Tổ chức nhân quyền: Một số người biểu tình trong phong trào ‘Giấy Trắng’ ở Trung Quốc vẫn bị giam giữ
SHANGHAI—Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) cho biết trong một báo cáo hôm thứ Năm (26/01) rằng, một số người biểu tình bị bắt vì công khai phản đối chính sách zero COVID đang diễn ra lúc bấy giờ ở Trung Quốc hiện vẫn đang bị giam giữ, phải đối mặt với các cáo buộc, hoặc đang bặt vô âm tín.
Hồi cuối tháng Mười Một, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt chính sách zero COVID hà khắc sau ba năm thực thi. Nhiều người biểu tình giơ cao những tờ giấy trắng, một vật dụng đã trở thành biểu tượng cho sự bất mãn của họ.
Một số người biểu tình còn hô khẩu hiệu kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc hạ đài.
Các cuộc biểu tình này là chưa từng có trong mười năm cầm quyền của ông Tập. Trong vòng vài ngày, giữa sự hiện diện dày đặc của công an, cuộc biểu tình vốn chứng kiến sự đàn áp ngày càng nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến này đã lắng xuống. Những người biểu tình, luật sư, và học giả nói với Reuters vào thời điểm đó rằng nhiều người đã bị bắt và sau đó được thả, đồng thời cho biết thêm rằng họ lo ngại một số người có thể phải đối mặt với những hậu quả sau này.
Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trích dẫn bốn người biểu tình ở Bắc Kinh — biên tập viên Tào Chí Tân (Cao Zhixin), kế toán Lý Nguyên Tịnh (Li Yuanjing), giáo viên Địch Đăng Nhị (Zhai Dengrui), và ký giả Lý Tư Kỳ (Li Siqi) — đã chính thức bị bắt vì tội “gây gổ và kích động rắc rối,” có thể bị kết án lên đến năm năm tù.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, tung tích của hai người biểu tình trên đường Ô Lỗ Mộc Tề tại Thượng Hải, cô Lý Nghệ (Li Yi) và cô Trần Giai Lâm (Chen Jialin), hiện tại không rõ.
Tổ chức này kêu gọi các nhà chức trách lập tức trả tự do cho tất cả các cá nhân nói trên.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập tình trạng của các cá nhân có tên trong báo cáo này.
Các cuộc gọi của Reuters tới Bộ Công an Trung Quốc để yêu cầu bình luận đều không nhận được hồi âm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết “một số” người biểu tình đã được tại ngoại.
“Nhiều người biểu tình được cho là đã bị giam giữ hoặc cưỡng bức mất tích, mặc dù trường hợp của họ không được nhiều người biết, bởi vì chính quyền Trung Quốc thường đe dọa buộc gia đình những người bị giam giữ phải giữ im lặng,” báo cáo viết.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times