Làn sóng nghỉ việc tấn công ngành công nghệ thông tin của Trung Quốc
Ngành công nghệ thông tin của Trung Quốc đã chứng kiến một làn sóng nghỉ việc và sa thải kể từ năm ngoái (2022), ảnh hưởng đến việc kiểm duyệt trực tuyến của ĐCSTQ. Các cựu nhân viên tin rằng có các lý do chính trị và yếu tố kinh tế đằng sau làn sóng này.
Anh Lưu Giang (Liu Jiang, bí danh), một cựu nhân viên của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, gần đây nói với The Epoch Times rằng anh đã từ chức khỏi công ty ngay trước Tết Nguyên Đán (23/01/2023). Anh cho biết mình có liên quan đến vụ việc truy cập dữ liệu người dùng TikTok của hai ký giả người Mỹ, đồng thời cho biết thêm rằng công việc của anh tại công ty là xem xét dữ liệu và gán nhãn hành vi của người dùng.
Anh Lưu cho biết công việc của anh vô tình dính dáng đến tình huống này, và anh không muốn bị công chúng soi xét.
Theo Reuters, công ty mẹ Trung Quốc của TikTok, ByteDance, cho biết hôm 22/12/2022, rằng một số nhân viên đã truy cập trái phép dữ liệu người dùng TikTok của hai ký giả Mỹ vào mùa hè năm ngoái (2022) và không còn làm việc tại công ty nữa.
Năm 2021, ban lãnh đạo cao cấp của TikTok đã xác nhận rằng chính quyền Trung Quốc đã mua cổ phần của công ty mẹ ByteDance Bắc Kinh, sau đó cử một quan chức từ Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) lên làm giám đốc. Gần một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã cấm ứng dụng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc này khỏi các thiết bị của chính phủ tiểu bang do rủi ro bảo mật.
Theo luật tình báo quốc gia của chính quyền Trung Quốc, được thông qua vào năm 2017, tất cả các tổ chức và công dân Trung Quốc “phải ủng hộ, hỗ trợ, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia,” bao gồm việc cung cấp bất kỳ thông tin nào mà chính quyền yêu cầu vì “an ninh quốc gia” của chính quyền này.
Anh Lưu nói rằng nhiều nhân viên trẻ đã bị sa thải khỏi công ty dưới danh nghĩa tái cấu trúc, nhưng tất cả họ đều biết có những lý do chính trị liên quan.
ĐCSTQ đàn áp quyền tự do ngôn luận
Các công ty internet Trung Quốc từ lâu đã giúp nhà cầm quyền Trung Cộng đàn áp quyền tự do ngôn luận. Ngay trước Tết Nguyên Đán, Cục Quản lý Không gian mạng của ĐCSTQ đã ban hành một văn kiện hôm 18/01, yêu cầu tăng cường ngăn chặn các cuộc thảo luận công khai xung quanh sự bùng phát đột ngột trở lại trên quy mô lớn của COVID-19 trên mạng, với trọng tâm là kiểm soát việc người dân kể lại những gì họ chứng kiến từ các chuyến về thăm quê. Thế giới bên ngoài đã đặt câu hỏi liệu hành động này có phải là để che đậy sự thật về tình hình thực tế và số người tử vong vì COVID của Trung Quốc hay không.
Anh Thạch (Shi, bí danh) đến từ Lệ Thủy ở tỉnh Chiết Giang, người từng là chuyên viên đánh giá tại trụ sở chính của Baidu ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times hôm 28/01 rằng công việc của anh là theo dõi dữ liệu và giúp chính quyền xác định cũng như định vị những người dùng tự ý đăng tin nhắn thể hiện “những cảm xúc tiêu cực” và cái gọi là “mặt tối của xã hội” trên mạng.
Anh nói rằng một số kỹ thuật viên chủ chốt đã rời công ty, và sẽ mất một thời gian để thay thế họ. “Việc nhiều kỹ thuật viên xóa dữ liệu máy chủ ngay sau khi rời đi cũng là chuyện bình thường.”
Làn sóng thay thế nhân viên dường như đã ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm duyệt của ĐCSTQ vào dịp Tết Nguyên Đán.
Kinh tế Trung Quốc bất ổn
Theo chính sách “zero COVID” kéo dài trong ba năm của Trung Cộng, GDP của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm vào năm ngoái.
Anh Lưu cho rằng sự bất ổn kinh tế hiện nay là nguyên nhân sâu xa dẫn đến làn sóng nghỉ việc của nhân viên, khi nhiều công ty sa thải nhân viên. Không chỉ ByteDance mà các công ty khác cũng chứng kiến số lượng lớn nhân viên bị sa thải. Anh nói, “Tôi biết hàng chục công ty ở Bắc Kinh [đã cho nhân viên thôi việc].”
Phóng viên công dân về tài chính nổi tiếng của đại lục “Ranjiyuan” cho biết hôm 01/01 rằng “danh sách các công ty sa thải nhân viên vào năm 2022” lưu hành trên mạng cho thấy từ tháng 01 đến tháng 12/2022, các công ty công nghệ thông tin lớn như Kuaishou, Baidu, Didi, Tencent, JD.com, Alibaba, iQiyi, Zhihu, ByteDance, Xiaomi, và các công ty khác đều đã sa thải nhân viên.
Anh Lý Vĩ (Li Wei, bí danh), một nhân viên của Tencent, nói với Epoch Times: “Trong năm 2022, bộ phận của tôi đã cắt giảm 50% nhân sự và tôi cũng đã bị chuyển bộ phận hai lần.”
Báo cáo của Ranjiyuan đã đặt câu hỏi, “có công ty công nghệ thông tin nào mà không sa thải nhân viên không?” Câu nói này đã trở thành một câu châm biếm phổ biến trong ngành, vì các công ty công nghệ thông tin không sa thải nhân viên đã trở thành một điều hiếm thấy.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Triệu Lập
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times