Các nhà phân tích: Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Á, cố gắng thách thức G-7
Trung Quốc đã tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh Trung Á tại thành phố lịch sử Tây An hôm 18 và 19/05, một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước (G-7) năm nay tại Hiroshima của Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/05.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan trong các cuộc gặp trực tiếp, ca ngợi “tình hữu nghị lâu dài” với những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.
Tây An, ban đầu được gọi là Hàm Dương và Trường An, là thủ đô của một số triều đại hùng mạnh của Trung Quốc, bao gồm Tần, Hán, và Đường. Đó là điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa cổ xưa trong thời nhà Hán.
Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng ông Tập đã cố tình chọn Tây An để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Á như một thách thức công khai đối với hội nghị thượng đỉnh G-7 và như một nền tảng để thể hiện vai trò lãnh đạo của ông trong một tổ chức quốc tế.
Trung Á (Central Asia, còn được gọi là Middle Asia) bao gồm năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và bao trùm một khu vực rộng lớn của châu Á trải dài từ biên giới phía đông của Trung Quốc đến Biển Caspi ở phía tây, Afghanistan ở phía nam và Nga ở phía bắc.
Như một hành lang chiến lược cho Bắc Kinh, Trung Á từng được xem là sân sau của Nga. Các chuyến tàu chở hàng của Trung Quốc nối liên Trung Quốc và châu Âu chạy ngang qua Trung Á. Theo Tân Hoa Xã, hơn 1,100 chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-Châu Âu đã xuất phát từ Tây An trong quý đầu tiên của năm nay.
Bắc Kinh đang cố gắng củng cố mối bang giao với năm quốc gia này trong bối cảnh các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine làm suy yếu ảnh hưởng của Nga [đối với khu vực này]. Các nhà phân tích cho biết, mặt khác, các nước Trung Á đang xem Trung Quốc là nguồn lợi kinh tế và thương mại mới của họ.
Tuy nhiên, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) cho biết hôm 20/5, hội nghị thượng đỉnh này, vốn chỉ giới hạn ở các nước Trung Á, cho thấy sự thất bại của ông Tập trong việc thách thức phương Tây.
Ông Đường nói trong chương trình YouTube của mình, “Ông Tập Cận Bình đã phải chịu một thất bại đáng kể trong nỗ lực mở rộng khu vực của mình ở Đông Á và Đông Nam Á. Một sự kiện đáng chú ý là các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, và các quốc gia khác rõ ràng đã liên kết với Hoa Kỳ để hình thành một sự phong tỏa hiệu quả đối với Trung Quốc dọc theo chuỗi đảo đầu tiên.”
“Kết quả là, ông Tập chỉ có thể củng cố khu vực hậu phương của mình theo bản năng, đó là Trung Á.”
‘Lợi dụng lẫn nhau cho mục đích riêng của họ’
Trung Quốc đã và đang mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Á thông qua hợp tác kinh tế, công nghệ, và văn hóa, ngay trước mắt Nga ngay cả khi Nga đã có ảnh hưởng chủ yếu đối với các quốc gia này trước chiến tranh Ukraine.
Nhà bình luận thời sự người Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 17/05, “Trung Quốc và Trung Á chỉ lợi dụng lẫn nhau cho mục đích riêng của họ, chẳng hạn như quan hệ thương mại.”
Theo Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tổng thương mại của Trung Quốc với năm quốc gia Trung Á nói trên đã đạt mức kỷ lục 70 tỷ USD trong năm ngoái (2022). Thương mại trong bốn tháng đầu năm 2023 là 24.7 tỷ USD, tăng 37.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trung Quốc cũng đã đầu tư hàng tỷ dollar vào việc phát triển các nguồn khí đốt tự nhiên ở Trung Á.
Tính đến cuối tháng Ba, tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào năm quốc gia Trung Á này đã vượt quá 15 tỷ USD. Trong số những dự án đầu tư đó có đường ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc. Đó là một hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Trung Á đến khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, kết nối khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan, Uzbekistan, và Kazakhstan với mạng lưới nội địa của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, có ba đường ống song song đang hoạt động với công suất thiết kế hàng năm là 60 tỷ mét khối.
Một nhà bình luận khác về Trung Quốc, ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), lưu ý rằng các nước Trung Á dựa vào Trung Quốc để có các khoản tiền đầu tư và tìm cách tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Ông Thái nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/05, “Các quốc gia [Trung Á] này đều là những nước thân cận gần với Trung Quốc, và khi năng lực mua năng lượng và nỗ lực đầu tư của Trung Quốc nghiêng về các nước này, thì họ sẽ được hưởng lợi đáng kể.”
Tuy nhiên, các khoản đầu tư của ĐCSTQ trong khu vực này đang gây ra sự chỉ trích rộng rãi trong nước, vì người dân Trung Quốc cảm thấy chính quyền trung ương không chú ý đến họ. Hôm 19/05, ông Tập được cho là đã tuyên bố cung cấp tổng cộng 26 tỷ nhân dân tệ (3.8 tỷ USD) trợ giúp tài chính và trợ cấp cho các nước Trung Á trong bối cảnh chính Trung Quốc đang gặp suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao, và khủng hoảng già hóa dân số.
Trong số năm quốc gia Trung Á, Kazakhstan giữ một vị thế thống lĩnh về kinh tế, chiếm 60% tổng GDP của năm quốc gia. Lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đề nghị Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Kazakhstan là vào tháng 09/2013. Hôm 17/05, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Joomart Tokayev đã đến Tây An trước một ngày so với các nguyên thủ quốc gia khác.
Nhà phân tích: Không thể so sánh với Hội nghị thượng đỉnh G-7
Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường mối bang giao với Trung Á, ông Thái Thận Khôn tin rằng Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á không có khả năng thách thức vị thế của Hội nghị thượng đỉnh G-7. Xét về ảnh hưởng chính trị và sức mạnh kinh tế, các quốc gia Trung Á không cùng đẳng cấp với G-7.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, đã đồng tình với ông Thái.
Ông nói: “Liên minh của ĐCSTQ đơn giản là không thể so sánh với liên minh dân chủ phương Tây.”
Ông Thái nói với The Epoch Times rằng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, Châu Âu và Hoa Kỳ “đang thay đổi chính sách về Trung Quốc trong những thập niên trước của họ.”
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Lạc Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times