Thượng Hải: Tình trạng quá tải ở các lò hỏa táng cho thấy số người tử vong tăng mạnh
Khi hàng chục triệu người Trung Quốc mang theo hành lý và những món quà cho cuộc đoàn tụ với gia quyến sau bao ngày mong ngóng, thì thân nhân của những người đã khuất vẫn trong cảnh chật vật để đưa được người thân yêu của họ về nơi an nghỉ cuối cùng trước Tết Nguyên Đán.
Theo các cuộc phỏng vấn với nhân viên tại năm nhà tang lễ ở Thượng Hải hôm 18/01, thì thời gian chờ đợi để đến lượt hỏa táng đã bị kéo dài cho đến tận đầu tháng Hai, ngay cả khi các lò hỏa táng hoạt động đến tận đêm khuya và bắt đầu từ rạng sáng để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Nhà tang lễ Nghĩa Sơn, nhà tang lễ lớn nhất của thành phố với 22 lò hỏa táng công suất lớn, vẫn bị chậm trễ một tháng trong việc giao tro cốt sau khi hỏa táng, trong khi Nhà tang lễ Phố Đông lớn thứ hai thì chậm trễ hai tuần trong việc hỏa táng.
Ông Hồ Lực Nhâm (Hu Liren), một doanh nhân người Mỹ gốc Thượng Hải, cho biết một người bạn của ông đã phải đợi 19 ngày mới hỏa táng được cho người mẹ quá cố của mình, bà đã qua đời tại khu đô thị Kim Kiều, Phố Đông, Thượng Hải hôm 11/01.
Tuy nhiên, các quan chức địa phương đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Hôm 17/01, các nhà chức trách ở Thượng Hải nói rằng đợt bùng phát COVID đã có “xu hướng giảm rõ rệt” kể từ cuối tháng Mười Hai, với số lượt người đến các phòng khám sốt và phòng cấp cứu giảm đi. Các cơ quan y tế cũng tuyên bố rằng “các đợt bùng phát hiện tại ở Thượng Hải hiện đã qua mức đỉnh.”
Thế nhưng các chuyên gia y tế ngoại quốc, bao gồm cả những người thuộc Tổ chức Y tế Thế giới nhận định rằng số liệu về các ca nhiễm và tử vong chính thức của Trung Quốc đã hạ thấp quá mức hậu quả của đợt khủng hoảng COVID lần này. Khi các nhà nghiên cứu chuyển sang bằng chứng thực tế thông qua lời kể của người dân để đánh giá tác động đối với sức khỏe toàn cầu, thì hơn một chục chính phủ trên thế giới đã bắt buộc xét nghiệm COVID hoặc áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác đối với các du khách đến từ Trung Quốc.
Mặc dù khó có thể biết được con số người tử vong thực sự, nhưng các lò hỏa táng quá tải ở Thượng Hải đang lặp lại những cảnh tương tự diễn ra ở các thành phố khác của Trung Quốc. Điều này mang đến cho chúng ta một bức tranh sơ lược về thiệt hại của đợt bùng phát COVID chưa từng có đang lan rộng khắp đất nước Trung Quốc.
“Nếu quý vị hỏi một người Trung Quốc rằng trong gia đình họ có người già nào qua đời không, phần lớn họ sẽ trả lời là có,” ông Hồ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 16/01. Người cha ngoài 90 tuổi của ông Hồ đã qua đời vì COVID tại Thượng Hải hồi tháng trước (12/2022) Ông cũng chia sẻ thêm rằng ít nhất bốn người bạn của ông đã mất cha mất mẹ trong những ngày gần đây.
Ngay cả những kẻ đầu cơ cũng đã kiếm được bộn tiền trước nhu cầu hỏa táng quá lớn hiện nay. Theo một thông báo từ cục công an thành phố, những kẻ đầu cơ ở Thượng Hải bán lại số thứ tự xếp hàng hỏa táng tại nhà tang lễ cho các gia đình đang có nhu cầu cấp bách với giá từ 1,500 đến 2,000 nhân dân tệ (221-294 USD). Cục này cho biết thêm rằng hôm 29/12, họ đã bắt được 20 người đầu cơ tại Nhà tang lễ Bảo Hưng của thành phố.
Số liệu chính thức không đáng tin cậy
Đối mặt với ngày càng nhiều những lời chỉ trích về tính minh bạch của dữ liệu y tế công cộng, mới đây chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu công bố số liệu tử vong vượt ra ngoài tiêu chí hạn hẹp về trường hợp tử vong do COVID của họ, vốn chỉ giới hạn ở những bệnh nhân tử vong do suy hô hấp sau khi nhiễm COVID.
Chính quyền nước này đã báo cáo khoảng 78,000 ca tử vong do COVID kể từ đầu tháng Mười Hai, khi dỡ bỏ chính sách zero COVID kéo dài gần ba năm. Nhưng các chuyên gia cho rằng con số này đã bị giảm xuống quá nhiều, khi nhắc đến những câu chuyện phổ biến về các lò hỏa táng và bệnh viện bị quá tải, cũng như lịch sử che đậy thông tin liên quan đến COVID của chế độ này nhằm trấn áp những tin tức mà họ cho là gây phương hại đến hình ảnh của mình.
Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), nhà virus học kiêm cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed cho biết, theo một ước tính, có tới 6 triệu thi thể có lẽ đã được hỏa táng trong tháng vừa qua, nếu các lò hỏa táng hoạt động 24/7. Nhưng chuyên gia này nói thêm rằng con số nói trên vẫn là một ước tính dè dặt, do nhiều người sinh sống ở các làng quê có thể không được tiếp cận với các dịch vụ hỏa táng như vậy và thường chôn cất người quá cố. Nếu xét thêm yếu tố này, thì số người thiệt mạng có thể lên tới 10 triệu người, ông Lâm cho hay.
Bất chấp tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, chính quyền đã tìm cách bảo đảm với công chúng rằng làn sóng dịch bệnh mới nhất đã lên đến đỉnh điểm — một thông điệp dường như đã không thuyết phục được công chúng.
“Lúc này đây chúng tôi đang rất lo lắng. Chúng tôi đang sống trong sợ hãi vì không có dữ liệu, không có báo cáo nào cả. Chúng tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra,” một phụ nữ ở Nam Kinh bộc bạch với The Epoch Times hôm 24/01. Người phụ nữ này, chỉ cung cấp họ của mình là Tô do sợ bị trả thù, cho biết thêm rằng việc thiếu dữ liệu đáng tin cậy đã khiến bà lo lắng về một làn sóng bùng phát dịch bệnh nữa.
Sự giận dữ và ngờ vực
Đối với một số gia đình đã mất đi người thân, nỗi đau của họ xen lẫn với sự tức giận.
Anh Quan Nghiêu (Guan Yao), một chuyên gia CNTT người Trung Quốc hiện đang sống ở California, chỉ trích việc chính quyền thiếu chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại đột ngột, đặc biệt là đối với những người cao niên.
Kể từ khi đợt bùng phát đầu tiên tấn công Vũ Hán vào cuối năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố sẽ loại bỏ mọi ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các đợt xét nghiệm lặp đi lặp lại, phong tỏa nhanh chóng, và cách ly kéo dài bất chấp thiệt hại về kinh tế và con người ngày càng tăng. Nhưng sau các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố phản đối các biện pháp kiểm soát đại dịch hà khắc vào cuối tháng Mười Một (2022), chế độ này đã đột ngột dỡ bỏ hầu hết chính sách zero-COVID đặc trưng của mình, khiến hệ thống y tế vốn không được chuẩn bị đầy đủ phải chịu áp lực quá lớn.
Anh Quan nói với The Epoch Times hôm 19/01, “Tất nhiên, tôi ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế [COVID]. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không có bất kỳ sự chuẩn bị nào trong suốt ba năm qua … mở cửa như thế này là người dân Trung Quốc phải trả giá.”
Anh Quan cho biết các nhà chức trách đáng lẽ có thể tận dụng các nguồn lực mà họ đã sử dụng trong việc xét nghiệm hàng loạt trong ba năm qua để nhập cảng các loại thuốc men hoặc thực hiện các công tác chuẩn bị khác. “Nhưng họ đã không làm như vậy,” anh bày tỏ.
Anh Quan, một người gốc Bắc Kinh, đã mất năm thân nhân trong tháng Mười Hai, bao gồm cả người bà đã qua đời hôm 22/12/2022. Anh tin rằng nguyên nhân tử vong của bà là do COVID, mặc dù giấy chứng tử nói rằng nguyên nhân là do suy thận. Anh Quan cho rằng số liệu tử vong chính thức là “hoàn toàn không đáng tin cậy.”
Bản tin có sự đóng góp của Daisy Lee, Thường Xuân, Dịch Như, và Eva Fu
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times