Tại sao Đài Loan lại quan trọng với tất cả chúng ta
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ McCarthy vào ngày 05/04 trước khi có chuyến công du tới Mỹ Latinh. Các quốc gia Âu Châu như Cộng hòa Czech, Lithuania, và Vương quốc Anh cũng đang tiếp tục tăng cường can dự chính trị vào hòn đảo độc lập này.
Đồng thời, chúng ta đang nhận được một tràng phát ngôn đậm chất hù dọa khác từ các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc và người đại diện phát ngôn của bộ ngoại giao đe dọa những người nào dám nói chuyện hoặc gặp mặt Tổng thống Thái.
Quân đội Trung Quốc đang tăng cường đe dọa quân sự xung quanh Đài Loan. Và trong vũ khúc thay đổi công nhận ngoại giao này, Bắc Kinh đã thuyết phục được Honduras thay đổi, trong khi Tổng thống sắp mãn nhiệm của Micronesia David Panuelo lại đưa ra triển vọng quay trở lại công nhận Đài Loan.
Ngoài tất cả những chuyện này, điều quan trọng đối với việc tranh luận công khai của Úc là hiểu được rủi ro sẽ là gì nếu Bắc Kinh thành công trong việc cô lập Đài Loan, sử dụng sự kết hợp tuyên truyền và đe dọa quân sự để tạo điều kiện cho họ hành động mà không vướng phải sự phản kháng.
Một hậu quả dễ hiểu của sự cô lập tất nhiên sẽ khiến cho việc xâm lược Đài Loan có nhiều khả năng xảy ra hơn, với một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn là một hậu quả chắc chắn đáng lo ngại.
Điều này trở nên thực tế hơn vì động lực này mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã nỗ lực kiểm soát Đài Loan.
Và với ông Tập thì ở đây có một yếu tố cá nhân: việc đạt được mục tiêu lịch sử này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong thời gian ông nắm quyền sẽ đưa ông vượt xa ông Mao Trạch Đông trong đền thờ các danh nhân của Đảng.
Một số nhà quan sát nói rằng Hoa Kỳ có ít lợi ích cốt lõi ở Đài Loan hơn Bắc Kinh, và vì vậy họ sẽ không tranh chấp hòn đảo này — họ cũng nói với chúng tôi rằng nếu Hoa Kỳ không có lợi ích cốt lõi ở đó, thì Úc và các đồng minh khác của Hoa Kỳ còn có ít hơn.
Thật không may, niềm tin này rất phù hợp với hai luận điểm chính trong luận điệu mà Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy: quyết tâm không ngừng của họ nhằm “hợp nhất” hòn đảo này với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết, và việc họ miêu tả sức mạnh của Hoa Kỳ là không đáng tin cậy hoặc yếu ớt.
Bốn lý do tại sao chúng ta phải bảo vệ Đài Loan
Vậy, tại sao Đài Loan là vấn đề an ninh và chính trị cốt lõi đối với Úc, cũng như đối với Hoa Kỳ và các đối tác như Nam Hàn và Nhật Bản?
Có bốn lý do chính: địa lý, số phận của 24 triệu người đang sinh sống trong một nền dân chủ, quyền kiểm soát các yếu tố nền tảng của thế giới kỹ thuật số của chúng ta, và cuối cùng là tác động chiến lược của việc Trung Quốc thắng cuộc xâm lược.
Về địa lý, bằng cách duy trì nằm ngoài sự kiểm soát của Bắc Kinh, vị trí chiến lược và quy mô của Đài Loan có ý nghĩa quan trọng. Điều này làm cho khả năng khai triển sức mạnh của quân đội Trung Quốc trở nên phức tạp và mang lại lợi thế cho các đối thủ tiềm năng của Bắc Kinh trong một cuộc xung đột.
Việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kiểm soát và sử dụng Đài Loan làm căn cứ sẽ làm suy yếu an ninh của Nhật Bản và Nam Hàn và giúp quân đội Trung Quốc chống lại sự tiếp cận và hợp tác của Hoa Kỳ với các đồng minh của nước này.
Điều này sẽ gây bất lợi cho các lợi ích an ninh của Úc và sự ổn định của Đông Bắc Á.
Nói một cách đơn giản về con người, thì Đài Loan là một hòn đảo có khoảng 23 triệu dân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò là một hình mẫu cho 1.4 tỷ người dân Trung Quốc đại lục rằng một hệ thống chính phủ dân chủ là khả thi đối với họ.
Nếu một nền dân chủ trên đảo với 23 triệu dân không đủ quan trọng để Hoa Kỳ, Úc, và các đối tác khác giúp bảo vệ, thì tại sao Úc lại có sự tin tưởng rằng các đồng minh và đối tác sẽ giúp bảo vệ Úc?
Nếu Bắc Kinh xâm lược Đài Loan thành công, thì việc không hành động của Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu sâu sắc quyền lực của Hoa Kỳ và cho thấy Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của họ — bao gồm cả Úc — không thể hành động cùng nhau để bảo vệ các lợi ích chung quan trọng khi đối diện với hành động của ĐCSTQ.
Đài Loan cũng là một nguồn cung cấp công nghệ cao quan trọng, bao gồm phần lớn năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.
Nếu bị Bắc Kinh kiểm soát, thì các lợi thế của Đài Loan sẽ nghiêng cán cân sức mạnh quân sự, công nghệ, và kinh tế theo hướng có lợi cho ĐCSTQ và thu hẹp các khoảng trống trải dài trong nền kinh tế Trung Quốc và năng lực công nghệ của nhà nước.
“Việc tách rời kỹ thuật số” sẽ tăng tốc, nhưng theo những cách không có lợi cho Úc hoặc các nền dân chủ tự do khác.
Ngoài ra, các nhà phân tích khẳng định rằng về mặt chiến lược thì Đài Loan không quan trọng đối với Hoa Kỳ cùng chiến lược và sức mạnh đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gợi nhớ một cách kỳ lạ đến những người mà hồi đầu những năm 2010 đã gạt bỏ tầm quan trọng của việc xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông “chỉ là một đống đá” hoặc là “các cọc tín hiệu.”
Tác động chiến lược của việc xây dựng đảo của Trung Quốc và phát triển các năng lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, kết hợp với phản ứng không hiệu quả từ các quốc gia khiếu nại, Úc, Hoa Kỳ, và các đối tác cùng chí hướng khác, đã làm gia tăng sức mạnh của Trung Quốc ở Bắc và Đông Nam Á. Đài Loan là một vùng thổ nhưỡng quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ loại đá nào trong số này.
Đã đến lúc ngừng bị phân tâm
Khi chúng ta chứng kiến Đài Loan thực hiện các hành động mới để tiếp cận tới các đối tác trong khu vực của chúng ta và châu Âu, kèm theo là các mối đe dọa từ Bắc Kinh, sẽ hợp lý khi nghĩ về những gì mà các chính trị gia và quan chức Úc có thể làm để giúp ngăn chặn ĐCSTQ cô lập chính trị và làm mất tinh thần của Đài Loan và người dân của hòn đảo này.
Điều quan trọng là phải đưa ra tín hiệu về mối quan tâm rõ ràng của Úc đối với tình trạng của Đài Loan rằng [hiện trạng đó] sẽ không bị thay đổi bởi vũ lực — như chính phủ của chúng ta đã làm.
Nhưng điều quan trọng không kém là vận dụng các chiến lược và kế hoạch răn đe cùng với các đối tác của mình, trong khi tăng cường sự tham gia về chính trị, kinh tế, và giao tiếp giữa người với người với nền dân chủ sôi động, có cùng chí hướng của Đài Loan và người dân của nước này.
Cuộc tranh luận công khai của Úc lặp đi lặp lại một cách thiếu óc phê phán các giọng điệu của Bắc Kinh hoặc là đi chệch sang hướng liệu tiếng nói trong nước có đơn giản là đang tạo ra sự lo lắng hay không đã chiếm thời gian để Úc tìm hiểu những gì đang thực sự bị đe dọa — và những gì có thể làm để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực đối với người dân Đài Loan.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times