Hàng trăm người tập trung tại Đại học California–Berkeley để tưởng niệm các nạn nhân của ĐCSTQ
BERKELEY, California — Hôm 28/11, hàng trăm người đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm tại Cổng Sather mang tính biểu tượng của Đại học California–Berkeley để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng khi bị phong tỏa trong một tòa nhà đang cháy ở Trung Quốc.
Những người tham dự buổi cầu nguyện cũng phản đối các chính sách phong tỏa cực đoan do đại dịch COVID-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà nhiều người đã cho là nguyên nhân của thảm kịch hỏa hoạn.
Cầm hoa, nến, biểu ngữ, và giấy trắng, những người biểu tình kêu gọi chấm dứt “chính sách zero COVID” ở Trung Quốc. Theo chính sách của ĐCSTQ, người dân đã bị nhốt một cách cưỡng bức trong nhà của họ.
“Cửa nhà bị khóa do chính sách zero COVID, điều này thật nực cười. Tôi nghĩ đó là tiếng nói từ địa ngục,” cư dân North California Emma nói với The Epoch Times.
Hôm 24/11, tại thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) của tỉnh Tân Cương, ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong một tòa nhà đang cháy trong lúc bị phong tỏa và chặn cửa vì COVID. Các nhân viên cứu trợ đã không thể tiếp cận đám cháy trong tòa chung cư này, khiến ngọn lửa cháy trong nhiều giờ, lấy đi sinh mạng của những người bên trong.
Những cái chết [thương tâm] kể trên đã dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng khắp Trung Quốc. Người dân ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang tổ chức các buổi cầu nguyện và biểu tình để thể hiện tinh thần hiệp trợ và ủng hộ người biểu tình ở Trung Quốc.
Cô Emma nói rằng khi xem video, cô đã không kìm được nước mắt và gặp ác mộng trong tuần qua.
“Không chỉ vì vụ hỏa hoạn này, tôi thấy có quá nhiều thảm kịch đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay,” cô Emma nói. “Chính quyền vẫn không tiết lộ cho công chúng biết có bao nhiêu người thực sự đã tử vong, không phải do COVID, mà là do chính sách zero COVID vô lý của họ.”
ĐCSTQ thường xuyên trấn áp bất kỳ dấu hiệu nào của việc công khai bất đồng chính kiến, theo đó đảng này cấm một số cụm từ và khẩu hiệu trên mạng xã hội. Đáp lại, công dân Trung Quốc hiện sử dụng các tờ giấy trắng như một dấu hiệu phản đối.
“Chúng ta nên ở đây để hỗ trợ những người biểu tình ở Trung Quốc,” cô Emma nói. “Họ gan dạ và can đảm hơn chúng tôi vì họ đang mạo hiểm cả mạng sống của mình để xuống đường hô khẩu hiệu và nói với chính phủ những gì họ muốn. … Chúng tôi có nghĩa vụ hỗ trợ những người đang biểu tình ở Trung Quốc. Chúng tôi muốn họ biết rằng họ không đơn độc; có những người lắng nghe họ; có những người ủng hộ họ.”
“Nếu chúng ta không đứng lên và làm điều gì đó, chúng ta có thể sẽ là người tiếp theo,” cựu sinh viên Đại học California–Berkeley Andrew nói với The Epoch Times.
Anh Andrew có các thành viên gia đình ở Trung Quốc đang bị đặt dưới phong tỏa. Anh cho biết ngay cả khi chỉ có một chút cơ hội để tiếng nói của anh được lắng nghe, anh cần cho mọi người biết rằng vẫn còn có những người đang cố gắng chống lại các chế độ khủng bố.
Anh cho biết lên tiếng là bước đầu tiên.
“Tôi nghĩ chúng tôi đang hướng tới một mục tiêu lớn hơn mà chúng tôi muốn đạt được,” anh nói.
Những người biểu tình ở Trung Quốc đại lục hiện đang phải đối mặt với sự đàn áp và bắt giữ. Các sĩ quan cảnh sát và đội đặc nhiệm SWAT đã được gửi đến các thành phố, trong đó có Thượng Hải và Ô Lỗ Mộc Tề.
Sinh viên họ Lưu của Đại học California–Berkeley nói bằng tiếng Quan Thoại rằng anh không còn sợ hãi nữa. Anh nói rằng họ phải ngăn ĐCSTQ vi phạm các quyền của họ, trước khi chẳng còn quyền nào để đấu tranh nữa.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times