Nhà hoạt động Trung Quốc kể lại việc bị tra tấn, cưỡng bức dùng thuốc khi bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần
Trong cơn bĩ cực, có lẽ chết là con đường giải thoát duy nhất mà một nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc có thể làm để thoát khỏi cảnh bị tra tấn liên tục tại một bệnh viện tâm thần ở đại đô thị Thâm Quyến của Trung Quốc.
Anh Giới Lập Kiến (Jie Lijian) bị cảnh sát bắt nhập viện lần thứ ba vào năm 2018 khi anh mới 30 tuổi, một lần nữa phải chịu đựng đau khổ dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc chỉ vì anh đã kêu gọi trả tự do cho những công nhân và sinh viên bị bỏ tù, những người ủng hộ bảo vệ quyền lao động trong cộng đồng Gia Sĩ ở Quảng Đông.
Nhà hoạt động này đã bị giam giữ trong ba ngày, và sau khi bị tra tấn trong tù, đã được đưa đến một bệnh viện hiện đại ở Thâm Quyến có tên là Khang Ninh. Họ đã “buộc anh phải nhập viện và điều trị” trong 52 ngày. Anh mô tả đây là “trại tập trung khủng bố Auschwitz lớn nhất do Trung Quốc tạo dựng trong thế kỷ 21.”
Câu chuyện của anh đã được SafeGuard Defenders, một tổ chức nhân quyền, đưa tin.
Anh Giới, hiện đang sống lưu vong ở California, kể lại rằng hình thức tra tấn khủng khiếp nhất mà anh đã phải chịu đựng trong nhà tù tâm thần này là điều trị bằng liệu pháp sốc điện.
Sốc điện
Nhà bất đồng chính kiến trẻ tuổi này đã được điều trị sốc điện (ECT) ba lần mà không gây mê.
Anh hồi tưởng lại, “Khi họ bật nguồn điện lên, tôi ngỡ như mình chết rồi. Đầu não tôi dường như bị cố định lại, bị trói buộc bởi những sợi dây, và cổ tay, chân và cổ chân, bụng và cổ của tôi đều bị buộc cố định lại. Ngay sau khi điện truyền vào, cơ thể tôi xóc nảy lên, mắt trợn trừng.”
Trước khi thực hiện sốc điện, nhân viên đã trói anh lại bằng cách thắt đai quanh cổ, ngực, cánh tay, và chân anh. Anh càng ngọ nguậy phản kháng thì xiềng xích quanh anh càng siết chặt hơn. Họ còn nhét một miếng giẻ vào miệng anh để ngăn không cho anh cắn vào lưỡi.
Khi họ đặt hai điện cực, mỗi điện cực ở một phía bên đầu của anh, toàn thân anh sẽ xóc nảy ghê gớm. Anh thường xuyên rơi vào trạng thái hôn mê.
Mỗi lần sốc điện kéo dài một giờ — tất cả những ai phải chịu đựng liệu pháp này đều sẽ ngất xỉu. “Tôi không biết làm sao mà tôi vẫn sống được,” anh thốt lên.
Theo lời anh Giới, các nhân viên cũng bắt mọi người đến quan sát trải nghiệm đau đớn này như một phương pháp răn đe, hù dọa.
Nhà hoạt động này cũng bị ép uống từ bảy đến tám loại thuốc không rõ nguồn gốc mỗi ngày trong bệnh viện.
Anh Giới nói rằng các loại thuốc đó khiến anh thấy không khỏe, thỉnh thoảng đầu óc choáng váng, còn thị lực thì nhòe đi.
Anh kể lại rằng có khoảng 30 người ở chung một phòng bệnh, 80% trong số họ là những người thỉnh nguyện ôn hòa, các nhà bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công, và các tín đồ Cơ Đốc.
Anh nhớ lại rằng, phòng bệnh này đã nghĩ ra rất nhiều biện pháp để ngăn chặn những người bị giam giữ tự sát. Hầu hết các góc nhọn của bàn và ghế, cũng như các bề mặt cứng khác, đều được phủ một vật liệu bằng vải nhung mềm, giống như bọt biển. Không có ổ khóa trên cửa phòng tắm, để nhân viên luôn có thể ra vào, và không thể tiếp cận được các thiết bị chiếu sáng do trần nhà rất cao.
Anh nói, “Tôi thà chết còn hơn là tiếp tục sống ở đó. Không có cách nào để rời đi và lúc đó tôi thực sự không muốn sống nữa.”
Tìm cách tự sát
Trong cơn tuyệt vọng, nhà hoạt động này đã tìm cách kết liễu cuộc đời mình bằng cách đập vỡ nắp bồn cầu và cứa vào cổ tay bằng những mảnh sứ lởm chởm đầy răng cưa đó.
Nhưng nỗ lực của anh đã thất bại. Các nhân viên đã phát hiện thấy anh đang chảy máu, và vô cùng chấn động trước hành động của anh và để tránh bị liên lụy, họ đã thả anh Giới về nhưng lại đặt anh dưới sự quản thúc của công an.
Lo sợ bị đưa trở lại trại tập trung của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà bất đồng chính kiến này đã quyết tâm rời khỏi Trung Quốc.
Và ngay cả bây giờ, khi sống trong sự an toàn ở Hoa Kỳ, trải nghiệm kinh hoàng đó vẫn còn ám ảnh anh. Anh Giới tiếp tục gặp các vấn đề về sức khỏe, bao gồm đau đầu dữ dội và chứng run rẩy không kiểm soát.
Theo SafeGuard Defenders, tổ chức này có thông tin của 99 người bị giam cầm trong các khu điều trị tâm thần từ năm 2015-2021 tại 109 bệnh viện trên 21 tỉnh, thành phố hoặc khu vực ở Trung Quốc.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times