Các chuyên gia: Cách tiếp cận ‘giảm rủi ro, không tách rời’ của G-7 đối với Trung Quốc có ba khía cạnh
Hành động này đang kìm hãm quá trình nâng cấp công nghiệp của Trung Quốc
Một thông cáo được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Đại cường quốc (G-7) ở Hiroshima, Nhật Bản, cho biết các thành viên G-7 đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” khỏi Trung Quốc về các vấn đề kinh tế.
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng tuyên bố này bao gồm cách tiếp cận theo ba hướng sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc nâng cấp các ngành công nghiệp của nước này.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm (25/05) rằng, sau hội nghị thượng đỉnh này, Trung Quốc đã kêu gọi G-7 thực hiện cam kết không tách rời. Bà bày tỏ hy vọng rằng các quốc gia thành viên G-7 sẽ không lạm dụng các hạn chế về thương mại và đầu tư. Trong một bài xã luận trước đó trong tuần này, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận nhà nước của Trung Quốc, đã chỉ trích hội nghị thượng đỉnh này là một “cuộc hội thảo bài xích Trung Quốc.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mặc dù hành động “giảm rủi ro” này sẽ không thể nào tránh khỏi việc gây tổn hại cho người dân Trung Quốc, mặc dù họ là nạn nhân của những hành động mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện vốn là nguyên nhân dẫn đến những biện pháp này.
Thông cáo của các nhà lãnh đạo G-7 ở Hiroshima, được công bố vào chiều hôm 20/05, tuyên bố rằng các đối tác G-7 “sẵn sàng xây dựng mối bang giao mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc”, đồng thời “giảm bớt sự phụ thuộc quá mức” vào chế độ cộng sản này.
Hội nghị thượng đỉnh này đã diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/05. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia G-7 — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, và Canada — đã gặp gỡ các đại diện từ Liên minh Âu Châu và nhiều khách mời khác.
Thông cáo này viết, “Các biện pháp tiếp cận chính sách của chúng tôi không được thiết kế nhằm mục đích gây hại cho Trung Quốc đồng thời chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc.”
Hy vọng Trung Quốc ‘tuân theo các quy định quốc tế’
“Một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy định quốc tế sẽ mang đến lợi ích cho toàn cầu. Chúng tôi không tách rời hoặc tập trung phát triển bên trong. Đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa. Chúng tôi sẽ thực hiện các hành động, cả riêng biệt lẫn tập thể, để đầu tư vào sức sống kinh tế của chính chúng tôi. Chúng tôi sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá mức trong các chuỗi cung ứng quan trọng của mình.”
Tuyên bố này cũng bày tỏ rằng các thành viên G-7 sẽ “tìm cách giải quyết những thách thức do các chính sách và các hành vi phi thị trường của Trung Quốc gây ra, vốn làm biến dạng nền kinh tế toàn cầu.”
Thông cáo này viết, “Chúng tôi sẽ chống lại các hành vi xấu, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hoặc tiết lộ dữ liệu. Chúng tôi sẽ thúc đẩy tính bền vững trước sự cưỡng bách kinh tế. Chúng tôi cũng nhận ra sự cần thiết của việc bảo vệ một số công nghệ tân tiến vốn có thể được sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi mà không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư.”
ĐCSTQ bày tỏ sự tức giận trước những tuyên bố của G-7 về việc giảm thiểu rủi ro kinh tế.
Thời báo Hoàn Cầu do nhà nước điều hành cho biết trong bài xã luận hôm thứ Hai (22/05), “Đây không chỉ là một vấn đề can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm mất mặt Trung Quốc, mà còn là sự thôi thúc đối đầu lộ liễu giữa các bên.”
Tuy nhiên, trước đó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã nói với giới truyền thông rằng không có điều gì trong tuyên bố chung của G-7 gây ngạc nhiên cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã “biết rõ” những mối lo ngại của các thành viên G-7.
Hôm 20/05, ông Sullivan cho biết, “Đó là những gì chúng tôi đã và đang nói, và bây giờ điều đó phản ánh sự hợp tác đang diễn ra.”
‘Giảm rủi ro, không tách rời:’ Một cách tiếp cận ba hướng
Theo chuyên gia về Trung Quốc kiêm ký giả kỳ cựu Thạch Sơn (Shi Shan), cách tiếp cận “giảm rủi ro, không tách rời” của G-7 đối với Trung Quốc có ba khía cạnh.
Đầu tiên là nhắm mục tiêu vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cũng như việc cung cấp chất bán dẫn chính xác, điều mà các nhà lãnh đạo G-7 muốn độc lập khỏi ĐCSTQ.
Khía cạnh thứ hai là hạn chế sự chế tạo chính xác và sản xuất các nguyên liệu thô quan trọng của Trung Quốc, chẳng hạn như đất hiếm, và tìm kiếm các nguồn cung cấp khác.
Thứ ba là sản xuất hàng tiêu dùng cho thị trường chung, như giày dép, đồ chơi và quần áo, và các ngành sản xuất hàng giá rẻ khác. Trong lĩnh vực này, những đối tác G-7 về căn bản rất sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí địa ốc và nhân công ở Trung Quốc tiếp tục tăng, ông Thạch dự đoán rằng theo lẽ tự nhiên, những ngành này sẽ chuyển sang các nước khác.
Ông Thạch đã trao đổi với The Epoch Times về những khía cạnh khác của phương pháp “giảm rủi ro, không tách rời.”
“Họ [các nước G-7] không nói rằng họ sẽ ngừng mua các sản phẩm của Trung Quốc,” ông nói. “Nhưng họ đang giáng một đòn mạnh vào phần quan trọng nhất mà ĐCSTQ cần để chuyển đổi nền kinh tế trong tương lai, đó là nâng cấp ngành công nghiệp.”
Theo ông Thạch, ĐCSTQ quan tâm nhất đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, ĐCSTQ không có quyền kiểm soát đối với công nghệ cốt lõi hoặc các sản phẩm chính yếu trong một số lĩnh vực phát triển kinh tế then chốt.
Trung Quốc thiếu các nguồn tài nguyên khoáng sản như sắt và đồng, cũng như dầu mỏ và thực phẩm. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang cố gắng chống chọi với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và phải nhập cảng một lượng lớn lương thực để giải quyết vấn đề này.
Ông Thạch nói, hàng loạt vấn đề về chuỗi cung ứng này đang khiến ĐCSTQ rất lo lắng.
Hơn nữa, ông nói: “Hội nghị thượng đỉnh G-7 lần này không chỉ dành cho các quốc gia G-7. Úc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, và một số quốc gia khác cũng được mời tham dự. Nếu tất cả các quốc gia này đồng ý hợp tác và thiết lập các quy tắc nhất định, thì ĐCSTQ sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình.”
ĐCSTQ ‘đã mang đại nạn’ cho Trung Quốc
Ông Diệp Trí Thu (Ye Zhiqiu), một ký giả kiêm nhà bình luận các vấn đề thời sự đang sinh sống ở New Zealand, nói với The Epoch Times rằng mặc dù các nước G-7 vẫn sẽ có các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng mục đích của họ là ngăn chặn ĐCSTQ mở rộng ảnh hưởng và gây ra một mối đe dọa đối với an ninh của các quốc gia khác thông qua “các hành vi độc hại.”
Ông Diệp cho biết: “Sự hợp tác hiện nay thực sự bị giới hạn trong các ngành công nghiệp chế biến công nghệ thấp, thâm dụng nhân công.”
Đối với các ngành cần kỹ thuật cao hơn, ông cảm thấy rằng các biện pháp của G-7 nhằm hạn chế những ngành này là cần thiết: “Nếu ĐCSTQ được phép kiểm soát hoặc có trong tay các công nghệ này, thì họ sẽ gây ra mối đe dọa cho các quốc gia trong nhóm. ĐCSTQ cũng sẽ sử dụng sự cạnh tranh và cưỡng ép kinh tế thái quá để đạt được mục tiêu mở rộng và thâm nhập ra ngoại quốc.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của G-7 là ĐCSTQ chứ không phải người dân Trung Quốc.
“Những hành vi sai trái của ĐCSTQ đã mang đến đại nạn cho Trung Quốc,” ông Diệp tiếp tục. Ông nói thêm, lợi nhuận trong ngành công nghiệp chế biến rất ít ỏi, đặc biệt là khi Trung Quốc đang mất đi lợi tức nhân số và chi phí nhân công tiếp tục tăng.
Ông cho hay, “Trung Quốc lẽ ra phải đi theo hướng nâng cấp ngành công nghiệp, và để đạt được nâng cấp công nghiệp thì việc cải thiện các khía cạnh công nghệ và kỹ thuật là điều thiết yếu. Nhưng trong những năm qua, ĐCSTQ đã sử dụng công nghệ của mình để bành trướng một cách hung hãn ra thế giới bên ngoài, gây ra một mối đe dọa cho thế giới, khiến các quốc gia khác trên thế giới phải đưa ra biện pháp ngăn chặn điều này vì lợi ích an ninh quốc gia.”
Ông Diệp cho rằng việc bỏ qua sự phát triển nội tại của Trung Quốc vì mục đích bành trướng ra bên ngoài là một sai lầm nghiêm trọng: một sai lầm sẽ làm tê liệt sự phát triển kinh tế trong tương lai của Trung Quốc.
“Trên thực tế, đây là một thảm họa mà ĐCSTQ đã mang đến cho Trung Quốc. Nếu đảng này không quá tham vọng và hung hãn trong việc bành trướng ra bên ngoài, thì chuyện này đã không xảy ra. ĐCSTQ đã thâu đoạt đất nước.”
Mặc dù thật không may là các biện pháp trừng phạt toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và từ đó ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc, nhưng ông Diệp nói, “Chúng ta không thể đổ lỗi cho các quốc gia khác vì đã thực hiện các biện pháp phòng thủ để bảo vệ [các] hệ thống dân chủ và an ninh quốc gia của họ.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times