Trung Quốc: Một năm đầy biến động nhưng cũng đầy hy vọng
Càng có nhiều ý kiến bất đồng, thì chủ nghĩa toàn trị càng lên ngôi
Sự hỗn loạn gần đây nhất ở Trung Quốc chính là mô hình thu nhỏ của năm qua. Quân Giải phóng Nhân dân đã tấn công Ấn Độ qua đường biên giới trên thực tế, và bao vây Quần đảo Philippines. Ông Tập Cận Bình được cho là đã chấm dứt lệnh phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt sau các cuộc biểu tình rầm rộ. Đây được xem là các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công bao vây khu chính quyền trung ương Trung Nam Hải của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1999.
Cuộc biểu tình “giấy trắng” đã làm bừng sáng lên những tia hy vọng. Trong những cuộc biểu tình ấy, hàng ngàn thanh niên trên khắp Trung Quốc đã không quản hiểm nguy tính mạng mà cầm trên tay những tờ giấy trắng để biểu thị sự phản đối của họ đối với các lệnh phong tỏa của Trung Quốc. Một số kêu gọi ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ “hãy hạ đài”.
Thật không may, điều đó có vẻ khó xảy ra vào năm 2023. Bởi vì thực tế là, hồi tháng Mười, ông Tập đã được bổ nhiệm làm tổng bí thư của ĐCSTQ, giữ nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ mọi chuẩn tắc. Trong năm 2022, ông tiếp tục thanh trừng phe đối lập nhân danh một chiến dịch “chống tham nhũng” trường kỳ nhằm ám hại các chính trị gia đối lập và các doanh nhân hàng đầu, bao gồm cả trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, và phát triển địa ốc.
Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc bị ngưng trệ vì các đợt phong tỏa liên miên, bong bóng địa ốc xì hơi, còn nợ nần thì chồng chất. Điều này dẫn đến gánh nặng lên hệ thống tài chính với rủi ro về trách nhiệm ngày càng gia tăng đối với các gói cứu trợ và tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn.
Hoa Kỳ và các đồng minh ngày càng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng đối với Trung Quốc, nhằm cải thiện nhân quyền và giảm uy thế của nước này. Các tổ chức liên bang và tiểu bang đã hành động chống lại các công ty công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cuộc chiến vi mạch bán dẫn [dùng cho] máy điện toán đang tiến triển và các dự luật chống lại Huawei, TikTok, và các nhà đầu tư công nghệ ở hải ngoại của Trung Quốc.
Các công ty lớn của Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ — chẳng hạn như Alibaba, JD.com, và Baidu — đã phải chịu áp lực giảm lên vốn hóa thị trường của họ do luật kiểm toán của Hoa Kỳ. Mặc dù ĐCSTQ đã phản đối các cuộc kiểm toán trong nhiều năm, nhưng cuối cùng, trong tháng này họ đã chấp nhận cho Hoa Kỳ toàn quyền kiểm toán. Các công ty sẽ trở thành đối tượng của các cuộc kiểm toán, mặc dù sẽ thoát khỏi lệnh hủy niêm yết của Hoa Kỳ nhưng khối lượng giao dịch lại giảm sâu, trong bối cảnh có những lo ngại về những gì các cuộc kiểm toán này có thể phát hiện ra.
Các công ty quốc tế đã bắt đầu quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, và Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tập dường như muốn theo đuổi các nghị trình bá quyền và đề cao chủ nghĩa trọng thương của mình.
Hồi tháng Hai, Bắc Kinh đã tổ chức cái mà các nhà hoạt động gọi là “Thế vận hội Diệt chủng” dựa trên cách đối xử của nhà cầm quyền này đối với người Duy Ngô Nhĩ. Các nhà ngoại giao từ 10 quốc gia — do Hoa Kỳ, Anh, và Canada dẫn đầu — đã tẩy chay Thế vận hội Mùa đông này.
ĐCSTQ tiếp tục xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và trù định xâm lược hòn đảo này. Đáp lại, các quốc gia dân chủ trên thế giới đang thắt chặt hơn nữa mối bang giao với hòn đảo dân chủ này. Lấy ví dụ, hồi tháng Mười Một, Lithuania đã mở một văn phòng thương mại tại Đài Bắc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách hạ cấp mối bang giao. Đầu năm nay, ĐCSTQ được cho là đã tạm dừng thông quan hàng hóa của Lithuania để đáp trả việc Đài Loan mở văn phòng thương mại tại Vilnius, thủ đô của Lithuania. Trong tháng này, như một hành động đáp trả, Liên minh Âu Châu đã kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Tập đã tập trung mọi quyền lực chính trị về mình và cô lập vị trí ấy khỏi những tiếng nói bất đồng. Hiện thời, Bộ chính trị của ĐCSTQ là một nhóm những người chỉ biết gọi dạ bảo vâng. Điều này có thể sẽ khiến ông Tập đưa ra những lựa chọn tai hại hơn cho Trung Quốc nói riêng và cho thế giới nói chung vào năm 2023, bao gồm cả việc gia tăng các nhà máy điện đốt than.
Nếu việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa COVID khiến nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc, thì ông Tập sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế đó để tăng cường hơn nữa tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ trên toàn cầu và củng cố khả năng cho quân đội của mình đến một trình độ mà lực lượng này sẽ cần phải dùng đến— chẳng hạn như, để chống lại Đài Loan — để giúp ông Tập duy trì quyền lực của mình.
Những cuộc xung đột với Trung Quốc có thể sẽ gia tăng vào năm 2023. Một cuộc xâm lược Đài Loan có thể ập đến bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào thời điểm phương Tây đang chếnh choáng và phân tâm trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Đáp lại, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày càng xem Bắc Kinh là địch thủ và là mối đe dọa lâu dài. Doanh số bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như ngân sách quân sự đang tăng lên. Xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục khi dư luận ở các nền dân chủ lĩnh hội được bài học từ những cuộc đối thoại tiêu cực lặp đi lặp lại với Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản.
Nhưng chúng ta cũng hãy nhìn vào tia hy vọng của năm 2022 và điều đó có thể có ý nghĩa như thế nào đối với năm 2023. Các cuộc biểu tình [phản đối] phong tỏa này là ở một quy mô lớn chưa từng có trong hơn 20 năm trở lại đây. Họ buộc ĐCSTQ ít nhất phải cho thấy một biểu hiện nhượng bộ, rút lại một chính sách có liên quan chặt chẽ với chính ông Tập Cận Bình. Phong trào này có thể lan sang các khu vực khác, chẳng hạn như Hồng Kông, khi mà các vấn đề mới xuất hiện vào năm 2023 sẽ vận động thêm được nhiều công dân Trung Quốc hơn nữa.
Chỉ khi Bắc Kinh chịu lắng nghe người dân của mình, rốt ráo vẫn là bằng cách dân chủ hóa đất nước và cải thiện nhân quyền, thì họ mới có thể đảo ngược xu hướng tự kết liễu chính mình, đó là hướng đến chủ nghĩa toàn trị, cô lập nền kinh tế với phần còn lại của thế giới, và trở thành một quốc gia bị bài xích.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times