Đoạn ghi âm rò rỉ: Các trường đại học Trung Quốc sử dụng dữ liệu lớn để theo dõi sinh viên
Theo một đoạn ghi âm mà ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times thu thập được, một trường đại học Trung Quốc đã và đang đào tạo các nhà giáo dục giám sát sinh viên thông qua một hệ thống quản lý thông tin trong khuôn viên trường.
Theo đoạn ghi âm từ một buổi tập huấn năm 2019 về hệ thống quản lý thông tin, Khoa Triết học Marx thuộc Đại học Vũ Hán chịu trách nhiệm đào tạo cho các phụ đạo viên chính trị đến từ tất cả các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc về cách sử dụng hệ thống này.
Phụ đạo viên chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với các trường đại học Trung Quốc. Họ chịu trách nhiệm về việc nhồi sọ và giám sát tư tưởng chính trị của sinh viên, đặc biệt là hệ tư tưởng chính trị và tôn giáo của họ.
Ấn phẩm Hoa ngữ của The Epoch Times đã nhận được đoạn ghi âm này hồi tháng Bảy từ một nguồn đáng tin cậy, vốn yêu cầu ẩn danh vì sợ bị chính quyền trả đũa.
Theo lời của người đào tạo trong đoạn ghi âm nói trên, hệ thống quản lý thông tin này bao gồm một bộ cơ sở dữ liệu trực tuyến, một bộ cơ sở dữ liệu ngoại tuyến, và các thiết bị giám sát thời gian thực.
Việc giám sát bắt đầu khi sinh viên quét mã vạch trên thông báo nhập học của họ. Khi sinh viên đến trường, họ điền vào các biểu mẫu khác nhau, những thông tin này sẽ được bổ sung vào cơ sở dữ liệu của họ.
Thông tin cá nhân này được ghi lại trong hệ thống quản lý thông tin, bao gồm hồ sơ học bạ và kỷ luật, sách mượn thư viện, thức ăn ở căng tin, các cuộc trò chuyện với giáo viên, và những buổi vắng mặt ở lớp.
Nhân viên đào tạo này cho biết với dữ liệu thu thập được, ban giám hiệu nhà trường có thể “hiểu rõ từng cá nhân sinh viên và có thể quản lý toàn diện sinh viên, đặc biệt là ngăn chặn ‘hành vi bất thường’ của các em.”
Một hệ thống giám sát thời gian thực sẽ gửi tin nhắn đến các phụ đạo viên chính trị có liên quan vào lúc 10 giờ 30 phút tối và 7 giờ 30 phút sáng hàng ngày, thông báo cho họ những sinh viên tối qua chưa về lại ký túc xá và đề xướng các biện pháp kỷ luật.
Nhân viên đào tạo này thừa nhận vẫn còn “những kẽ hở” trong hệ thống thông tin đó. Ông lấy trường hợp của một sinh viên làm ví dụ.
Theo hệ thống thông tin, sinh viên này đã đi lang thang trong khuôn viên trường suốt cả đêm, sử dụng bộ định tuyến ở hai địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, sau đó phụ đạo viên chính trị của sinh viên này phát hiện tại thời điểm đó anh ta đã ở trong ký túc xá của mình, và đang xem World Cup. Người sinh viên đã liên tục thay đổi bộ định tuyến, vì ký túc xá của anh nằm ở giữa hai bộ định tuyến. Cứ bộ định tuyến nào có tín hiệu tốt hơn thì anh lại chọn kết nối để có thể thoải mái xem trận đấu. Vậy nên hệ thống đã báo cáo hành vi di chuyển bất thường của sinh viên này.
Nhân viên đào tạo cho biết sinh viên này rất thất vọng khi biết trường đại học đang theo dõi mình và muốn kiện nhà trường vì đã vi phạm quyền riêng tư của anh. Nhưng phụ đạo viên chính trị nói với sinh viên này rằng đừng xem đó là chuyện cá nhân vì trường đại học đang theo dõi hành vi của toàn bộ sinh viên và giám sát chặt chẽ “hành vi bất thường” vì “lý do an ninh”.
Nhân viên đào tạo cho biết hệ thống này cần cải thiện trong việc phát hiện các thiết bị và hỗ trợ pháp lý. Ông không đề cập đến những thiết bị phát hiện nào khác được sử dụng ngoài bộ định tuyến.
Tín ngưỡng tôn giáo bị giám sát
Theo nguồn tin, hệ thống thông tin này cũng ghi lại niềm tin tôn giáo của sinh viên.
Nhân viên đào tạo nói trong đoạn ghi âm, “Hiện nay các sinh viên phải cung cấp thông tin về niềm tin tôn giáo của họ trong hệ thống, phụ đạo viên chính trị sau đó có thể đến nói chuyện với sinh viên về đức tin của họ, chẳng hạn như từ khi nào họ tin vào môn đó và lý do tại sao họ lại chọn thực hành theo môn đó.”
Nhà cầm quyền Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa vô thần và đàn áp các tín ngưỡng tôn giáo chính thống. Họ “tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chính sách ‘Hán hóa tôn giáo’ của mình, đồng thời yêu cầu các nhóm tôn giáo và tín đồ ủng hộ sự cai trị và hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),” theo báo cáo thường niên năm 2022 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) trong. Báo cáo này cho biết ĐCSTQ đã áp đặt “những hạn chế sâu rộng hơn đối với các giáo sĩ, trường tôn giáo, và nội dung tôn giáo trên mạng internet.”
Người bất đồng chính kiến Trung Quốc: Hệ thống này là để giám sát sinh viên
Những Hoa kiều bất đồng chính kiến tin rằng ĐCSTQ đang siết chặt việc kiểm soát của mình đối với bộ phận sinh viên đại học thông qua hệ thống quản lý thông tin nói trên.
Một cựu giáo viên họ Bùi (hóa danh) nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng các trường khác, chẳng hạn như Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Đông Nam, hiện đang cung cấp khóa tập huấn về hệ thống giám sát này.
Bà Bùi, nguyên là cựu giảng viên tại một trường đại học ở miền bắc Trung Quốc, cho biết: “ĐCSTQ chưa từng nới lỏng sự kiểm soát của mình đối với sinh viên đại học ở Trung Quốc.”
Sinh viên đại học Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong các phong trào dân chủ của Trung Quốc, chẳng hạn như các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989. Sinh viên từ các trường đại học lớn đã tập trung tại quảng trường mang tính biểu tượng ở thủ đô, đòi dân chủ và yêu cầu cải tổ chính phủ. Quân đội vũ trang của ĐCSTQ đã đàn áp dã man cuộc kháng nghị ôn hòa ấy. Một bức điện tín mật của Anh cáo buộc rằng ít nhất 10,000 người đã bị thiệt mạng trong vụ thảm sát đó.
Bà Bùi nói rằng việc thu thập dữ liệu của học sinh là để giám sát. “Các em sinh viên, trong đó có sinh viên Đại học Vũ Hán, không biết rằng họ đang bị giám sát chặt chẽ như vậy.”
Bà cho biết thêm, dữ liệu này có thể giúp ban giám hiệu nhà trường phân tích và dự đoán hành vi của học sinh để họ có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Bà Bùi khuyên sinh viên và giáo viên Trung Quốc không nên sử dụng Wi-Fi công cộng của trường đại học nếu họ muốn lướt xem thông tin từ các trang web quốc tế, kể cả họ có dùng VPN (mạng riêng ảo) đi chăng nữa.
VPN ẩn địa chỉ IP công khai của người dùng khi kết nối với các trang web và dịch vụ có nền tảng web. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc sử dụng VPN để vượt tường lửa để truy cập vào thế giới kỹ thuật số bên ngoài.
Tuy nhiên, dữ liệu lớn của Trung Quốc có thể cho biết ai đang sử dụng VPN, kể cả thông tin tài khoản của họ, bà Bùi nói.
Anh Tần Kiệt (Qin Jie), một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy điện toán tại Đại học Vũ Hán, nói với ấn phẩm rằng chính quyền có thể giám sát sinh viên và giáo viên thông qua mạng thông tin trong khuôn viên trường. Anh nói rằng nội dung của tất cả các nhu liệu trò chuyện có thể được theo dõi thông qua máy chủ của trường.
Anh Tần cho hay, “Các nhà chức trách Đại học Vũ Hán sợ rằng các sinh viên có thể nổi dậy, vì vậy họ theo dõi chúng tôi rất nghiêm ngặt.”
Trước đây, anh đã cố gắng thành lập một nhóm ủng hộ dân chủ trên một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhưng tài khoản của anh đã bị cấm. Trường đại học cũng trừng phạt anh vì đã chỉ trích ban giám hiệu nhà trường. Anh Tần hiện sống lưu vong ở Đức.
Năm 2022, Hiệp hội Giáo dục Bậc cao Trung Quốc đã phát hành một báo cáo về phát triển công nghệ thông tin trong các trường đại học và cao đẳng Trung Quốc. Báo cáo này tuyên bố rằng công nghệ thông tin đã đạt được tiến bộ đáng kể trong thập niên qua và rằng “các khuôn viên trường học kỹ thuật số đã được thành lập để tích hợp không gian thực và không gian mạng.”
Bản tin có sự đóng góp của Lý Tân An
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times