Ông Tập Cận Bình bảo đảm sẽ có được nhiệm kỳ thứ ba sau khi hai quan chức cao cấp rút khỏi ban lãnh đạo
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ bảo đảm cho một nhiệm kỳ năm năm thứ ba và cầm quyền ở Trung Quốc ít nhất cho đến năm 2028, sau khi hai quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có tên trong ban lãnh đạo mới của nhà cầm quyền cộng sản này.
Hôm 22/10, Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một sự kiện mỗi thập niên tổ chức hai lần, đã bế mạc với sự thay đổi trong một nhóm các quan chức Trung Quốc mới thuộc Ủy ban Trung ương của nhà cầm quyền, một cơ quan gồm hơn 200 thành viên gồm những thành phần tinh anh trong Đảng.
Những người trong Ủy ban Trung ương có thể đảm nhận các chức vụ trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, và một số người sẽ được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên, cơ quan ra quyết định cao nhất của nhà cầm quyền cộng sản.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập, hiện 69 tuổi, nằm trong số những người được bầu vào Ủy ban Trung ương mới.
Hai người không có tên trong danh sách các thành viên ủy ban mới này là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang), 67 tuổi, người đứng thứ hai trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ, và ông Uông Dương (Wang Yang), 67 tuổi, người đứng đầu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn chính trị.
Ngoài ra Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng), 68 tuổi, và ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), 72 tuổi, Chủ tịch Đại hội Nhân dân Toàn quốc của nhà cầm quyền này, cũng đã không có tên trong danh sách.
Cả bốn nhân vật nói trên đều là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, hiện do ông Tập đứng đầu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc
Việc ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương rút lui sớm là điều bất thường vì cả hai đều chưa đến tuổi về hưu bất thành văn của Đảng là 68.
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng sự ra đi của ông Lý và ông Uông có thể được xem là một chiến thắng chính trị của ông Tập, vì cả hai người này được xem là thành viên của một phe chính trị đối lập được biết đến là nhóm “Đoàn phái” hoặc phe phái xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Theo ông Lý Lâm Nhất, nói cách khác, ông Tập đã củng cố quyền lực của mình lên một nấc thang chưa từng có trong Đảng.
Đối với các trường hợp của ông Hàn Chính và ông Lật Chiến Thư, ông Lý Lâm Nhất cho biết đó là điều dễ đoán vì họ đã đến tuổi về hưu.
Với bốn vị trí bỏ trống trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lý Lâm Nhất nói rằng ông Tập đang ở vị thế có thể bổ nhiệm các đồng minh chính trị của mình vào những chức vụ này.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, dự kiến hôm 23/10, Trung Quốc sẽ công bố ban lãnh đạo mới hoặc các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị sau một cuộc họp toàn thể.
Ông Lý Lâm Nhất đã nói thêm rằng thay vì tập trung vào ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, thì nên chuyển sự chú ý sang ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), người được xem là một thành viên của nhóm “Đoàn phái,” rằng liệu ông có thể đảm nhận một vị trí trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị kế tiếp sau khi được bầu vào Ủy ban Trung ương hôm thứ Bảy (22/10) hay không.
Ông Hồ Xuân Hoa hiện là Ủy viên Bộ Chính trị và là một trong những Phó Thủ tướng của Trung Quốc.
‘Nhiều vụ vi phạm nhân quyền hơn’
Bàn về tương lai của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo năm năm sắp tới của ông Tập, các nhóm nhân quyền đã đưa ra những cảnh báo trước ngày bế mạc Đại hội Đảng.
Hôm 21/10, Tổ chức Phóng viên Xuyên Biên giới (Reporters Without Borders, RSF) đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào quyền tự do báo chí.
Ông Cédric Alviani, người đứng đầu Văn phòng Đông Á của RSF, cho biết trong một tuyên bố: “Việc ông Tập Cận Bình mở rộng quyền lực, nếu được xác nhận, sẽ gây nhiễu loạn tin tức về quyền tự do báo chí bởi vì điều đó sẽ cho phép nhà lãnh đạo Trung Quốc này tiến hành cuộc thập tự chinh chống lại báo chí mà ông đã đề ra cách đây 10 năm.”
Nhóm này cho biết ông Tập đang theo đuổi một “trật tự truyền thông thế giới mới,” trong đó báo chí đang được sử dụng để phổ biến tuyên truyền của nhà nước, và 149 quốc gia trên thế giới đã bị “lây nhiễm bởi mô hình truyền thông hết sức hủ bại của Trung Quốc” thông qua chính sách ngoại giao Vành đai và Con đường của nhà cầm quyền này.
Do đó, ông Alviani đã kêu gọi các nền dân chủ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn cản lãnh đạo Trung Quốc phổ biến mô hình xã hội hủ bại dựa trên kiểm duyệt, tuyên truyền, và giám sát của ông ta.”
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 12/10, ông Michael J. Abramowitz, chủ tịch tổ chức Freedom House, đã cảnh báo tình hình nhân quyền của Trung Quốc sẽ xấu đi.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times