Đức sẽ loại bỏ dần các thành phần 5G cốt lõi của Huawei và ZTE trong vòng 5 năm
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết: ‘Chúng tôi đang bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế Đức và các mạng thông tin liên lạc.’
Berlin sẽ cấm các thành phần quan trọng do các công ty công nghệ Trung Quốc Huawei và ZTE sản xuất khỏi mạng 5G của Đức theo hai bước trong vòng 5 năm tới, quan chức an ninh hàng đầu của quốc gia này cho biết hôm 11/07.
Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình giảm dần theo kế hoạch, các nhà khai thác sẽ loại bỏ công nghệ do Trung Quốc sản xuất khỏi mạng lưới các trung tâm dữ liệu 5G cốt lõi của nước này vào năm 2026.
Trong giai đoạn thứ hai, Đức sẽ loại bỏ việc sử dụng các bộ phận do Trung Quốc sản xuất như ăng-ten, đường truyền, và tháp vào năm 2029.
Thỏa thuận này theo sau các cuộc đàm phán giữa Bộ Nội vụ Đức và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn, gồm cả Deutsche Telekom, Vodafone, và Telefonica Deutschland, nhằm mục đích bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức khỏi chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Trong một tuyên bố hôm 11/07, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết: “Chúng tôi đang bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế Đức và các mạng liên lạc của người dân, doanh nghiệp, và chính phủ.”
“Chúng ta cần giảm thiểu rủi ro bảo mật và tránh những phụ thuộc một chiều như trước đây.”
Kế hoạch sửa đổi này được gia hạn so với đề xướng ban đầu của Bộ Nội vụ là vào tháng 09/2023.
Thiết bị của Huawei chiếm khoảng 50% số trạm di động ở Đức. Theo một báo cáo của Strand Consult, việc thay thế ngay lập tức sẽ tiêu tốn tới 2.5 tỷ EUR (2.72 tỷ USD).
Tháng 06/2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) chính thức xác định Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia vì có “mối quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và bộ máy quân sự của Trung Quốc” cũng như nghĩa vụ “hợp tác với các cơ quan tình báo của đất nước” của họ, ông Ajit Pai, chủ tịch đương thời của FCC, cho biết vào thời điểm đó.
Hoa Kỳ đã thuyết phục các đồng minh Âu Châu cấm thiết bị của Trung Quốc khỏi các mạng quan trọng vì lo ngại về an ninh, đồng thời tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể thao túng công nghệ này để nghe lén qua mạng hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng truyền thông.