Nhật Bản: Du học sinh Trung Quốc biểu tình ủng hộ ‘cách mạng giấy trắng’
Người biểu tình yêu cầu chấm dứt các hạn chế COVID, kêu gọi ông Tập từ chức
Các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại Nhật Bản hồi tuần trước để thể hiện tình đoàn kết với “cuộc cách mạng giấy trắng” ở Trung Quốc đại lục — làn sóng biểu tình lớn nhất của Trung Quốc trong ba thập niên. Các cuộc biểu tình này tiếp nối một phản ứng trên toàn thế giới đối với các biện pháp COVID hà khắc của Trung Quốc, được kích khởi từ một vụ hỏa hoạn thảm khốc hồi cuối tháng Mười Một.
Hôm 24/11, vụ cháy tòa nhà chung cư khiến nhiều người thiệt mạng ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc, đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở hàng chục thành phố của Trung Quốc và tại các trường đại học trên cả nước.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin có 10 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề, nhưng các bản tin trên mạng xã hội lại cho rằng vụ việc này khiến ít nhất 44 nạn nhân thiệt mạng. Có thông tin cho rằng xe cứu hỏa đã bị rào chắn kiểm soát đại dịch chặn không tiếp cận được tòa nhà. Trong khi đó, các cửa ra vào trong tòa nhà được cho là bị chặn bằng các thanh sắt, khiến nhiều cư dân không có lối thoát.
Các cuộc biểu tình quần chúng, bày tỏ sự phẫn nộ trước thảm kịch này và phản đối các biện pháp zero COVID khắc nghiệt của Trung Quốc, đã nhanh chóng lan rộng ra hải ngoại và nhận được sự đoàn kết ở nhiều nơi trong cộng đồng quốc tế — trở thành thứ được nhiều người gọi là “cuộc cách mạng giấy trắng”.
Người biểu tình Trung Quốc giơ cao các tờ giấy trắng để phản đối trong khi hô vang các khẩu hiệu chính trị như “Đả đảo chế độ độc tài!” “Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hãy hạ đài!”
Những tờ giấy trắng xóa này đã được xem là một biểu tượng mạnh mẽ của sự bất mãn vốn không thể bày tỏ một cách công khai trong một quốc gia độc tài. Người biểu tình bắt đầu sử dụng giấy trắng trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông vào năm 2019, khi Trung Quốc cộng sản siết chặt kiểm soát thành phố này.
The Epoch Times đã phỏng vấn những người tham gia biểu tình ở Tokyo và Osaka. Nhiều người lên tiếng trong tình trạng ẩn danh vì sợ bị trả thù.
Người biểu tình ở Tokyo: ‘Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân’
Hôm 30/11, lúc 7 giờ tối — vào khoảng thời gian ngọn lửa chí tử này bùng phát ở Ô Lỗ Mộc Tề — các công dân và sinh viên Trung Quốc đã tập trung tại quảng trường công cộng phía trước Ga Shinjuku của Tokyo.
Như tại các cuộc biểu tình khác, khẩu hiệu phổ biến là “Chống độc tài, chống bạo quyền! Cho tôi quyền tự do không thì kết liễu tôi đi!”
Những người biểu tình hô vang: “Chúng tôi không muốn xét nghiệm COVID; chúng tôi muốn thức ăn!” “Chúng tôi không muốn những lời nói dối; chúng tôi muốn phẩm giá!” “Chúng tôi không cần các nhà lãnh đạo; chúng tôi cần phiếu bầu!” và “Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân!”
Hàng trăm người biểu tình, trong đó có nhiều du học sinh Trung Quốc, đã tham gia cuộc biểu tình này, giơ cao các tờ giấy trắng trong khi hô vang: “Trả tự do cho Trung Quốc!” Những người khác yêu cầu “nhân quyền, tự do bầu cử, và chủ nghĩa hợp hiến.”
Các nghệ sĩ vĩ cầm chơi các nhạc khúc trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ (Les Misérables), trong khi các biểu ngữ có nội dung “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại” được trưng bày.
Sinh viên Trung Quốc tại sự kiện này hầu hết đến từ các trường đại học địa phương của Nhật Bản, bao gồm Đại học Tokyo và Đại học Waseda.
Một số sinh viên cho biết sau khi tin tức về cuộc tụ tập này lan rộng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã cử nhân viên đến hai trường đại học nói trên để cố gắng ngăn chặn biểu tình, ngăn không cho một số sinh viên tham dự. Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình đã diễn ra, thu hút hàng trăm người.
Một du học sinh Trung Quốc nói với The Epoch Times, “Là một người Trung Quốc, tôi đã không thể bày tỏ cảm xúc thật của mình trong nhiều năm. Giờ đây cuối cùng thì tôi cũng có thể nói ra, và tôi rất vui.”
Cô Trương Miểu (Zhang Miao, hóa danh), người mới sang Nhật Bản du học, nói với The Epoch Times rằng “Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và trở ngại của việc ‘tự kiểm duyệt’ để đứng ở đây. Sự thương cảm và giận dữ trong lòng đã thúc giục tôi phải làm gì đó, phải nói gì đó … Hôm nay, rất nhiều người đã tập trung tại đây vì cùng một mục tiêu – đó là lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Các diễn giả tại cuộc biểu tình này, vốn do Hiệp hội Người Hồng Kông Nhật Bản tổ chức, đã kêu gọi cùng nhau thách thức ĐCSTQ.
Ông Wada Kenichiro nói với The Epoch Times rằng ông đến cuộc biểu tình để thương tiếc những người đã thiệt mạng do chính sách zero COVID của Trung Quốc.
Ông Kenichiro là một thành viên hội đồng thành phố ở Shiroishi, Quận Chiba, ngay phía đông Tokyo. Năm 2018, ông đã được quốc tế chú ý sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Hồng Kông vì ủng hộ một ứng cử viên lập pháp ủng hộ dân chủ ở đó.
Ông Kenichiro cho biết những người tham dự cuộc biểu tình này đã thể hiện lòng dũng cảm “để được tự do, được dân chủ, và từ tận đáy lòng tôi ngưỡng mộ điều đó.”
Người biểu tình Osaka: ‘Lịch sử sẽ chứng minh’
Lúc 7 giờ tối hôm 02/12, đám đông người Hoa lặng lẽ đứng gần Ga Nihonbashi của Khu Đại phản thị Osaka, cầm giấy trắng, hoa, và nến để tiếc thương những người đồng hương đã thiệt mạng trong trận hỏa hoạn tang thương.
Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở Osaka hôm 02 và 03/12.
Các cuộc biểu tình này đã nêu ra bốn yêu cầu: Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, áp dụng một hệ thống dân chủ, dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch, và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải từ chức.
“Lý do quan trọng nhất để tổ chức cuộc biểu tình này ở hải ngoại là để sinh viên Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc và rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ họ,” một trong những người điều hành sự kiện này, du học sinh Trung Quốc Wen Long (hóa danh) nói với The Epoch Times. “Chúng tôi cũng muốn cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng nói của chúng tôi khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc khao khát dân chủ và tự do.”
“Sẽ là một chiến thắng cho chúng tôi nếu chúng tôi để nhiều người nhận ra sự tà ác của ĐCSTQ; chỉ khi ĐCSTQ hoàn toàn giải thể thì Trung Quốc mới có thể có tương lai,” anh nói thêm.
Tại sự kiện này, một công dân Nhật Bản đã nhập tịch, cho biết tên ông là Sato, nói với The Epoch Times rằng: “Mọi người đang gánh chịu đau khổ ở Trung Quốc, và điều mà ĐCSTQ sợ nhất là những người không đồng tình với họ.”
Cô Wada, một giáo viên Anh ngữ người Nhật, cho biết cô vội vã đến cuộc biểu tình ngay sau giờ làm việc. Cô cho biết cô cảm thấy thương cảm cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn chí tử ở Ô Lỗ Mộc Tề nhưng lo lắng rằng các sinh viên biểu tình có thể trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.
Chiều hôm 03/12, du học sinh Trung Quốc tiếp tục cuộc biểu tình giấy trắng của họ tại công viên gần Lãnh sự quán Trung Quốc ở Osaka. Có hơn 200 sinh viên Trung Quốc và một số người dân địa phương có mặt tại sự kiện này.
Những người biểu tình hô vang những khẩu hiệu như “Tự do ngôn luận, tự do báo chí!” “ĐCSTQ, Hãy hạ đài!” “Tập Cận Bình, Hãy hạ đài!” “Chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo; chúng tôi muốn phiếu bầu!”
Ca khúc “Có Nghe Chăng Người Dân Tôi Hát?” từ vở nhạc kịch Những người khốn khổ được phát tại buổi biểu tình này. Bài hát đã trở thành bài quốc ca trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2019 ở Hồng Kông.
Các diễn giả tại sự kiện cũng lên án sự tàn bạo của ĐCSTQ.
Ông Lưu Kỳ (Liu Qi, hóa danh), một người cha có hai con, giận dữ nói: “Chính phủ Trung Quốc thậm chí không xin lỗi và tiếp tục nói dối cho nhiều tội ác đối với người dân! Đó là lý do tại sao tôi ở đây ngày hôm nay; Tôi không thể chịu nổi điều đó nữa!”
“Xảy ra cháy mà không có người đến cứu, lại bị chết cháy ở trong nhà, điều này khiến tôi thực sự lo sợ. Điều này xảy ra ở Trung Quốc,” anh Sun Hao (hóa danh), một du học sinh Trung Quốc 21 tuổi, nói với The Epoch Times. Anh Sun từ Thượng Hải đến Nhật Bản hai tháng trước.
“Nếu hôm nay chúng tôi không đứng lên tự cứu mình, thì có lẽ sẽ không có ai đến cứu chúng tôi. Tôi ủng hộ những người đang dũng cảm biểu tình ở Trung Quốc. Thay vì sợ hãi, thì tôi sẽ đứng lên bảo vệ bản thân và gia đình mình!”
Một sinh viên khác đến từ Thượng Hải, Zhen Ni, 29 tuổi (hóa danh), nói với The Epoch Times rằng cô đã chứng kiến sự qua đời của một người hàng xóm không thể đến bệnh viện vì các biện pháp phong tỏa. Cô Zhen cho biết cô đến cuộc biểu tình này để kêu gọi tự do và dân chủ ở Trung Quốc đại lục. Cô hy vọng bạn bè và người thân của mình ở Trung Quốc có thể sống cuộc sống bình thường.
“Cuộc cách mạng giấy trắng phải tiếp tục. Đây là một phong trào lịch sử. Lịch sử sẽ chứng minh,” cô Yang Di (hóa danh), đã đến Nhật Bản trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nói với The Epoch Times.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times