Freedom House: Các cuộc biểu tình cấp cơ sở xảy ra hàng ngày bên trong Trung Quốc
Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ Freedome House, ở Trung Quốc, dù cho nhà cầm quyền có dành ra nhiều năm để kiểm duyệt và duy trì ổn định xã hội, nhưng các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra hàng ngày, “trên đường phố, trong các cộng đồng dân cư, trên những tấm biểu ngữ, trên các bức tường, trên không gian mạng, dưới hình thức tập thể, lẫn cá nhân.”
Hôm 14/11, Freedom House đã công bố báo cáo mới nhất (pdf) có nhan đề Giám sát Bất đồng chính kiến ở Trung Quốc (China Dissent Monitor, CDM) từ cơ sở dữ liệu của họ.
CDM đã ghi chép lại tổng cộng 668 sự kiện bất đồng chính kiến được ghi nhận trên toàn quốc từ tháng 06 đến tháng 09/2022.
Bằng chứng về hành động đàn áp đã được quan sát thấy trong một phần tư tổng số sự kiện bất đồng chính kiến trong cơ sở dữ liệu CDM. Bạo lực là hình thức trả đũa thường xuyên nhất của cả tác nhân nhà nước lẫn phi nhà nước.
Nhiều hình thức bất đồng chính kiến
Dữ liệu CDM cho thấy sự đa dạng của các cuộc biểu tình ở Trung Quốc.
Rõ ràng là người dân đại lục tìm kiếm nhiều phương pháp khác nhau để phản đối những người đang nắm quyền — cả nhà nước lẫn phi nhà nước — vì quyền lợi của chính họ, từ những hành động phản kháng nhỏ của cá nhân cho đến các phương thức hành động tập thể khác nhau, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Trong khoảng thời gian bốn tháng, tối thiểu 8,775 người đã tham gia vào tổng cộng 636 sự kiện bất đồng chính kiến trực tiếp được liệt kê trong dữ liệu CDM.
Trong số tất cả các trường hợp được ghi chép lại, 214 vụ (32%) liên quan đến các dự án nhà ở bị trì hoãn, 110 vụ (17%) liên quan đến nợ lương và trợ cấp, và 106 vụ (16%) liên quan đến gian lận.
Mặc dù các dự án nhà ở bị đình trệ và sự bất bình của người lao động đã chiếm một nửa trong tổng số 668 sự kiện, dữ liệu này cũng bao gồm một loạt các vấn đề khác dẫn đến bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, chẳng hạn như gian lận, quyền đất đai, COVID-19, và bạo lực nhà nước.
Đánh giá từ cuộc khảo sát, Freedom House đã tweet, “Kể từ tháng Sáu, người dân đã biểu tình ở hầu hết các tỉnh và thành phố trực thuộc tỉnh.”
Nhiều hình thức đàn áp
Dữ liệu CDM cho thấy rằng đàn áp là hành động phổ biến.
Đặc biệt, các nhóm tín ngưỡng hiện chỉ chiếm 2% trong toàn bộ các sự kiện bất đồng chính kiến được ghi lại trong cơ sở dữ liệu CDM, nhưng họ phải chịu đến 6% đàn áp.
Báo cáo cho biết, “Điều này phần nào phản ánh mức độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động của các nhóm tín ngưỡng.”
Những hình thức đàn áp được ghi lại bao gồm tra tấn, hành quyết, phạt tiền, hạn chế di chuyển, thẩm vấn, trục xuất, giám sát, bắt giữ, giam giữ, cản trở, cùng nhiều hình thức khác.
Trong bài viết của mình về đàn áp, ông Kevin Slaten, trưởng dự án CDM, nói rằng đàn áp phổ biến không phải vì các hành động đó đe dọa trực tiếp đến nhà cầm quyền, mà vì Đảng “xem hành động phản đối tập thể và công khai đối với bất kỳ nhà chức trách nào là mối đe dọa tiềm ẩn — dù đó là các quan chức cấp thôn làng hay là một công ty quyền lực dính líu đến hành vi lừa đảo gian lận — đặc biệt là khi những người biểu tình có thể giành được một số nhượng bộ.”
Ông viết, “Đây là lý do tại sao ‘sự ổn định xã hội’ ăn sâu vào tất cả các cấp quản lý và khả năng thực thi chính sách này là một trong những thước đo hàng đầu được xem xét trong quá trình đề bạt công vụ viên của đảng.”
Ông Slaten nhấn mạnh rằng mục tiêu của nhà cầm quyền là “làm giảm khả năng tập hợp của người dân.”
Báo cáo nói rằng hầu hết các số liệu thống kê được nêu trong đó “có khả năng chưa miêu tả được đúng mức và sát sao về tình trạng bất đồng chính kiến,” do những hạn chế truyền thông dưới sự cai trị của chế độ độc tài và những rủi ro liên quan đến việc thu thập thông tin từ trong nước về các sự kiện bất đồng chính kiến và biểu tình.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times