Chuyên gia: Ông Tập có thể tấn công Đài Loan để tạo dựng di sản
Khi nền kinh tế của đất nước mất đà phát triển, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang chuyển nền tảng cho di sản của mình sang việc chinh phục Đài Loan, mặc dù không có dấu hiệu cho thấy một cuộc xâm lược sắp xảy ra, theo các nhà phân tích.
Bài diễn văn của ông Tập tại lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20, một sự kiện được tổ chức năm năm một lần, hôm 16/10 đã nhận được sự tán dương nhiệt liệt khi ông ca ngợi quyết tâm của Đảng trong việc dập tắt sự độc lập của Đài Loan.
“Chúng ta sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và chúng ta bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết,” ông Tập nói trước hội nghị có sự tham gia của hơn 2,000 đại biểu ĐCSTQ ở Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho thấy rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã không sử dụng ngôn ngữ hiếu chiến như vậy tại các đại hội Đảng trong suốt hai thập niên qua, làm dấy lên suy đoán rằng một cuộc chiến tranh với Đài Loan có thể sẽ sớm xảy ra.
Theo ba chuyên gia phân tích, một lý do là di sản của ông Tập.
Ông Tập, 69 tuổi, gần như chắc chắn sẽ tuyên bố nhiệm kỳ 5 năm tại vị lần thứ ba phá vỡ kỷ lục, sẽ được công bố khi hội nghị chính trị kéo dài một tuần này kết thúc. Nếu giành được vị trí này, ông Tập sẽ củng cố vai trò của mình với tư cách là người cai trị quyền lực nhất của chính quyền Trung Quốc từ thời nhà lãnh đạo đầu tiên Mao Trạch Đông lên nắm quyền.
“Mối lo ngại là giờ đây khi ông ấy đang củng cố quyền lực, ông ấy có thể quyết định sẽ ghi dấu ấn và tạo dựng di sản cho bản thân. Đó không chỉ là một suy nghĩ đáng sợ đối với Đài Loan. Mà còn là một suy nghĩ đáng sợ đối với toàn khu vực và thế giới,” ông Jon Pelson, tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến Không dây: Sự thống trị Nguy hiểm của Trung Quốc đối với Mạng 5G và Cách Chúng ta Phản kháng” (“Wireless Wars: China’s Dangerous Domination of 5G and How We’re Fighting Back”), nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nói rằng ông Tập đã gắn di sản của mình với việc kiểm soát hòn đảo tự trị Đài Loan.
“Ông Tập đang nói với giới tinh hoa ĐCSTQ rằng sáp nhập Đài Loan thành hay bại là do một tay ông ấy tạo dựng,” ông Vương nói với The Epoch Times.
Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của riêng mình, nhưng hòn đảo này chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc, mà đã được quản lý như một thực thể độc lập trong hơn bảy thập niên.
Những người tiền nhiệm của ông Tập, như ông Đặng Tiểu Bình, thường sử dụng nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ để ca ngợi những thành tựu dưới thời họ. Nhưng Trung Quốc đã báo cáo tăng trưởng gần như trì trệ trong quý trước, đánh dấu hiệu suất tồi tệ nhất kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1992, chưa tính đến mức giảm 6.9% trong quý đầu tiên của năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Nếu không thể vực nền kinh tế Trung Quốc dậy, thì ông Tập có thể sử dụng cuộc chiến toàn diện trên Eo biển Đài Loan để chuyển hướng sự chú ý của công chúng trong nước và giảm áp lực bên trong nội bộ Đảng, theo chuyên gia Tô Tử Vân (Su Tzu-yun) sống ở Đài Loan.
Ông Tô, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính phủ Đài Loan tài trợ cho biết: “Ông Tập sẽ chỉ có thể phát động một cuộc tấn công [vào Đài Loan] nếu ông ấy muốn chuyển sự chú ý [của công chúng] từ áp lực bên trong sang bên ngoài.”
Chiến tranh chưa cận kề
Tuy nhiên, ông Tô nói rằng vẫn chưa có dấu hiệu cấp bách nào về xung đột trên Eo biển Đài Loan, mặc dù Bắc Kinh đang tăng cường áp lực quân sự đối với hòn đảo này.
“Khả năng thực sự để ĐCSTQ tiến hành một cuộc xâm lược [Đài Loan] trong 5 năm tới là rất thấp,” ông Tô nói với The Epoch Times.
Theo ông Tô, Bắc Kinh không hoàn toàn có khả năng chinh phục hòn đảo dân chủ này. Nếu tấn công Đài Loan bằng vũ lực trước năm 2027, quân đội Trung Quốc có khả năng bại trận, đặc biệt là với sự can thiệp tiềm tàng từ các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ông Tô cho biết, chiến thuật hiện tại của nhà cầm quyền là thường xuyên leo thang uy hiếp quân sự đối với các lực lượng của Đài Loan bằng cách cho chiến đấu cơ và chiến hạm di chuyển gần hòn đảo theo một chu kỳ đều đặn.
“Nhà cầm quyền Trung Quốc đang gây áp lực quân sự bằng cách thường xuyên cử phi cơ và chiến hạm đến quấy rối Đài Loan. Đây là điều mà [ĐCSTQ] gọi là ‘chuẩn mực mới’, cốt lõi của chiến lược cứng rắn của đảng này,” nhà phân tích người Đài Loan nói.
Những hành vi quấy rối như vậy đang diễn ra gần như hàng ngày. Vụ xâm nhập mới nhất xảy ra hôm 18/10 khi quân đội quốc phòng Đài Loan báo cáo rằng 11 phi cơ quân sự và hai tàu của Trung Quốc đã được nhìn thấy ở khu vực xung quanh hòn đảo này.
Theo ông Tô, kế hoạch của Bắc Kinh đối với Đài Loan sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ban lãnh đạo hàng đầu tiếp theo của nước này được tiết lộ. Ông nói nếu ĐCSTQ bổ nhiệm nhiều quan chức kinh tế hơn vào các cơ quan lãnh đạo cao nhất của mình, điều này cho thấy Bắc Kinh ưu tiên phát triển kinh tế hơn là chiếm Đài Loan.
Nhưng trên tất cả, ông cảnh báo rằng Đài Loan phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến.
“Dù [ông Tập có nói] gì đi chăng nữa, thì Đài Loan vẫn nên tiếp tục công việc chuẩn bị của mình,” ông Tô nói. “Sẵn sàng là cách tốt nhất để duy trì hòa bình và ngăn chặn một cuộc chiến [với ĐCSTQ].”
Nền kinh tế trì trệ
Ông Tập đã đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ sẽ thay đổi biện pháp ứng phó với đại dịch đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này: chính sách zero COVID hà khắc.
Trong phần khai mạc của cuộc họp được dàn dựng công phu này, ông Tập đã bảo vệ chính sách zero COVID — vốn dựa vào các đợt phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm liên tục — gọi chiến lược này là một “cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện.”
“Mặc dù ông ấy ca ngợi sự thành công trong chính sách ngăn chặn đại dịch của mình, nhưng [nhận định đó] hoàn toàn trái ngược với thực tế,” ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư khoa Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết. “Thực tế là tất cả các ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng và nền kinh tế đang lao dốc.”
Ông Phùng lưu ý rằng ông Tập đã nói rõ ĐCSTQ sẽ tiếp tục chính sách zero COVID bất chấp những tổn thất nặng nề về kinh tế. Việc hạn chế đi lại trên diện rộng và các đợt phong tỏa liên tục đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt ở nhóm những người trẻ tìm việc, hiện ở mức gần 20%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2005 khi các nhà chức trách bắt đầu tổng hợp dữ liệu thất nghiệp.
Các nhà kinh tế và nhà đầu tư ngoại quốc tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi các đợt phong tỏa mới càn quét nước này trước thềm Đại hội Đảng. Ví dụ, Ngân hàng Nhật Bản Nomura đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc xuống 2.7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng của nhà cầm quyền là “khoảng 5.5%”.
Hôm 17/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã trì hoãn việc công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng được dự kiến công bố trong tuần này mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Các số liệu mới nhất — bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của nước này — được ngoại giới theo dõi chặt chẽ sau khi Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng hàng năm chỉ 0.4% từ tháng Tư đến tháng Sáu. Các quan chức đã không đưa ra lịch trình cụ thể cho việc công bố.
“COVID chỉ là một ví dụ về thiệt hại mà [ông Tập] đã gây ra cho đất nước mình, bởi vì giá trị ở đó là sự tăng cường kiểm soát, hơn là sự thành công và nền kinh tế hoặc xã hội hưng thịnh,” ông Pelson nói.
Trích dẫn ví dụ về Thượng Hải, một thành phố 25 triệu dân đã phải chịu đựng đợt phong tỏa kéo dài hai tháng vào đầu năm nay, ông Pelson nói rằng những biện pháp hạn chế kiểu trừng phạt như vậy cuối cùng cũng chỉ để làm nổi bật lên một vấn đề, đó là ĐCSTQ đang sử dụng quyền kiểm soát của mình.
“Khi [ông Tập] trấn áp ở Thượng Hải, những người bạn của tôi ở nước này nói, ‘anh có biết tại sao ông ta lại làm điều này không?’ Họ nói, ‘ở Trung Quốc thì Thượng Hải chính là thành phố tư bản, tự do giống với phương Tây nhất, chỉ sau Hồng Kông.’”
Nhưng ông Pelson đáp lại họ: “Đây là ông Tập đang nói, ‘các vị phải nhớ ai mới là chủ nhân.’”
“Đó là sự phô trương quyền lực,” ông nói, và nói thêm rằng hành động đó cũng tương đương với việc “giết con ngỗng đẻ trứng vàng” khi xét đến vị thế của thành phố với tư cách là trung tâm tài chính của Trung Quốc đại lục.
Bản tin có sự đóng góp của Tiffany Meier, Lạc Á, and Ninh Hải Chung
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times