Các nhà lập pháp toàn cầu bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình Trung Quốc
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ sẽ không từ bỏ các chính sách COVID hà khắc của mình bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ ở ít nhất 10 thành phố trên khắp Trung Quốc hồi cuối tuần qua.
Theo hãng thông tấn quốc gia Télam của Argentina, ông Trâu Tiểu Lệ (Zou Xiaoli), đại sứ của chính quyền Trung Quốc tại Argentina, nói với các phóng viên hôm 28/11 rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách linh động zero-COVID khi được hỏi về các cuộc biểu tình gần đây.
Những bình luận này được đưa ra khi các quan chức từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Trung Quốc.
Vị đại sứ này đã không đề cập trực tiếp đến các cuộc biểu tình khi trả lời câu hỏi, nhưng ông đã tán dương chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại sự lây lan của COVID-19, khi nói rằng việc chăm sóc người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Nhận xét của ông Trâu phần nào cho thấy tư tưởng của chính quyền Trung Quốc, khi kể từ ngày 28/11 các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã im lặng về các cuộc biểu tình hồi cuối tuần qua, đánh dấu sự thể hiện bất tuân dân sự lớn nhất mà các lãnh đạo Đảng ở Bắc Kinh chứng kiến trong nhiều thập niên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã trả lời ngắn gọn khi được hỏi về những cuộc biểu tình này trong một cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai (28/11), nói rằng “những gì quý vị đề cập không phản ánh những gì thực sự đã xảy ra” trước khi lập luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ lãnh đạo một cuộc chiến “thành công” chống lại COVID-19.
Tuy nhiên, tại thời điểm biên soạn bản tin này, các bình luận của ông vẫn chưa được đưa vào bản ghi cuộc họp được công bố trên trang web dành cho công chúng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Những cuộc biểu tình này nổ ra sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại một tòa nhà chung cư cao tầng khiến 10 người thiệt mạng ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), thủ phủ vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc, hôm 25/11. Các hạn chế COVID-19 tại địa phương đã ngăn người dân chạy thoát khỏi đám cháy và trì hoãn các nhân viên cứu trợ tiếp cận hiện trường.
Sự phẫn nộ trước việc lẽ ra những ca tử vong này đã có thể được ngăn chặn — kết hợp với sự thất vọng ngày càng tăng của công chúng đối với việc chế độ cộng sản liên tục xét nghiệm và phong tỏa kéo dài theo chính sách zero-COVID — đã dẫn đến các cuộc biểu tình.
Những người biểu tình đã sử dụng các cuộc tập hợp để kêu gọi các quyền tự do lớn hơn, trong khi một số người thậm chí còn yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức và ĐCSTQ chấm dứt quyền cai trị.
Ông Tập Cận Bình, người đã đạt được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là lãnh đạo ĐCSTQ, đã đưa ra tín hiệu hồi tháng trước trong một đại hội Đảng rằng sẽ không có sự nới lỏng ngay lập tức đối với chính sách zero-COVID của ông, tuyên bố rằng các quan chức của Đảng đã “bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân” trong nỗ lực của họ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tinh thần hiệp trợ
Các quan chức ở Hoa Kỳ và các nơi khác đã bày tỏ sự hiệp trợ với những người biểu tình ở Trung Quốc.
Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một nhóm các nhà lập pháp đa đảng quốc tế, cho biết trong một tuyên bố hôm 27/11 rằng các thành viên của họ “đồng lòng trong tinh thần hiệp trợ những người đã tham gia biểu tình ôn hòa” sau vụ hỏa hoạn ở Tân Cương.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc khét tiếng trong việc đàn áp các cuộc biểu tình và trừng phạt tàn nhẫn những người bất đồng chính kiến,” nhóm này viết. “Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với những người biểu tình quả cảm này, và chúng tôi sẽ thúc ép chính phủ của mình làm mọi thứ có thể để bảo vệ các quyền tự do căn bản của họ.”
Hôm 28/11, cảnh sát ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã chặn và khám xét người dân tại các địa điểm đã diễn ra các cuộc biểu tình trước đó, một dấu hiệu cho thấy chế độ cộng sản sẽ thực hiện các biện pháp khắc nghiệt để dập tắt bất kỳ cuộc biểu tình nào khác.
Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC), đứng đầu là Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), đang kêu gọi Bắc Kinh lắng nghe những người biểu tình.
“Người dân Trung Quốc có các quyền căn bản theo luật pháp quốc tế đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp. Chính phủ Trung Quốc có nghĩa vụ phải tôn trọng họ,” ủy ban này viết trên Twitter hôm 28/11. “Những người biểu tình ở Trung Quốc đang gửi đi những thông điệp rất quan trọng. Chính phủ Trung Quốc nên lắng nghe.”
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (28/11), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết “Tòa Bạch Ốc ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa” nhưng không trực tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với yêu cầu của người biểu tình về các quyền tự do lớn hơn ở Trung Quốc.
Trước đó cùng ngày, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia đã nhẹ nhàng chỉ trích chính sách giải quyết đại dịch của chính quyền Trung Quốc, khi nói rằng “Chúng tôi nghĩ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ rất khó có thể ngăn chặn loại virus này thông qua chiến lược zero-COVID của họ.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) và Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), các thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu trong CECC, đã đưa ra một tuyên bố chung hôm thứ Hai chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden.
“Chính sách ‘zero-Covid’ của ĐCSTQ là thái quá,” các nhà lập pháp viết. “Việc Chính phủ Tổng thống Biden phản đối một cách yếu ớt chính sách zero-Covid của ĐCSTQ và từ chối lên án sự kìm kẹp độc tài của Tổng Bí thư Tập hoàn toàn là sự hèn nhát.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times