Trung Quốc: Số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến đẩy hệ thống y tế vào bờ vực sụp đổ
Chính quyền cộng sản Trung Quốc vừa đột ngột chấm dứt chính sách zero COVID mà họ đã thực thi nghiêm ngặt trong ba năm qua. Tuy nhiên, một đợt bùng phát virus chưa từng có đã bắt đầu vào những tháng cuối cùng của chính sách này, hiện đang đẩy hệ thống y tế yếu kém của nước này đến bờ vực sụp đổ.
Hôm 07/12, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành bộ hướng dẫn gồm “Mười Điều Mới” về phòng chống dịch bệnh, bao gồm các biện pháp nới lỏng như cho phép tự cách ly tại nhà và không yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR âm tính để có thể di chuyển giữa các khu vực.
Tuy nhiên, chính quyền này vẫn chưa đưa ra một lộ trình rõ ràng cho việc “sống chung với virus,” cũng như chưa phân bổ đủ nguồn lực y tế để đối phó với đợt lây nhiễm lớn được dự báo.
Số ca nhiễm đang tăng mạnh
Trong hơn hai tuần, Bắc Kinh đã chứng kiến số ca nhiễm COVID tăng nhanh đột biến.
Hôm 11/12, số bệnh nhân ngoại trú bị sốt tại các bệnh viện của thành phố này đã lên tới 22,000 người, tăng gấp 16 lần so với một tuần trước đó. Hàng ngày, có tới hơn 30,000 cuộc gọi đến đường dây nóng của dịch vụ cứu thương khẩn cấp, gấp sáu lần số lượng cuộc gọi lúc bình thường.
Hôm 14/12, cư dân Bắc Kinh Đường Vân (Tang Yun, hóa danh) chia sẻ với The Epoch Times rằng các bệnh viện địa phương đã chật kín và bệnh nhân phải xếp hàng dài bên ngoài.
Anh nói: “Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo không thể nhập viện vì không có đủ giường bệnh hoặc các phòng [hồi sức cấp cứu].”
Một cuộc khảo sát do hãng thông tấn Người Bắc Kinh thực hiện cho thấy có tới 70% số người được hỏi cho biết họ đã nhiễm COVID-19.
Hôm 14/12, một cư dân Bắc Kinh tên là Quang Nguyên (Guang Yuan) nói với The Epoch Times rằng hầu hết những người anh biết đều đã nhiễm bệnh.
“Toàn bộ gia đình của hai em trai tôi đều bị nhiễm bệnh. Anh Tống, một người bạn mà tôi vừa gọi điện thoại, cho biết cả gia đình anh cũng đều bị nhiễm bệnh; một người bạn khác là gia đình ông Dương cũng bị nhiễm bệnh. Hầu như tất cả những người tôi biết đều nhiễm bệnh cả, ngoại trừ chị gái và mẹ tôi đã ngoài 90 tuổi. Nhưng tôi không nghĩ họ có thể cầm cự được lâu hơn nữa.”
Ông Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói với tờ Thanh niên Trung Quốc Nhật báo (China Youth Daily) rằng có tới 60% dân số Trung Quốc có thể sẽ bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát lớn đầu tiên này.
Ông Phùng cho biết, sau đó, “rốt cuộc sẽ có khoảng 80-90% dân số sẽ bị nhiễm bệnh.” Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có hơn 1 tỷ người bị nhiễm virus này.
Theo Wigram Capital Advisors, một tổ chức tư vấn kinh tế vĩ mô chuyên cung cấp mô hình cho các chính phủ trong đại dịch, một “đợt bùng phát các ca nhiễm COVID vào mùa đông” chưa từng có có thể xảy ra ở Trung Quốc, với số ca tử vong hàng ngày dự kiến lên tới 20,000 người vào giữa tháng Ba. Đến cuối tháng Ba, nhu cầu về chăm sóc hồi sức cấp cứu (Intensive Care Unit – ICU) sẽ đạt mức cao nhất gấp 10 lần so với công suất của bệnh viện, khi số ca nhập viện hàng ngày có thể lên tới 70,000 người.
Theo Wall Street Journal, sau khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Kinh, lò hỏa táng ở vùng ngoại ô phía Đông được chỉ định để hỏa táng các bệnh nhân nhiễm COVID đang bị quá tải, với các thi thể tồn đọng. Một nhân viên lò hỏa táng ước tính rằng mỗi ngày có khoảng 200 thi thể được đưa đến lò hỏa táng này, so với 30 hoặc 40 thi thể như lúc bình thường. Khối lượng công việc tăng lên khiến các nhân viên lò hỏa táng choáng ngợp, nhiều người trong số họ cũng bị nhiễm bệnh khi virus lây lan nhanh chóng.
Các ca nhiễm có tốc độ lây truyền nhanh
Giáo sư Ben Cowling, Trưởng Khoa Dịch tễ học tại Khoa Y Lý Gia Thành thuộc Đại học Hồng Kông, nói với NPR rằng COVID-19 hiện đang lây lan nhanh hơn ở Trung Quốc so với bất kỳ nơi nào khác trong đại dịch. Dường như dịch bệnh này cũng đặc biệt dễ lây lan trong cộng đồng người Trung Quốc.
Ông Cowling cho biết khi bắt đầu đại dịch hồi đầu năm 2020, số lượng sinh sôi của virus này là gấp khoảng 2 hoặc 3 và trong đợt bùng phát Omicron ở Hoa Kỳ vào mùa đông năm ngoái, nhưng hiện nay đã tăng lên khoảng 10 hoặc 11.
Trong đợt bùng phát hiện nay ở Trung Quốc, các nhà khoa học tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ước tính con số này lên tới 16, lây lan nhanh hơn các đợt trước trên khắp thế giới.
“Đây là một mức độ lây truyền thực sự cao,” ông Cowling nói với NPR. “Đó là lý do tại sao Trung Quốc không thể tiếp tục chính sách zero COVID của họ. Virus này quá dễ lây lan ngay cả đối với họ.”
Ông Cowling cho biết, mùa đông năm ngoái, số ca nhiễm ở Hoa Kỳ tăng gấp đôi cứ sau ba ngày hoặc lâu hơn. “Bây giờ, ở Trung Quốc, thời gian nhân đôi giống như hàng giờ. Ngay cả khi quý vị xoay sở để làm chậm tốc độ này lại một chút, thì tốc độ này vẫn sẽ tăng gấp đôi rất, rất nhanh. Và do đó, các bệnh viện sẽ phải chịu áp lực, có thể là vào cuối tháng này.”
Ông Cowling tin rằng lý do dẫn đến việc lây truyền bùng nổ như vậy là do người Trung Quốc có khả năng miễn dịch kém với chủng virus này, vì đại đa số họ chưa bao giờ bị nhiễm bệnh. Cho đến gần đây, đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc đã tập trung vào việc cách ly, xét nghiệm, và hạn chế đi lại trên diện rộng để ngăn chặn virus lây lan khắp đất nước. Kết quả là hầu hết mọi người không tiếp xúc với các biến thể xuất hiện trước Omicron. Nhưng điều này có nghĩa là gần như tất cả 1.4 tỷ người hiện nay đều dễ bị nhiễm bệnh.
Các nhà phân tích của Nomura Securities cho biết trong một báo cáo hôm 08/12, “Họ [Trung Quốc] có thể phải trả giá vì đã chậm trễ trong việc áp dụng cách tiếp cận ‘sống chung với COVID.’” Nomura cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở Trung Quốc chỉ khoảng 0.13%, “thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng.”
Nền tảng yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe
Hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của Trung Quốc đang phải đối mặt với một thử thách lớn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, vào năm 2020, có 28.2 giường ICU trên 100,000 người ở Đức, 21.6 ở Hoa Kỳ, và 13.8 ở Nhật Bản.
Hồi tháng Mười Một, tờ Nhân dân Nhật báo trích dẫn dữ liệu từ các chuyên gia phòng chống dịch bệnh của Quốc Vụ viện cho biết Trung Quốc có chưa đến 4 giường ICU trên 100,000 người. Bà Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui), tổng giám đốc Cục Y tế của Ủy ban Y tế Quốc gia, đã trình bày những con số khả quan hơn, tuyên bố rằng hiện có 138,100 giường chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc. Dựa trên dân số 1.4 tỷ người của Trung Quốc, con số này có nghĩa là có 9.8 giường chăm sóc đặc biệt trên 100,000 người.
Số người bị nhiễm COVID tại Hoa Kỳ trong một đợt bùng phát đáng kể hồi tháng Một đã lên tới 20,148,614 người. Tuy nhiên, ngay cả khi 20 triệu người bị nhiễm bệnh, các giường ICU ở nước này vẫn không bị “quá tải,” mặc dù 19 tiểu bang chỉ còn lại chưa đến 15% số giường ICU của họ.
Theo dữ liệu được Nhân dân Nhật báo trích dẫn, Hồng Kông có khoảng 7.1 giường ICU trên 100,000 người, gấp đôi so với số giường ICU ở Trung Quốc đại lục. Nhưng khi đợt COVID thứ năm tấn công Hồng Kông hồi tháng Hai năm nay, các giường ICU của thành phố này đã quá tải và nhiều bệnh viện buộc phải dựng lều bên ngoài phòng cấp cứu để làm chỗ trú ngụ tạm thời cho các bệnh nhân nguy kịch.
Hệ thống xe cứu thương của Bắc Kinh cũng đang hoạt động vượt công suất. Theo hãng truyền thông Trung Quốc Economic Observer, từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều hôm 14/12, một viện dưỡng lão đã cố gắng giải quyết một trường hợp cấp cứu cho một cụ cao niên. Những nhân viên này đã sử dụng bốn chiếc điện thoại khác nhau, gọi liên tục vào số cấp cứu 120, nhưng không thể gọi được xe cứu thương vì đường dây này luôn bận.
Hôm 15/12, bà Chương Di Hòa (Zhang Yihe), một nhà văn nổi tiếng ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng nền tảng của hệ thống y tế Trung Quốc là yếu kém.
“Trong nhiều năm, chúng ta đã không đầu tư đầy đủ cho việc xây dựng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản,” bà nói. “Chính quyền chỉ một mực chú trọng vào nghiên cứu cao cấp mà bỏ qua nền tảng, những điều căn bản, và những thứ vốn dĩ rất bình thường … Khi một dịch bệnh tấn công trên diện rộng, thì tất nhiên cái gì cũng bất cập. Đó là bài học.”
Vấn đề hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu thốn đã tồn tại trước đại dịch này. Đến năm 2020, có chưa tới ba bác sĩ trên 1,000 người, tụt hậu so với các nước phát triển lớn và so với Brazil, một nước đang phát triển.
Ngoài số lượng bác sĩ trên đầu người khan hiếm, nguồn lực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc cũng được phân bổ không đồng đều. Đối với ước tính 500 triệu người Trung Quốc sống ở nông thôn, cứ 1,000 người thì có chưa tới hai bác sĩ, trong khi ở Bắc Kinh và Thượng Hải, cứ 1,000 người thì có hơn năm bác sĩ.
Trong bối cảnh Tết Nguyên Đán cận kề, dòng người đi về quê ăn Tết sẽ mang theo nhiều người từ những thành phố này về vùng nông thôn.
Anh Đường Vân (Tang Yun), một cư dân Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng hiện tại dịch bệnh này đang rất nghiêm trọng ở những thành phố lớn, nhưng có tương đối ít ca nhiễm ở các vùng nông thôn.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times