Trung Quốc: Đi tìm nguyên nhân mẹ qua đời, con trai trở thành mục tiêu của công an
Một bức ảnh được phát hiện sau khi một phụ nữ Trung Quốc qua đời cho thấy nguyên nhân bà tử vong không đơn giản như công an tuyên bố, “tử vong do treo cổ tự sát.” Gia đình bà đang cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra với bà Cát nhưng đã bị công an sách nhiễu kể từ khi họ bắt đầu tìm kiếm câu trả lời.
Ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc đào thoát sang Hoa Kỳ đã tweet bức ảnh được tìm thấy sau khi bà Cát mất.
Khuôn mặt của bà bị bầm tím, sưng tấy, và người bê bết máu, nhưng công an cho rằng bà đã tự sát. Đó rõ ràng là một “hành vi phạm pháp và bao che cho tội ác của công an,” ông Trần đã tweet hôm 12/12.
Người phụ nữ đã quá cố này tên là Cát Sinh Vinh (Ge Shengrong), 68 tuổi sống ở thị trấn Phí Thành, tỉnh Sơn Đông. Tình cờ bà lại là mẹ chồng của cô Trần Nghiên, cháu gái ruột của ông Trần Quang Thành.
Cô Nghiên nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, công an đã truy lùng chồng của cô Nghiên kể từ khi anh đề nghị điều tra nguyên nhân vì sao mẹ anh qua đời.
Công an đứng giữa hòa giải
Thi thể của bà Cát được tìm thấy vào sáng sớm ngày 24/08, treo cổ trên một cái cây nhỏ bên bờ sông phía đông của ngôi làng. Các nhân chứng cho biết có ba vũng máu trước cửa nhà hàng xóm họ Phòng và đầu của bà Cát rõ ràng có những dấu hiệu bị chấn thương.
Ngày hôm sau, nhà họ Phòng đã bỏ làng đi.
Theo cô Nghiên, trước khi qua đời, bà Cát và nhà bà Phòng có xảy ra cãi vã, sau đó hai bên đã gọi công an đến để hòa giải.
Hôm 10/05, bà Cát đi ngang qua nhà bà Phòng đúng lúc họ đang cãi cọ với một người dân làng khác. Bà Phòng bảo bà Cát nói vài câu phân xử, bà Cát nói, “Khu vườn nhà bà (ý nói của bà Phòng) chiếm hết cả đường đi rồi.” Nhà bà Phòng đáp trả bằng cách đánh bà Cát.
Cô Chu (hóa danh) một người từng chứng kiến vụ cãi vã đó nói với The Epoch Times hồi tháng Mười rằng người dân ở đây đồn rằng nhà họ Phòng nổi tiếng vì có người nhà làm quan chức, trong đó một người họ hàng là công an đã về hưu, còn một người khác làm việc tại tòa án.
Cô nói, “Từ những kẻ côn đồ địa phương, đến tòa án, và công an, nhà họ hội tụ toàn bộ các thành phần ấy.”
Cô Chu kể lại rằng, trong lúc đánh đập, nhà bà Phòng đã đe dọa bà Cát rằng họ sẽ sát hại bà. Người vợ nói: “Sát hại vài người cũng chẳng sao, chúng tôi có ‘quen biết’ mà.”
Sau vụ đánh đập này, giấy khám bệnh của bác sĩ hôm 30/05 cho biết bà Cát bị thương nhẹ, bao gồm trầy xước da mặt (má trái, môi, và má phải), và các vết dập mô mềm ở bụng và chi dưới bên trái.
Sau đó, công an đã bốn lần gọi bà Cát đến đồn công an để hòa giải với nhà bà Phòng. Lần cuối cùng là vào tối ngày 22/08, một ngày trước khi bà tử vong.
Điều duy nhất bà ấy nói sau khi rời đồn công an hôm 22/08 là: “Chẳng hiểu vì cớ gì mà tôi lại bị đánh nữa, thôi đi về.” Theo cô Nghiên, bà Cát buộc phải đồng ý hòa giải dù bà muốn công an giải quyết sự tình theo pháp luật.
Bà Cát nói với con dâu tên Nghiên của mình rằng, “Trưởng đồn công an nói nếu mẹ không đồng ý giảng hòa, thì mẹ sẽ phải ở lại đồn công an trong hai ngày, và sau đó ngày nào họ cũng gọi mẹ tới … Nhà bà Phòng còn mạnh miệng nói sẽ sát hại mẹ.” Cô Nghiên nhớ lại lời bà Cát nói rằng bà lo cho hai đứa cháu của mình.
Cô Nghiên cho biết bà Cát đã đồng ý giảng hòa vì sợ hãi.
Biên bản khám nghiệm tử thi từ phía công an
Con trai của bà Cát, anh Ming Jing, chỉ nhìn thấy thi thể của mẹ mình sau khi [công an] khám nghiệm tử thi xong.
Anh Ming Jing nói: “Tôi chỉ nhìn thấy khuôn mặt của mẹ tôi, đôi mắt thâm tím [bị bầm tím], khuôn mặt sưng tấy.” Mẫu giám định pháp y chỉ cho biết, “Hành động treo cổ khớp với với nguyên nhân tử vong.” Mãi đến ngày 05/10, công an mới đưa ra biên bản báo cáo này, sau khi anh Ming Jing nằng nặc đòi họ phải cung cấp tài liệu chính thức.
Anh chỉ ra rằng gia đình không thể chấp nhận kết luận đơn giản từ giám định pháp y.
Bác sĩ Liu Qishun, một bác sĩ từng hành nghề tại Quảng Châu, nói với The Epoch Times hôm 13/10 rằng một biên bản giám định pháp y không đơn giản là một kết luận, mà là một biên bản có đầy đủ thông tin chi tiết, chẳng hạn như mô tả các bộ phận của cơ thể được quan sát, giám định, và giải phẫu.
Ông Li Hengzhen, một chuyên gia tâm lý học, không tin là bà Cát đã tự sát dựa trên bức ảnh được phát hiện sau khi qua đời của bà. Ông nói, “Tôi không tin là bà ấy treo cổ tự tử. Một người phụ nữ thường tự sát một cách đàng hoàng; vấn đề ở đây là khuôn mặt. Có một số người thậm chí còn trang điểm. Ngay cả khi bà ấy muốn khiến bên kia phải kinh hãi, thì bà ấy cũng không cần phải tự làm tổn thương mình như thế này.”
Ông Trần Quang Thành nghi ngờ công an đang bao che cho một tội ác, dựa trên thực tế là họ không có hồ sơ hoặc hình ảnh về hiện trường nơi thi thể của bà Cát được tìm thấy. Ông nói, “Tôi sẽ không loại trừ khả năng bên công an cố tình xóa dấu vết hiện trường và thủ tiêu bằng chứng.”
Sự sách nhiễu của công an
Sự qua đời của bà Cát khiến người dân trong làng không khỏi hoang mang. Mấy nhà hàng xóm xung quanh đã rục rịch lắp camera giám sát trước cửa nhà. Xưởng của anh Ming Jing cũng đã không làm ăn được gì trong mấy tháng nay. Anh Ming Jing cho biết, các công nhân kêu than rằng họ không chấp nhận được chuyện này, và rời khỏi xưởng.
Công an vẫn đang theo dõi anh Ming Jing mọi lúc mọi nơi. Hồi tháng Chín, nhà chức trách địa phương theo anh đến tận Bắc Kinh. Hồi tháng Mười, khi anh đến một tỉnh lân cận để mua vải cho xưởng của mình, thẻ ID của anh đã phát tín hiệu cảnh báo khi anh nhận phòng khách sạn. Ngay cả điện thoại của anh ấy cũng bị gắn thẻ. “Tôi không thể sử dụng thẻ ID của mình, và tôi phải tắt điện thoại di động của mình,” anh nói.
Cô Nghiên cho biết gia đình vẫn chưa chôn cất mẹ chồng cô. Hồi cuối tháng Mười Một, cô đã viết một bức thư ngỏ cho bí thư tỉnh ủy và yêu cầu điều tra; cô cũng đã gửi một tin nhắn cho huyện trưởng hồi giữa tháng Chín. Thế nhưng, một lời hồi âm cũng không có.
The Epoch Times đã gọi điện và gửi thư điện tử cho Bí thư thị ủy của thị trấn này, trưởng đồn công an địa phương, và nhà bà Phòng để hỏi về vụ án và biên bản khám nghiệm tử thi, nhưng không bên nào hồi đáp.
Hoạt động mờ ám của công an vùng nông thôn
Luật sư Trần Quang Thành nói rằng việc trưởng đồn công an đứng về một phía và đe dọa bà Cát là điều không thể chấp nhận được.
Các đồn công an ở nông thôn vẫn đang hoạt động theo một kiểu thổ phỉ trong nhiều thập niên dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc; trong mắt họ, “không có luật nào hết,” ông nói.
Ông giải thích rằng sự quen biết của nhà bà Phòng với cơ quan công an là một hiện tượng điển hình khi xảy ra bất công ở nông thôn.
Lấy một vụ án sát nhân năm 2018 ở Thiểm Tây làm ví dụ. Hung thủ Trương Khấu Khấu (Zhang Koukou) đã tự ra đầu thú sau khi sát hại ba người đàn ông có liên quan đến cái chết của mẹ mình cách đây hai mươi năm trước. Vụ án này đã gây chấn động cả nước và rất nhiều người đã bênh vực cho kẻ sát nhân này. Mẹ của anh này đã bị sát hại nhưng mối liên hệ với chính quyền đã giúp hung thủ sát nhân này thoát tội chỉ với bản án ba năm tù.
Ông Trần giải thích những điểm tương đồng giữa trường hợp của Trương Khấu Khấu và trường hợp của bà Cát. “Mạng người rất quý giá, đâu phải chuyện tầm thường. Mọi người xem nhẹ chuyện này bởi vì nó xảy ra ở các vùng nông thôn cấp cơ sở nhất. Đã có quá nhiều trường hợp như thế. Họ không được lắng nghe vì tầng lớp xã hội của họ thấp.”
Ông nói rằng công an không nên vội vàng kết luận. Từ góc độ điều tra của cơ quan công an hay giám định pháp y, người ta rất dễ xác định nguyên nhân tử vong. Vấn đề là công an từ chối tiến hành điều tra.
Về việc người con trai đến Bắc Kinh và bị công an theo dõi, ông Trần nói rằng đó là bản chất đàn áp của chính quyền — họ sợ rằng anh ấy sẽ nộp đơn khiếu nại lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Ông Trần cho biết hành động này của quan chức cho thấy họ không cố gắng giải quyết vụ việc.
Sau khi phát hiện ra cô Nghiên đã trao đổi với ông Trần về trường hợp của mẹ chồng cô, chính quyền đã đe dọa cô: Cơ quan an ninh quốc gia đang điều tra cuộc trao đổi của cô Nghiên với ông Trần, và gọi ông Trần là “kẻ phản bội.”
Bản tin có sự đóng góp của Lý Tân An
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times