PHÂN TÍCH: Các nhà lãnh đạo G-7 có lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nhưng họ có thể duy trì quyết tâm đó không?
Các chuyên gia cân nhắc về những tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima và ý nghĩa của điều này đối với Trung Quốc
Bài học về cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã buộc Nhóm Bảy nước (G-7) phải đối đầu trực diện với Bắc Kinh trong năm nay, và lời tuyên bố thống nhất từ hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima là một bước tiến lớn mà theo một số chuyên gia là “chuyện không tưởng” cách đây hai năm.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn là liệu các nước G-7 có thể đoàn kết và mạnh mẽ khi đối đầu với Trung Quốc, như họ đã cam kết—hay họ sẽ tiếp tục đặt lợi ích thương mại lên trên “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” hoặc các giá trị cốt lõi của họ, chẳng hạn như nhân quyền và dân chủ?
Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 49 của các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới—Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada—năm nay được tổ chức tại Hiroshima từ ngày 19 đến ngày 21/05.
Mặc dù các hội nghị thượng đỉnh này hiếm khi gây chú ý, nhưng thông cáo chung của năm nay, nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga, và một tuyên bố riêng về Trung Quốc đã chứng minh rằng, ít nhất là về mặt thông điệp, các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ giàu có nhất thế giới đoàn kết hơn bao giờ hết.
Các chiến thuật gây hại của Trung Quốc làm suy yếu các quy tắc và chuẩn mực quốc tế là trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh năm nay, như được nêu rõ trong một tuyên bố mới đặc biệt về an ninh kinh tế.
Các nhà lãnh đạo G-7 tuyên bố công khai rằng họ coi Trung Quốc là kẻ bắt nạt kinh tế và cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ cho “sự cưỡng ép kinh tế” của Bắc Kinh. Lần đầu tiên họ cảnh báo rằng sẽ có “những hậu quả.”
“Chúng tôi sẽ phối hợp với nhau để bảo đảm rằng những nỗ lực vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế bằng cách buộc các thành viên G7 và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả các nền kinh tế nhỏ, phải tuân thủ và làm theo sẽ thất bại và đối mặt với những hậu quả,” tuyên bố viết.
Theo bà Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình Á Châu thuộc Quỹ Marshall của Đức tại Hoa Kỳ, tuyên bố của G-7 về Trung Quốc là “khá mạnh mẽ.”
Mặc dù tuyên bố đặc biệt này không đề cập đến Trung Quốc, nhưng trong hội nghị thượng đỉnh đã nói rõ rằng đó toàn bộ là về Trung Quốc. Và trong thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G-7 đã làm rõ quan điểm của họ, lên án hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.
Cách các nước G-7 cùng nhau giải quyết vấn đề Trung Quốc, theo một báo cáo của các chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, là “không thể tưởng tượng được” nếu là cách đây hai năm.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã coi việc chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu, và trong hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo đã thông báo về sự ra mắt của một “Nền tảng Điều phối về Cưỡng ép Kinh tế” mới.
Nền tảng mới này đặc biệt đáng chú ý, theo ông Stephen Ezell, phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới(ITIF), một tổ chức tư vấn công nghệ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Vì điều này “cho thấy các nước G-7 sẽ sẵn sàng phối hợp để cùng nhau bảo vệ lẫn nhau trước cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc,” ông nói với The Epoch Times.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của mình để gây ảnh hưởng đến các chính phủ trên khắp thế giới đã gia tăng trong những năm gần đây.
Chẳng hạn, sau khi Úc kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 hồi tháng 04/2020, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khoảng một chục mặt hàng của Úc, bao gồm cả rượu vang, mà Trung Quốc là thị trường chính.
Bắc Kinh cũng sử dụng biện pháp ép buộc đối với các quốc gia khác, đáng chú ý nhất là Nam Hàn vào năm 2017 sau khi nước này lắp đặt một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ, và Lithuania hồi năm 2022 để đáp lại những nỗ lực của nước này nhằm tăng cường mối bang giao với Đài Loan.
Theo ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “Vành đai và Con đường: Sự Bành trướng Kinh tế trên Toàn cầu của Trung Quốc”, mặc dù các nhà lãnh đạo G-7 dường như đoàn kết hơn trong năm nay, nhưng họ vẫn thể hiện một số điểm yếu khi không hạ quyết tâm và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh.
“Họ thậm chí còn nhận ra rằng Trung Quốc đang ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine nhưng không đưa ra các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa, chẳng hạn như một lệnh cấm thương mại đối với Trung Quốc,” ông Graceffo, người cũng là một cộng tác viên của Epoch Times, cho biết.
“Tin tốt là G-7 đã đoàn kết,” ông lưu ý. “Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi động lực quyền lực trên thế giới, đưa các đồng minh xích lại gần nhau hơn và củng cố vị thế của Hoa Kỳ với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do.”
‘Giảm thiểu rủi ro’
Một kết quả quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh là việc các nhà lãnh đạo sử dụng cụm từ “giảm thiểu rủi ro” (de-risking) thay vì “tách rời” (de-coupling) với Trung Quốc, vốn đã trở thành một thuật ngữ chính thức mới của G-7.
“Chúng tôi không tách rời hay chuyển hướng nội bộ. Đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa,” các nhà lãnh đạo nêu trong thông cáo chung. “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước, về mặt cá nhân và tập thể, để đầu tư vào sức sống kinh tế của chính chúng tôi. Chúng tôi sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá mức những chuỗi cung ứng quan trọng của mình.”
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, người cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh, ủng hộ việc giảm thiểu rủi ro như một chiến lược.
“Đã qua [thời] để tách rời,” ông Graceffo nói, lưu ý rằng các nhà lãnh đạo G-7 cuối cùng cũng nhận ra điều này.
“Việc giảm thiểu rủi ro này liên quan đến đa dạng hóa. Đầu tư mới sẽ không chảy vào Trung Quốc như trước đây. Tách rời có nghĩa là rút các công ty hiện có ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc thực hiện các khoản đầu tư mới ở Ấn Độ hoặc Việt Nam. Và đó là những gì đang xảy ra,” ông Graceffo giải thích.
Các nhà lãnh đạo đã đồng ý thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng và đầu tư ra ngoại quốc để bảo vệ các công nghệ nhạy cảm và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt như là một phần của chiến lược này.
Chiến lược giảm thiểu rủi ro này tuân theo “Kiểm soát tháng Mười,” một loạt các hạn chế do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành nhằm ngăn các nhà sản xuất lớn vận chuyển vi mạch bán dẫn cao cấp và đầu vào đến Trung Quốc để bảo vệ các công nghệ quan trọng.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã giải thích những hạn chế này trong một cuộc họp báo hồi tháng Mười năm ngoái (2022), nói rằng chính phủ đang thực hiện cái gọi là khái niệm “sân nhỏ, hàng rào cao.” Mục tiêu là hạn chế đầu tư ra ngoại quốc đối với các công nghệ nhạy cảm, đặc biệt là những công nghệ có thể tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh.
“Phải xem xét cẩn trọng đến từng chi tiết,” bà Glaser nói với The Epoch Times. “Theo quan điểm của tôi, việc tách rời không bao giờ nằm trong nghị trình — Hoa Kỳ sẽ không ngừng giao thương với Trung Quốc,” bà cho biết.
“Vấn đề vẫn là: ‘sân nhỏ’ rộng bao nhiêu và hàng rào cao bao nhiêu?”
Ông Ezell đồng ý, nói thêm rằng “hành động của các nhà lãnh đạo G-7 quan trọng hơn lời nói.”
“Chắc chắn là hợp lý khi nhận ra rằng các quốc gia G-7 sẽ không tách rời hoàn toàn khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Bản chất hội nhập của chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu khiến điều đó trở nên bất khả thi và không mong muốn,” ông giải thích.
“Nhưng ‘giảm thiểu rủi ro’ để giảm bớt sự phụ thuộc cốt lõi và tính dễ bị tổn thương — đặc biệt là những thứ có thể bị Trung Quốc vũ khí hóa thông qua cưỡng ép kinh tế — chính xác là bước đi đúng đắn cần thực hiện.”
Thông điệp trái chiều
Một số người chỉ trích thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh vì đã gửi đi những thông điệp mâu thuẫn bằng cách đề cập về sự hợp tác mang tính xây dựng với Bắc Kinh, vốn không tồn tại một năm trước.
Các nhà lãnh đạo tuyên bố sẵn sàng thiết lập “mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc.”
Họ cũng nhấn mạnh rằng “các cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không được thiết kế để gây hại cho Trung Quốc, chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc.”
Theo ông Steve Yates, một chuyên gia về Trung Quốc và là cựu quan chức an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, hội nghị thượng đỉnh này đã gửi đi rất nhiều thông điệp mâu thuẫn.
“Đối với tôi, nó giống như một hướng dẫn mẫu giáo cơ bản về cách đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói trong chương trình “China in Focus” của NTD TV.
Ông Yates nói rằng chế độ Trung Quốc giải quyết “bằng hành động và quyền lực” và không “tôn trọng các trò chơi chữ,” đồng thời nói thêm rằng không có tiến triển đáng kể nào tại hội nghị thượng đỉnh năm nay vì những thông điệp mâu thuẫn.
Ông Yates cho biết vẫn có những quốc gia G-7 như Pháp và Đức theo đuổi các cơ hội kinh tế và dựa vào cả Trung Quốc và Nga, trong khi “chỉ nói suông để răn đe.”
‘Hội thảo chống Trung Quốc’
Hôm 22/05, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án thông cáo chung của G-7 và triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Tờ Global Times do nhà nước hậu thuẫn đã đăng một bài xã luận, gọi hội nghị thượng đỉnh G-7 lần này là một “hội thảo chống Trung Quốc.”
Theo bài xã luận, thông cáo chung của G-7 đã chứng minh rằng Hoa Thịnh Đốn “đang nỗ lực dệt nên một mạng lưới chống Trung Quốc ở thế giới phương Tây.”
Để trả đũa, Bắc Kinh cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron của Mỹ, cho rằng vi mạch bán dẫn của họ gây ra rủi ro an ninh đáng kể.
Phản ứng của chính quyền này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden dự đoán mối bang giao với Trung Quốc sẽ sớm “ấm lên” trong một cuộc họp báo khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh hôm 21/05.
TT Biden đổ lỗi cho mối bang giao xấu đi gần đây với Trung Quốc là do một “khinh khí cầu ngớ ngẩn” đã bay qua lãnh thổ của Hoa Kỳ với thiết bị gián điệp trước khi cuối cùng bị một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bắn hạ trên Đại Tây Dương.
“Mọi thứ đã thay đổi về mặt giao tiếp với nhau. Tôi nghĩ rằng rất nhanh thôi quý vị sẽ thấy mối bang giao bắt đầu ấm lên,” ông Biden nói với các phóng viên.
Một số người chỉ trích ông Biden vì đã gửi những tín hiệu trái chiều tới Bắc Kinh và không thể hiện sức mạnh trong cuộc họp báo này, trong khi những người khác hoan nghênh tuyên bố bất ngờ về Đài Loan của ông.
‘Chiến lược rõ ràng’?
Khi được hỏi về Đài Loan trong cuộc họp báo, tổng thống đã cầm micro và bắt đầu nói trong khi bước đi trên bục, thể hiện sự tự tin.
Ông Biden nhấn mạnh rằng Hoa Thịnh Đốn đã cam kết với chính sách “một Trung Quốc,” chính sách này công nhận chế độ cộng sản là chính quyền của Trung Quốc và sẽ không mong đợi Đài Loan tự tuyên bố độc lập.
“Nhưng trong khi chờ đợi,” ông nói, “chúng tôi sẽ tiếp tục đặt Đài Loan vào vị trí mà họ có thể tự bảo vệ mình. Và hầu hết các đồng minh của chúng tôi đều hiểu rõ rằng, trên thực tế, nếu Trung Quốc đơn phương hành động, thì sẽ có đáp trả.”
Chính quyền Trung Quốc, tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và trong những năm gần đây đã tăng cường quấy rối quân sự và đe dọa hòn đảo này, khiến các quốc gia phương Tây lo ngại. Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Hoa Thịnh Đốn có nghĩa vụ cung cấp cho hòn đảo tự trị các phương tiện để tự vệ trước các cuộc tấn công.
Nhiều người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn đã hoan nghênh bình luận của ông Biden vì thông điệp này đem đến sự rõ ràng về chiến lược rất cần phải có về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, một số người đặt nghi vấn về tuyên bố của ông, tự hỏi liệu ông có thực sự đề cập đến việc đáp trả bằng quân sự và liệu ông có thực sự có ý định làm như những gì ông nói hay không.
Trước đây, ông Biden đã vài lần nói rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược hòn đảo được quản lý một cách dân chủ này, khác với chính sách “mơ hồ chiến lược” đã tồn tại từ lâu, nghĩa là cố tình mơ hồ về những gì Hoa Kỳ sẽ làm trong trường hợp có một cuộc tấn công. Mỗi lần như vậy, các quan chức của ông đều xin rút lại lời bình luận của ông, nói rằng cách tiếp cận của Hoa Thịnh Đốn không thay đổi.
Nhưng các chuyên gia tin rằng ông Biden đã cố tình lựa lời khi nói về các đồng minh, và rằng hầu hết các quốc gia G-7 ít nhất đã chấp thuận không ngồi yên nhìn Trung Quốc xâm lược Đài Loan.
Tuyên bố của ông Biden nói lên rằng “có một thỏa thuận về mẫu số chung thấp nhất, nhưng không có thỏa thuận nào về những hành động đáp trả đó sẽ là gì,” ông Glaser nói.
Vì Đài Loan là một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, các chính phủ G-7 thừa nhận rằng việc quân đội Trung Quốc tiếp quản sẽ gây ra sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng trong nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào vi mạch bán dẫn của Đài Loan.
Ông Rupert Hammond-Chambers, một chuyên gia về Đài Loan kiêm chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Đài Loan, tin rằng thông điệp của ông Biden rất quan trọng vì nó một lần nữa làm rõ lập trường của ông ấy về vấn đề này.
“Đây là lần thứ tư ông ấy làm điều đó, điều đó thật thú vị,” ông nói với The Epoch Times. “Ông ấy tiếp tục mang lại sự rõ ràng về mặt chiến lược cho vấn đề này, khi ngay cả các tổng thống có lập trường cứng rắn trước ông ấy cũng miễn cưỡng để nói rõ ràng về ý định của Mỹ.”
Ông Hammond-Chambers tin rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ lập trường “chiến lược mơ hồ” và gửi cho Trung Quốc một thông điệp rõ ràng.
“Tôi nghĩ đó chính xác là điểm mà chính sách của Mỹ nên hướng tới.”
Trong thông cáo chung của G-7 năm nay, các nhà lãnh đạo đã nhắc lại tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” và thúc giục một giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển. Họ cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ đối với “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép.”
Các nhà lãnh đạo của nhóm liên minh Bộ Tứ (Quad) – Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ – gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh, cũng đưa ra thông điệp tương tự tới Bắc Kinh.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hành động gây bất ổn hoặc đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc,” nhóm này tuyên bố.
Ông Hammond-Chambers cho biết, về vấn đề Đài Loan, các đồng minh của Hoa Kỳ đã dần bắt đầu áp dụng những ngôn từ mà Hoa Thịnh Đốn đã sử dụng trong nhiều năm.
Ông nói tiếp: “Nếu, cầu mong là đừng xảy ra, Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì tôi tin rằng Nhật Bản sẽ sát cánh chiến đấu cùng Hoa Kỳ, và rất có thể là cả người Úc và người Anh nữa.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times