Đức thay đổi chiến lược về Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang thay đổi hành vi
Nhà ngoại giao cho biết: “Hết sức rõ ràng là trọng tâm đã chuyển từ tập trung vào mối quan hệ đối tác và hợp tác sang cạnh tranh hơn và thậm chí là kình địch hơn.”
Theo một nhà ngoại giao hàng đầu của Đức, việc chính quyền Trung Quốc đang thay đổi hành vi đối với cộng đồng quốc tế đã buộc Đức phải xem xét lại chính sách về Trung Quốc của mình.
Trình bày trong một sự kiện chính sách đối ngoại tại Viện Hudson hôm 28/06, Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại Thomas Bagger, Ngoại trưởng Đức, cho biết quan điểm của Đức đối với Trung Quốc, dựa trên phương pháp ba phần—với tư cách là đối tác, đối thủ cạnh tranh, và đối thủ mang tính hệ thống—đã chuyển sang địch thủ.
Ông Bagger nói: “Hết sức rõ ràng là trọng tâm đã chuyển từ tập trung vào mối quan hệ đối tác và hợp tác sang cạnh tranh hơn và thậm chí là kình địch hơn.”
Ông Bagger lưu ý rằng Đức hiện đang thay đổi đường hướng đối với Trung Quốc, tập trung vào việc giảm rủi ro và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh, đặc biệt là sau đại dịch COVID. Việc này bao gồm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về thiết bị y tế, vật dụng y tế cơ bản, và nguyên liệu thô cho ngành công nghệ. Ông thừa nhận rằng việc tách rời Trung Quốc “sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế của chúng tôi.”
Ông Bagger cho biết Đức sẽ thẳng thắn với Bắc Kinh về hành vi đang thay đổi của nước này. “Cách tiếp cận của Trung Quốc với chúng tôi, với các nước láng giềng của họ, trên đấu trường quốc tế đã thay đổi theo cách buộc chúng tôi phải xem lại chính sách về Trung Quốc của mình. Đây là một sự đáp trả hành vi của các vị,” ông nói.
Năm ngoái, Đức công bố Chiến lược về Trung Quốc chưa từng có, đánh dấu sự thay đổi chiến lược của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Chiến lược đó đưa ra một khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác công bằng với Trung Quốc phù hợp với các giá trị và lợi ích của Đức.
Trong sự kiện này, ông Bagger lưu ý rằng không giống như Hoa Kỳ, vốn coi Trung Quốc là một thách thức địa chính trị, Đức có cách tiếp cận riêng với Trung Quốc.
“Chúng tôi không phải là chú chó xù săn vịt của nước Mỹ. Chúng tôi có thể đồng tình với người Mỹ về nhiều vấn đề trong số này, đặc biệt là về Biển Đông, cách hành xử của Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng không phải về mọi thứ,” ông cho biết.
Ông Bagger cũng cảnh báo việc chính quyền Trung Quốc trợ giúp các nỗ lực quân sự của Nga trong cuộc chiến với Ukraine sẽ làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Đức và châu Âu, đồng thời có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Bắc Kinh.
Ông nói: “Nếu và khi Trung Quốc tiếp tục xâm phạm lợi ích cốt lõi của châu Âu về an ninh trên lục địa Âu Châu, thì việc này sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá ngày càng nhiều.”
“Nếu các các vị tiếp tục ủng hộ nỗ lực chiến tranh với Ukraine của Nga, thì điều đó cũng sẽ gây hậu quả cho mối quan hệ song phương của chúng ta và mối quan hệ châu Âu-Trung Quốc.”
Đối tác thương mại phức tạp
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức kể từ năm 2015. Tuy nhiên, trong quý một năm nay, Hoa Kỳ đã thay thế Trung Quốc ở vị trí dẫn đầu. Dữ liệu cho thấy từ tháng Một đến tháng Ba, thương mại của Đức với Hoa Kỳ—xuất cảng và nhập cảng cộng lại—đạt tổng trị giá 63 tỷ EUR (68 tỷ USD), trong khi con số của Trung Quốc chỉ dưới 60 tỷ EUR.
Năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong năm thứ tám liên tiếp, với khối lượng đạt 253 tỷ EUR (27 tỷ USD), mặc dù con số này chỉ cao hơn Hoa Kỳ vài trăm triệu.
Hôm 12/06, Liên minh Âu Châu tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 38.1% đối với xe điện (EV) Trung Quốc nhập cảng bắt đầu từ tháng Bảy sau một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng. Khối này cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp không công bằng. Hành động này diễn ra sau khi Hoa Thịnh Đốn quyết định tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc từ 25% lên 100% hồi tháng trước.
Tuy nhiên, Đức phản đối việc tăng thuế của EU, vì các nhà sản xuất xe hơi lớn của nước này như BMW, Mercedes-Benz, và Volkswagen, lo ngại họ có thể bị ảnh hưởng bởi mức thuế trả đũa của Trung Quốc. Những công ty này có nhà máy sản xuất xe hơi lớn ở Trung Quốc được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế và chính sách trợ cấp của Bắc Kinh.
Trong khi đó, niềm tin kinh doanh của các công ty Âu Châu tại Trung Quốc đã giảm kể kể từ năm ngoái, theo một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc trong báo cáo “Khảo sát Niềm tin Kinh doanh của Doanh nghiệp Âu Châu tại Trung Quốc năm 2024.” 68% các công ty, một mức cao kỷ lục, báo cáo rằng hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Cuộc khảo sát cho thấy các công ty Âu Châu tại Trung Quốc đang gặp phải những bất ổn thay vì có được sự phục hồi mạnh mẽ như mong đợi. Báo cáo đó nêu rõ các vấn đề mang tính cấu trúc của Trung Quốc—chẳng hạn như nhu cầu chậm lại, tình trạng dư thừa công suất ngày càng tăng, và sự suy thoái đang diễn ra trong lĩnh vực địa ốc—cũng như các rào cản về tiếp cận thị trường và rào cản quy định, tiếp tục tác động đến các công ty của châu Âu.