Bắc Kinh đối xử khác biệt giữa Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu von der Leyen
Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu von der Leyen hiện đang thăm Trung Quốc. Bắc Kinh rất thận trọng đối với cuộc gặp mặt này. Và mọi việc đều có nguyên do — kể cả giọng điệu trầm lặng bất thường từ phía Trung Quốc cũng vậy.
Chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu. Hai nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ đến thăm quốc gia cộng sản này từ thứ Tư ngày 05/04/2023 đến thứ Sáu ngày 07/04/2023.
Trong chuyến công du này, ông Macron đi cùng một phái đoàn gồm các doanh nghiệp lớn. Tờ Handelsblatt cho hay, 50 nhà quản lý hàng đầu của phái đoàn này muốn ký các hợp đồng béo bở với Trung Quốc. Ông Macron muốn phát đi một tín hiệu mà Bắc Kinh rất đỗi mong chờ, đó là: “business as usual” — hoặc kinh doanh bình thường như trước.
Bắc Kinh đối xử khác biệt giữa ông Macron và bà von der Leyen
Bà Mao Ninh (Mao Ning), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nói về hai chuyến thăm của ông Macron và bà von der Leyen, trong cuộc họp báo vào hôm 03/04. Rõ ràng là Trung Quốc đã xếp tầm quan trọng của ông Macron và bà von der Leyen ở thứ bậc khác nhau.
Để trả lời cho hai câu hỏi do đài truyền hình nhà nước đưa ra, bà Mao Ninh đã tóm lược về chuyến thăm của ông Macron trong ba đoạn và chỉ dành một đoạn để nói về bà von der Leyen. Theo đó, ông Macron sẽ gặp ông Tập Cận Bình, đồng thời sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Triệu Lạc Tế (Zhao Leji). Ngay cả chuyến đi của ông Macron tới Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cũng đã được đề cập đến.
Theo bà Mao Ninh, Trung Quốc và Pháp đã “đạt được hiệu quả trong giao tiếp chiến lược và hợp tác thiết thực” và chuyến thăm của ông Macron sẽ được sử dụng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước — vì sự “hòa bình, ổn định, và phát triển của thế giới.”
Trái lại, bà Mao Ninh chỉ nói về bà Ursula von der Leyen một cách rất thận trọng và mang tính gián tiếp. Bà không đề cập gì đến việc ai sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban Âu Châu. Tên của bà von der Leyen cũng không được đề cập trực tiếp. Cuối cùng, vị nữ phát ngôn viên này cho biết, song phương nên tuân thủ “tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, và hợp tác đôi bên cùng có lợi.” Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với châu Âu.
Châu Âu thay đổi định hướng an ninh về Trung Quốc
Sự miễn cưỡng thấy rõ đối với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu diễn ra sau bài diễn văn quan trọng mang tính chỉ trích Trung Quốc của bà der Leyen gần đây tại Brussels. Trong bài diễn văn đó, bà von der Leyen đã nhấn mạnh về sự thay đổi định hướng đối với Trung Quốc.
Bà von der Leyen đã nói rõ rằng, quan điểm của Bắc Kinh về cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine sẽ quyết định tương lai của mối quan hệ EU-Trung Quốc.
Một điểm quan trọng khác nữa trong bài diễn văn này là nhận thức của Trung Quốc về chính sách thương mại. Theo bà von der Leyen, châu Âu phải phản ứng với chính sách kinh tế ngày càng hung hăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự phụ thuộc đầy rủi ro về mặt kinh tế của các nước vào Trung Quốc cũng cần phải được giảm xuống.
Bà von der Leyen cũng đề cập đến “sự thắt chặt một cách rất có chủ đích đối với lập trường chiến lược chung về Trung Quốc.” Bà nói: “Do sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc, chúng ta có thể sẽ phải phát triển các công cụ phòng thủ mới cho một số lĩnh vực quan trọng.”
Chiến lược của Trung Quốc: Gây chia rẽ
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã có buổi nói chuyện trao đổi với ông Đinh Thọ Phạm (Ding Shu-fan), cựu giáo sư Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (NCCU), vào hôm 04/04. Ông giải thích rằng định hướng chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đặt châu Âu vào vị thế đối trọng với Hoa Kỳ. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản này đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Trung Quốc muốn khuyến khích châu Âu áp dụng quyền tự chủ chiến lược và không tham gia chiến lược bao vây ĐCSTQ của Hoa Kỳ.
“Các quốc gia Âu Châu khác nhau có thái độ khác nhau đối với Trung Quốc, ví dụ như Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, người có vẻ cứng rắn hơn một chút với Trung Quốc,” giáo sư Đinh Thọ Phạm cho hay, “trong khi những nước khác như Tây Ban Nha thì lại không thận trọng đối với Trung Quốc đến vậy.”
Như Giáo sư Đinh giải thích, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau thì mỗi quốc gia có một lập trường hoặc một mối bang giao khác nhau với Trung Quốc. ĐCSTQ sử dụng điều này để tạo ra một loại chia rẽ. Kết quả là, châu Âu với tư cách là một khối liên minh không thể đồng thuận cho một chính sách đối phó với Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, giờ tổng thống Pháp quan trọng hơn
Theo ông Dương Vĩnh Minh (Yang Yongming), một học giả quan hệ quốc tế người Đài Loan đồng thời là giáo sư Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), bà von der Leyen có xu hướng đứng về phía Mỹ và chỉ trích một số hành động của ĐCSTQ.
Do đó, ĐCSTQ đã cố tình tách bà von der Leyen khỏi ông Macron. Theo ông Dương, đối với Trung Quốc thì chuyến thăm của ông Macron quan trọng hơn nhiều. Bởi vì theo chuyên gia về Trung Quốc này, cho dù bà von der Leyen có là Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, thì Liên minh Âu Châu cũng không phải là một quốc gia.
Ông Dương Chí Hằng (Yang Zhiheng), giáo sư phụ tá về ngoại giao và các vấn đề quốc tế tại Đại học Thiên Chúa Giáo Phụ Nhân (FJCU) của Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 04/04 rằng, “Luận điệu của Đại lục là châu Âu nên đi theo con đường của riêng mình chứ không nên đi theo Mỹ.” Điều tương tự cũng có thể xảy ra với châu Á, đặc biệt là trong quan hệ giữa hai nước Nhật-Mỹ.
“Vì vậy, chiến lược ngoại giao của ông Tập Cận Bình có thể sẽ là chia rẽ các quốc gia trong Liên minh Âu Châu và các quốc gia Á Châu trong quan hệ với Mỹ,” ông Dương nói thêm. Đó là mục tiêu chính của ông Tập.
Do Steffen Munter thực hiện
Bảo Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức