G-7 sẽ công bố lời hồi đáp ‘thẳng thắn’ về hành vi bắt nạt kinh tế của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Hiroshima
HIROSHIMA, Nhật Bản — An ninh kinh tế sẽ là trọng tâm chính trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hiroshima, khi các nhà lãnh đạo đề ra những hành động để chống lại “sự cưỡng ép kinh tế” của Bắc Kinh mà không tách rời khỏi Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-7 hôm 19/05 rằng các quốc gia G-7 — Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, và Ý — dự kiến sẽ công bố “một bộ công cụ chung” để đối đầu với các nỗ lực của Trung Quốc.
“Những công cụ an ninh kinh tế này sẽ bao gồm các bước nhằm xây dựng khả năng phục hồi trong các chuỗi cung ứng của chúng ta. Chúng cũng sẽ bao gồm các bước để bảo vệ công nghệ nhạy cảm như kiểm soát xuất cảng và các biện pháp đầu tư ra ngoại quốc,” ông Sullivan nói.
Và lần đầu tiên, thông cáo chung của G-7 sẽ phác thảo ra “các yếu tố chính mà tất cả các quốc gia G-7 đều đồng ý khi nói đến việc ứng phó với CHND Trung Hoa,” theo ông Sullivan.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo sẽ nhấn mạnh rằng họ đang hướng tới mục tiêu “giảm thiểu rủi ro, chứ không phải tách rời khỏi Trung Quốc.”
Tận dụng sức mạnh kinh tế
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để thúc đẩy thay đổi chính trị trên toàn thế giới.
Chẳng hạn, sau khi Úc kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19 hồi tháng 04/2020, nhà cầm quyền cộng sản này đã công bố các biện pháp trừng phạt thương mại đối với một số sản phẩm của Úc.
Bà Liz Truss, Ngoại trưởng Vương quốc Anh tại thời điểm đó, đã cảnh báo rằng sự ép buộc kinh tế của chính quyền Trung Quốc đối với Úc đóng vai trò như một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các quốc gia khác.
Trước đây, đã có những ví dụ khác về sự ép buộc của Trung Quốc, bao gồm cả với Nhật Bản, quốc gia chứng kiến các lô hàng kim loại đất hiếm của Trung Quốc bị chặn do tranh chấp lãnh thổ vào năm 2010. Nam Hàn đã phải đối mặt với sự tẩy chay doanh nghiệp từ Trung Quốc vào năm 2017 sau khi lắp đặt một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ. Và gần đây, Bắc Kinh đã trả đũa Lithuania sau khi nước này cố gắng tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Trung Quốc gần đây cũng gây áp lực lên các công ty của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, để phản ứng với việc Hoa Kỳ cấm xuất cảng các chất bán dẫn tân tiến, Bắc Kinh đã tiến hành điều tra công ty vi mạch bộ nhớ Micron. Ngoài ra, hồi tháng Ba, công an Trung Quốc đã xông vào văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group, một công ty thẩm định của Mỹ, và bắt giữ năm công dân Trung Quốc làm việc cho công ty này. Sau đó, công an Trung Quốc đã thẩm vấn các nhân viên tại chi nhánh Thượng Hải của Bain & Co., một công ty tư vấn của Mỹ.
Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã cảnh báo về sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc trước thềm cuộc họp G-7 hôm nay.
Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ công bố việc thành lập một Diễn đàn Điều phối của G7 về Cưỡng ép Kinh tế mới và diễn đàn này “sẽ chú tâm vào việc sử dụng ngày càng nhiều và nguy hại các biện pháp cưỡng ép kinh tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác,” ông Sunak cho biết trong bài diễn văn của mình trước cuộc họp. “Chúng ta nên hiểu rõ về thách thức ngày càng tăng mà chúng ta phải đối mặt. Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cạnh tranh kinh tế chiến lược và có phối hợp.”
‘Trực tiếp và thẳng thắn’
Ông Sullivan đã được hỏi liệu tuyên bố của G-7, vốn sẽ sớm được công bố, có làm xấu đi mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không.
“Tôi nghĩ quý vị sẽ thấy ngôn từ của Trung Quốc hoàn toàn đơn nhất. Nó không thù địch hay bâng quơ. Nó hoàn toàn trực tiếp và thẳng thắn,” ông trả lời. “Đó là một chính sách đa chiều, phức tạp cho một mối bang giao phức tạp với một quốc gia thực sự quan trọng.”
Ngoài ra, để đáp lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo G-7 sẽ đề cử một chiến lược nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước kém phát triển.
Các nhà lãnh đạo cũng hứa sẽ không phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng và thực hiện các bước để xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt cho năng lượng sạch, điều này sẽ được đưa vào tuyên bố của G-7.
Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G-7 năm nay thống nhất hơn về Trung Quốc so với hai năm trước. Nguồn tin này nói với The Epoch Times rằng đã có nhiều tiến triển và thỏa thuận hơn về những hành động cụ thể mà G-7 có thể thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất đồng về cách thức thực hiện các hành động này, điều này đòi hỏi các chính phủ phải sáng tạo hơn để vượt qua những khác biệt, người này nói thêm.
Các nhà lãnh đạo G-7 cũng dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố liên quan đến Đài Loan trong hội nghị thượng đỉnh.
Một trọng tâm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh năm nay là “Tiếp cận Nam Bán Cầu.” Nghị trình này có mục đích tăng cường tiếp cận với châu Mỹ Latinh, châu Phi, phần còn lại của châu Á, và Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở những khu vực này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times