Cuộc khủng hoảng COVID của Trung Quốc là một ‘bản cáo trạng khủng khiếp’ về sự lãnh đạo của Mỹ
Tiến sĩ Scott Atlas, cố vấn chính sách chăm sóc sức khỏe, cho biết nếu thế giới có thể học được một điều từ cuộc khủng hoảng COVID ở Trung Quốc, thì đó là “việc phong tỏa không hiệu quả.”
Ông Atlas, một cựu cố vấn đặc biệt về virus corona của Tòa Bạch Ốc và là người đóng góp cho The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, “Chúng ta thậm chí thực sự không biết mức độ thiệt hại đối với người dân của họ mà họ đã gây ra bằng cách phong tỏa nhưng chúng ta có nghe nói rằng đã có những tác hại to lớn đối với người dân — họ không thể có thực phẩm để ăn, họ không thể tự mua thuốc men để uống, người ta đã áp đặt một cách tiếp cận gần như thú tính và hoàn toàn không có văn minh.”
Trong gần ba năm, nhà cầm quyền Trung Quốc đã áp đặt một chiến lược zero COVID hà khắc, sử dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, cách ly tập trung, xét nghiệm hàng loạt, và giám sát khắp nơi để ngăn chặn sự lây lan của virus này, khiến nhiều cư dân bị tước đoạt các nhu cầu sống căn bản, và một số người thậm chí đã qua đời vì không được chăm sóc.
“Đây là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” ông Atlas nói.
“Tất cả các chính sách mà họ đã áp đặt lên người dân của họ,” ông nói, ám chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), “đều là một minh chứng về một trong những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất mà chúng ta từng thấy trong lịch sử hiện đại.”
‘Trái ngược với lẽ thường’
Sự đảo ngược chính sách này xảy ra mà không có một kế hoạch chuyển giao đi kèm với sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca bệnh đang nhanh chóng đẩy hệ thống y tế của đất nước này vào tình trạng bị quá tải.
Hôm 14/12, trong cuộc họp báo về sức khỏe toàn cầu, ông Mike Ryan, giám đốc đặc trách các tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới đã lưu ý rằng đợt bùng phát COVID-19 đang được chứng kiến ở Trung Quốc hiện tại không phải do việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID, mà tình trạng này đã bắt đầu từ rất lâu trước khi chính sách zero COVID được nới lỏng.
“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải nhận ra được điều đó,” ông nói, và cho biết thêm, “Căn bệnh này đang lây lan mạnh mẽ vì tôi tin rằng bản thân các biện pháp kiểm soát đã không ngăn được dịch bệnh, và tôi tin rằng chính quyền Trung Quốc đã đưa ra quyết định chiến lược rằng điều đó đối với họ không còn là lựa chọn tốt nhất nữa.”
Trái ngược với số ít ca tử vong mà các nhà chức trách đã báo cáo — 11 ca kể từ khi nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID hồi đầu tháng này — ngày càng có nhiều bằng chứng thực tế cho thấy virus này đang lây lan nhanh chóng ở các thành phố của Trung Quốc và số ca tử vong đang gia tăng. Các bệnh viện và nhà tang lễ đã chật kín, với lượng lớn thi thể tồn đọng đang chờ hỏa táng.
Ông Atlas cho biết những con số của Trung Quốc là “vô lý” khi nghĩ đến.
Ông nói: “Điều này hoàn toàn trái ngược với lẽ thường.”
“Chẳng có ai tin vào phương pháp đếm mà Trung Quốc đã báo cáo,” ông nói thêm, và lưu ý rằng để “giữ thể diện và biện minh cho các đợt phong tỏa có hại và liều lĩnh của họ,” chế độ này “nhất thiết phải nói rằng họ đã có ít người tử vong hơn.”
“Tôi không biết làm thế nào mọi người lại nghĩ rằng họ minh bạch về cách đếm của họ.”
Việc thiếu dữ liệu từ Trung Quốc đang gây lo ngại đến mức nó đã khiến Hoa Kỳ áp đặt một hạn chế du lịch mới yêu cầu xét nghiệm COVID bắt buộc đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Phong tỏa thành công chỉ là ‘ảo tưởng’
Ông Atlas nói rằng chính quyền này đã “nói dối về các con số” ngay từ đầu, đặt ra một vấn đề đáng lo ngại.
Vào tháng 01/2020, sau khi trấn áp các bác sĩ và ký giả tố giác, những người cố gắng lên tiếng cảnh báo về loại virus mới xuất hiện này, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phong tỏa các thành phố để đối phó với tình hình dịch COVID-19 đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi virus lây lan, phương pháp phong tỏa mà Bắc Kinh khẳng định là hiệu quả sau đó đã nhanh chóng được các quốc gia khác trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ, sao chép.
Ông Atlas, một nhà phê bình về việc phong tỏa từ thời đầu đại dịch, trước đây đã liệt kê những thiệt hại mà các chính sách như vậy gây ra cho dân chúng, từ mất khả năng học tập và tổn hại sức khỏe tâm thần cho đến sự gia tăng lạm dụng chất kích thích.
“Đã có niềm tin sai lầm cho rằng bằng cách nào đó Trung Quốc đã ‘đánh bại virus.’ Đây là một lời nói dối hoàn toàn vô lý — là ảo tưởng.”
Ông Atlas tin rằng đó là một lời nói dối mà các nhà hoạch định chính sách đã “nhắm mắt cho qua về góc độ khoa học”, và áp dụng mà không cần thắc mắc.
“Việc một xã hội như Trung Quốc áp đặt các chính sách hà khắc lên dân chúng là một điều thường thấy, bởi vì đó là điều mà các xã hội toàn trị vẫn hay làm,” ông nói. “Nhưng một điều còn nghiêm trọng hơn — thật bất thường khi các chính phủ được cho là ‘xã hội tự do’ lại cố gắng áp đặt những loại chính sách thế này lên dân chúng — và điều đáng buồn hơn nữa là sự chấp nhận của người dân đối với những chính sách như vậy.”
“Đó là một bản cáo trạng khủng khiếp đối với sự lãnh đạo của Mỹ khi bắt chước một xã hội toàn trị như Trung Quốc.”
Bên cạnh thực tế là việc phong tỏa không thể tiêu diệt được virus, ông Atlas nhận thấy hai điều mà thế giới chưa nắm bắt được về “các chính sách vô nhân đạo” của ĐCSTQ, đó là “sự thất bại thực sự trong các chính sách của họ và những tác hại to lớn đối với chính người dân của họ.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times