Với sự trợ giúp của phương Tây, cựu lãnh đạo Trung Cộng dẫn đại lục vào ‘kỷ nguyên kinh hoàng’
Trong suốt một năm rưỡi bị cầm tù tại một trại lao động ở Trung Quốc, anh Henry Yue đã bị tra tấn rất nhiều lần, nhưng việc bị chảy máu cam là ký ức mà đến giờ anh vẫn nhớ như in.
Trong khi quấn các cuộn dây đồng dùng trong máy thu hình, một phần công việc bắt buộc mà anh phải làm ngày này qua ngày khác, nhiều lúc máu cứ trào ra, để lại những mảng lớn đỏ thẫm trên bộ đồng phục tù nhân sọc xanh trắng của anh.
Lần đầu tiên điều này xảy ra, anh Yue đã ngẩng đầu lên và vỗ nhẹ vào trán trong khoảng một phút để cầm máu. Có nhiều máu đến nỗi ngay cả vào ngày thứ hai, anh đã ho ra máu.
Năm 2001, anh Yue đã thụ án tù giam ở một cơ sở thuộc thành phố Thiên Tân, miền đông Trung Quốc, như một sự trừng phạt vì thực hành các bài công pháp tĩnh tại của Pháp Luân Công trong một lớp “tẩy não”, một chương trình do nhà cầm quyền cộng sản quy định, và được thiết kế nhằm ép buộc các học viên của môn tu luyện này phải từ bỏ đức tin của mình.
Chàng trai trẻ tuổi có chuyên môn này không nghĩ rằng sức khỏe của mình lại sa sút đến mức như vậy. Lúc trước khi bị tống giam, anh chỉ mới ngoài 20 tuổi, thân thể còn vạm vỡ, tráng kiện. Nhưng mọi khía cạnh của cuộc sống trong tù đều tác động xấu lên sức khỏe của anh.
Anh bị bắt lao động khổ sai từ 16 đến 19 giờ mỗi ngày, thức ăn duy nhất là cơm mốc và rau ôi; anh phải tắm bằng nước lạnh ngay cả trong mùa đông lạnh giá; mỗi ngày anh đều báo cáo xem suy nghĩ của mình đã được “chuyển hóa” như thế nào — một cách nói giảm nói tránh mà chính quyền Trung Quốc dùng cho học viên nào từ bỏ đức tin của mình.
Những vị quản ngục sẽ gây đau đớn cho họ nếu có dấu hiệu bất tuân dù là nhỏ nhất, hoặc thậm chí không vì lý do gì cả. Một lần, anh chứng kiến một quản giáo cao cấp vô cớ lấy một chiếc ghế phang vào phần lưng bị gù của một tù nhân mạnh đến nỗi chiếc ghế này vỡ tan thành từng mảnh.
Trại lao động này đặt ra chỉ tiêu năng suất cao đến bất khả thi cho mỗi tù nhân, thường không có thời giờ để nghỉ ngơi. Anh Yue, một trong những người làm việc nhanh nhất ở đó, nhớ rằng có lần anh chỉ ngủ nửa tiếng để cố gắng hoàn thành chỉ tiêu của mình.
Để vượt qua, anh thường đếm ngược từng phút cho đến khi những thử thách này kết thúc. Nhưng, mọi chuyện chỉ hoàn toàn kết thúc sau khi anh phải làm việc cật lực như một nô lệ trong suốt 18 tháng cho những sản phẩm mà sau đó sẽ được đem bán ở Nam Hàn. Tuy nhiên, anh vẫn tự thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, có nhiều người bàn tay bị biến dạng, hoặc bị mất móng tay vì làm công việc này.
“Họ đối xử với chúng tôi như là với con vật vậy,” anh Yue, hiện đang sinh sống ở New York nói với The Epoch Times. Anh lấy dẫn chứng một mệnh lệnh khét tiếng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời Giang Trạch Dân, mà về căn bản đã trao quyền kiểm soát không giới hạn cho những kẻ tra tấn, tức là có thể sử dụng bất kỳ phương thức nào để khiến những học viên như anh từ bỏ đức tin của mình. Ông Giang đã khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 07/1999.
“Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể [của các học viên Pháp Luân Công]”, ông Giang đã nói khi bắt đầu cuộc đàn áp trên toàn quốc, tự huyễn rằng ông ta có thể “xóa sổ” Pháp Luân Công chỉ trong ba tháng. Mặc dù mục tiêu này không trở thành hiện thực, nhưng cuộc đàn áp đó đã biến khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên trong cộng đồng Pháp Luân Công thành mục tiêu của một chiến dịch xóa sổ vô độ, bao gồm nhưng không giới hạn về việc giam giữ, tra tấn, tước đoạt tài chính, tuyên truyền cừu hận, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Một ‘kỷ nguyên kinh hoàng’
Ông Giang từ trần hôm 30/11, hưởng thọ 96 tuổi, cùng với di sản của ông được mô tả là một trong những người vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.
Nhưng chừng nào bộ máy đàn áp mà ông Giang tạo ra vẫn còn hiệu lực, thì những câu chuyện thống khổ như câu chuyện của anh Yue và bầu không khí khủng bố bao trùm mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng trong 23 năm qua khó có thể chấm dứt.
Theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ đóng vai trò là trung tâm thu thập thông tin và ghi chép về cuộc bức hại này, từ tháng Chín đến tháng Mười, hơn 2,000 học viên đã bị sách nhiễu hoặc bắt giữ, trong đó có khoảng 150 người từ 80 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những con số đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong chiến dịch kéo dài hàng thập niên, vốn đã chứng kiến hàng triệu học viên bị giam giữ, và vô số người đã thiệt mạng vì bị tra tấn hoặc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại New York, nói với The Epoch Times: “Xét ở một góc độ nào đó thì đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên vô cùng khủng khiếp, và kinh hoàng.”
Với việc ông Giang, một kẻ chủ mưu đã kích khởi một băng đảng “mafia” gồm những trợ thủ đắc lực để thực hiện cuộc bức hại này, giờ đã qua đời, ông Browde hy vọng rằng bất kỳ ai “vẫn còn chút lương tâm” sẽ ngừng tiếp tay cho những hành động ngược đãi trên quy mô lớn này.
Hàng triệu người bị ảnh hưởng
Pháp Luân Công bao gồm các bài giảng đạo đức bắt nguồn từ các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, cùng với một bộ công pháp tĩnh tại. Môn tu luyện này đã ngày càng phổ biến ngay sau khi được hồng truyền vào năm 1992, được mọi người truyền tai nhau đến mức gần như cứ 13 người Trung Quốc thì có một người theo học. Nhiều người trong số đó cho biết sau khi tu luyện, cả tâm lẫn thân của họ đều được thọ ích.
Nhưng ông Giang Trạch Dân lại xem sự phát triển vượt bậc này là một mối đe dọa đối với quyền kiểm soát độc tài của ông ta nói riêng và của ĐCSTQ nói chung đối với đất nước.
Hồi tháng 06/1999, vị lãnh đạo đương thời này đã chỉ thị thành lập một lực lượng công an đặc nhiệm hoạt động ngoài vòng pháp luật được gọi là “Phòng 610”, với nhiệm vụ duy nhất là xóa sổ Pháp Luân Công. Một tháng sau, ông Giang đã phát động một chiến dịch bức hại trên quy mô toàn quốc. Một bên là công an tập hợp tiến hành bắt giữ, bên kia thì báo, đài, và các bảng yết thị công cộng reo rắc đầy rẫy tuyên truyền thù hận.
Đối với những người vẫn kiên định vào đức tin của mình thì tất cả mọi thứ — gia đình, sự nghiệp, và thậm chí cả sinh mạng — đều nằm trong tình thế nguy hiểm, mặc dù những học viên này lập luận rằng họ chỉ đang thực hiện các quyền căn bản của mình được ghi trong Hiến Pháp của Trung Quốc.
Khi còn trẻ, anh Yue có thu nhập khá giả khi làm ở vị trí quản lý cấp dưới tại một công ty liên doanh của Nhật Bản chuyên sản xuất quần áo trẻ em, với mức lương lên tới 1,000 nhân dân tệ (142 USD) một tháng. Mức thù lao này đã đưa anh vào danh sách những người có thu nhập cao nhất vào thời điểm đó tại thị trấn của anh ở Thiên Tân, một thành phố lớn ven biển ở phía bắc Trung Quốc.
Anh Yue đã bị tước mất khoản tiền mà anh đã dành dụm hồi tháng Mười năm đó sau khi anh đến Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô của đất nước để thỉnh nguyện mong các nhà chức trách hãy thay đổi quyết định về cuộc đàn áp.
Sau khi anh trở về Thiên Tân, công an địa phương đã bắt giữ và tra tấn anh bằng hai chiếc dùi cui điện trong suốt 40 phút. Họ chỉ dừng tay sau khi một người trong số họ vô tình bị điện giật và hét lên.
Đó là lúc anh Yue, người đã luôn xem lực lượng công an như những anh hùng giúp giữ an toàn cho người dân, chìm vào nỗi tuyệt vọng.
“Đối diện với một nhóm người chỉ muốn bản thân trở thành người tốt hơn nữa, mà họ vẫn có thể tàn nhẫn đến vậy,” anh nói. “Họ đang bức hại những người lương thiện dưới danh nghĩa quyền lực nhà nước.”
Phương Tây bật đèn xanh
Ông Browde, khi đó là một kỹ sư phần mềm ở New York, đã bắt đầu thực hành môn tu luyện tinh thần này vào mùa thu năm 1998 sau khi nhận thấy pháp môn này đã thay đổi người bạn thân và đồng sự của mình thành một người tử tế và ân cần hơn như thế nào. Chẳng mấy chốc, các bài tập chuyển động chậm rãi này đã thay thế thói quen tập thể hình kéo dài hàng giờ của ông vào mỗi buổi sáng.
Ông nói, môn tu luyện này đã chỉ ra cách cho phép một người “trở thành người mà họ muốn trở thành” trong một thế giới mà “những sự phức tạp khác nhau của bản chất con người thường lấn át chúng ta.”
“Tôi thấy điều đó rất tự do,” ông nói.
Không lâu sau cuộc bức hại, chính người bạn đã giới thiệu ông đến với môn tu luyện này đã phát hiện ra rằng mẹ ông ở Trung Quốc, cũng là một học viên, đã mất tích, một sự kiện khiến ông chú tâm hơn đến cuộc bức hại này.
Ông Browde và những người khác đã thành lập một nhóm nhỏ đi gõ cửa từng nhà để nói với người Mỹ về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Ông đã đi biểu tình trong một số chuyến công du ngoại quốc của ông Giang, ở Ukraine, Lithuania, và hai chuyến đi Hoa Kỳ vào năm 2000 và 2002.
Vào thời điểm đó, ông Browde cảm thấy như thể việc ông và những người khác đang nâng cao nhận thức về tình cảnh của Pháp Luân Công là hành động “lội ngược dòng,” ông nhớ lại.
Phương Tây, vừa chào đón Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mùa đông trước, đã “liều lĩnh” đưa đất nước cộng sản này lên vũ đài chính trị thế giới — ngay cả khi phải trả giá bằng các giá trị và nguyên tắc pháp lý của họ — và các quan chức Trung Quốc đã biết điều đó, ông Browde cho hay.
Ông đã nhớ lại một cuộc đụng độ với hai quan chức Trung Quốc hồi tháng 10/2002, trong một cuộc biểu tình trước cuộc gặp của ông Giang với Tổng thống đương thời George W. Bush ở Crawford, Texas. Ông Bush đã đưa ông Giang đi tham quan trang trại của mình, điều mà ông Browde mô tả là một “sự kiện quan hệ công chúng lớn cho ĐCSTQ trên trường quốc tế.”
Ông nói: “Điều này đang bình thường hóa ĐCSTQ khi cho thấy rằng họ ngang hàng với Hoa Kỳ, không chỉ về mặt chính trị và tài chính.”
“Vì vậy, chúng tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình là tận dụng mọi cơ hội có thể để bảo đảm rằng mọi người hiểu người sắp đến thăm tổng thống của chúng ta tại Texas này là một tên bạo chúa.”
Khi ông và hàng trăm học viên khác tập trung trên con đường dẫn đến trang trại, hai quan chức từ một chiếc xe của lãnh sự quán Trung Quốc bước ra và bắt đầu chụp ảnh những người tham gia. Khi các học viên phản đối, vì lo ngại về sự an toàn do những người tham gia đang có gia đình ở Trung Quốc, một trong những quan chức đã lấy một chiếc mũ cao bồi Stetson từ trong xe, đội lên, và khoanh tay đi về phía họ.
Thông điệp này, như ông Browde đã chứng kiến, là “ông không thể làm gì được tôi.”
“Đó là một trong những khoảnh khắc mà lần đầu tiên tôi nhận ra rằng các quan chức Trung Quốc đang thành công trong việc thực hiện những gì họ muốn ở đất nước chúng ta,” ông nói.
Thời thế thay đổi
Đó là hơn 20 năm trước, và thời thế đã thay đổi kể từ đó.
Hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đang bị lên án ngày càng nhiều ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
Trong khi đó, trong vài năm qua, các hành động đe dọa của chính quyền này đối với Đài Loan, việc bỏ tù hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, đàn áp Hồng Kông, và các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 khắc nghiệt đối với người dân Trung Quốc nói chung cũng đã gây ra phản ứng dữ dội ở Trung Quốc và ở hải ngoại.
Sau khi ông Giang qua đời, truyền thông nhà nước Trung Quốc tràn ngập những bài điếu văn ca tụng vị cựu lãnh đạo này. Trong một cáo phó chính thức, ĐCSTQ, không đề cập đến vụ việc cụ thể, đã công nhận ông Giang vì đã có lập trường cứng rắn trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, mà cuộc biểu tình này có mục đích là kêu gọi cải tổ chính trị.
Mặc dù điều này không gây ngạc nhiên cho các học viên Pháp Luân Công, nhưng lời khen ngợi từ một số hãng thông tấn phương Tây về những gì được cho là vai trò của ông Giang trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của đất nước thì có.
Theo anh Yue, những lời mô tả như vậy giống như đang ‘tẩy trắng’ cho một di sản đẫm máu của ông Giang.
Anh Yue cho biết, cựu lãnh đạo này không chỉ điều động toàn bộ lực lượng của nhà nước để nhằm vào một nhóm đông đảo người dân vô tội, mà sự cai trị của ông còn tạo ra nạn tham nhũng phổ biến hiện đang lan tràn khắp mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc.
Hồi năm 2015, anh Yue, người đã bị bắt gần chục lần, là một trong những người đầu tiên trong quận của anh dùng danh tính thật của mình đệ đơn kiện lên cơ quan pháp lý cao nhất của Trung Quốc yêu cầu đưa ông Giang ra trước công lý. Trong khoảng một năm rưỡi, số vụ kiện tương tự chống lại vị cựu lãnh đạo này về những thiệt hại phải gánh chịu do cuộc bức hại đã lên tới khoảng 210,000 vụ.
Khi ở trại lao động, anh Yue đã từng ước ông Giang phải trả giá bằng mạng sống, mặc dù tâm oán giận đó của anh từ lâu đã không còn nữa.
“Chúng tôi không có kẻ thù,” anh nói.
Tuy nhiên, anh Yue cảm thấy tiếc vì giờ đây anh sẽ không thể chứng kiến ông Giang ra tòa vì tội ác của ông ấy.
Anh cũng đặt câu hỏi liệu công chúng Trung Quốc có dành nhiều thiện cảm cho ông Giang hay không. Hồi năm 2011, tin đồn về việc ông Giang qua đời lan truyền ở Hồng Kông đã khiến một số người ở Trung Quốc mua pháo hoa để ăn mừng.
Anh Yue cho biết: “Đối với họ, đó là điều mà họ đã mong chờ từ lâu.”
Sự qua đời của ông Giang đã gây thêm những bất ổn chính trị cho Bắc Kinh khi nước này phải đối mặt với những thách thức cả trong và ngoài nước.
Ông Browde coi những cuộc biểu tình phản đối phong tỏa nổ ra gần đây trên khắp Trung Quốc là một phần của xu hướng trong đó ngày càng nhiều người Trung Quốc “minh bạch hơn” về lịch sử và các hành vi lạm dụng của chính quyền này.
Ông nói, nhận thức này đã tăng lên trong nhiều năm, một phần nhờ vào những nỗ lực cấp cơ sở của các học viên để nói với mọi người về cuộc bức hại.
Trong những năm gần đây, tổ chức của ông đã thu thập được thông tin về những hành động dũng cảm ở nhiều quy mô khác nhau, bao gồm cả những ngôi làng ký tên thỉnh nguyện bằng danh tính thật của mình để kêu gọi trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.
“Đó là điều chưa từng có — một nhóm người ký tên thật của mình vào đơn thỉnh nguyện và gửi tới chính quyền về một vấn đề mà ĐCSTQ xem là rất quan trọng như Pháp Luân Công,” ông cho biết.
“Vì vậy, nếu họ đủ dũng cảm để làm điều đó, thì họ cũng nên đủ dũng cảm để làm những việc khác, chẳng hạn như nói không với các đợt phong tỏa do COVID,” ông Browde cho biết thêm.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times