết thúc? Liệu người ta có ghi nhớ bài học này khi Trung Quốc bắt đầu nhận ra những hậu quả thực sự của một nền kinh tế đang chậm lại cũng như việc chính phủ thiếu năng lực điều chỉnh để chống chọi với cuộc suy thoái này?
Lợi ích ngắn hạn này dành cho chính quyền có thể đã đặt nền móng cho một tổn thất dài hạn hơn, tùy thuộc vào việc Bắc Kinh thành công đến mức nào trong nỗ lực tuyên truyền về lý do tại sao ĐCSTQ đang thay đổi cách tiếp cận và chính sách của mình. Và liệu người dân bên trong Trung Quốc có biết chăng, cũng như chúng ta ở bên ngoài Trung Quốc đã phát hiện ra, rằng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn để đối phó với những cuộc biểu tình này chỉ là hành động hời hợt trên bề mặt, và rằng kể từ đó đã có một cuộc vây bắt và giam giữ quy mô đối với một lượng lớn những người được xem là đóng vai trò then chốt trong việc dấy khởi những cuộc biểu tình này.
Dù sao đi chăng nữa, thì việc giảm các biện pháp kiểm soát vẫn gây ra nhiều vấn đề hơn. Biến thể Omicron của virus này đang lây lan nhanh hơn so với những gì hầu hết mọi người đã dự kiến, và dường như không thể tránh khỏi các đợt bùng phát hàng loạt. Và tại đây, ông Tập Cận Bình phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là những người cao niên, chiếm đa phần trong số người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vẫn chưa được chích ngừa hoặc chỉ được chích ngừa một phần, nhưng lại không có đợt khai triển lớn để chích các mũi nhắc lại như ở hầu hết các quốc gia khác. Tại thời điểm này, các mũi chích trước đó rất có thể không mang lại nhiều sự bảo vệ. Nếu bùng phát dịch bệnh hàng loạt, thì không những nhiều người mắc bệnh mà còn có nhiều người tử vong. Hơn nữa, trong số những ca tử vong đó, có nhiều ca xảy ra dưới sự kiểm soát của ông Tập Cận Bình.
Tại sao?
Mặc dù được phát triển nhanh chóng và được khai triển bước đầu rất hiệu quả, nhưng các vaccine Trung Quốc không được tốt lắm. Sau nhiều năm khắc họa phương Tây như một khu vực thảm họa còn Trung Quốc, dưới sự lèo lái của cá nhân ông Tập, là một nơi trú ẩn an toàn với tình trạng quản trị tốt, ĐCSTQ sẽ thấy khó để làm những gì cần thiết: nhập cảng các loại vaccine hiệu quả hơn được Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu phát triển và được sản xuất trong nội địa của những nước này.
Thêm nữa, điểm mấu chốt thực sự ở đây là: Liệu người dân ở Trung Quốc sẽ hay biết một cách rộng rãi rằng các loại vaccine phương Tây hiệu quả hơn rất nhiều và là sẵn có đối với Trung Quốc hay không? Nếu ai cũng biết điều đó, và ông Tập bị người dân nhận ra là đã từ chối cho nhập cảng và phân phối những loại vaccine như thế, thì ông sẽ nhận trách nhiệm chứ? Cũng chẳng phóng đại khi nói rằng tương đối dễ dàng để nhận thấy việc ông Tập từ chối cho nhập cảng các loại vaccine phương Tây là bởi vì điều đó làm sứt mẻ vị thế cá nhân của ông và, vì thế, ảnh hưởng đến quyền lực của ông — và rằng bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ đặt sinh mạng của hàng trăm ngàn người Trung Quốc, mà nhiều người trong số họ là các bậc ông bà cha mẹ, vào vòng nguy hiểm.
Tất nhiên, bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt của Trung Quốc đang hoạt động quá tải. Phải chăng họ sẽ có thể “dẫn dắt” dư luận suy nghĩ rằng sự thay đổi này không phải do các cuộc biểu tình của người dân — nhưng sẽ khó đấy. Tương tự như vậy, có lẽ họ có thể tiếp tục trò chơi đố chữ rằng vaccine của Trung Quốc cũng hiệu quả tương đương. Có lẽ thậm chí họ có thể che giấu sự thật rằng ông Tập dường như sẵn sàng hy sinh mạng sống của người dân của ông chỉ để bảo đảm quyền lực của mình không bị lay chuyển.
Xét cho cùng, dù cho ông công khai kêu gọi nhập cảng các vaccine tốt hơn, thì điều đó cũng không đủ làm tổn thương ông đến mức thách thức quyền lực của ông, thậm chí còn xa mới tới gần mức đó — điều đó sẽ chỉ khiến ông hạ xuống một hoặc hai vạch, nhưng rõ ràng, ngay cả như vậy cũng là điều mà người giữ quyền lực độc tài suốt đời này không bằng lòng cho phép xảy ra.
Chưa bao giờ ĐCSTQ lại phụ thuộc vào bộ máy kiểm duyệt và tuyên truyền của họ đến vậy như trong những tháng tới và có thể là một năm tới.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times