Ông Tập Cận Bình nắm chắc vị trí lãnh đạo ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ còn nắm quyền trong năm năm nữa, kéo dài thời gian cầm quyền 10 năm cho đến ít nhất là năm 2028.
Ông Tập, 69 tuổi, sẽ là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, phá vỡ tiêu chuẩn hai nhiệm kỳ do những người tiền nhiệm đặt ra.
Hôm 23/10, chính quyền Trung Quốc đã công bố ban lãnh đạo mới của họ, đưa ông Tập và sáu quan chức khác của Đảng vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của chính quyền cộng sản này.
Đứng thứ hai trong thứ tự hàng ngũ của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị là ông Lý Cường (Li Qiang), 63 tuổi, hiện là bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông Lý dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Thủ tướng của chính quyền Trung Quốc vào tháng Ba năm sau, thay thế Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang).
Ông Lý Cường là một đồng minh thân cận của ông Tập. Từ năm 2004 đến năm 2007, ông Lý Cường chịu trách nhiệm trực tiếp trước ông Tập với tư cách là chánh văn phòng Tỉnh Ủy Chiết Giang. Với việc ông Tập làm lãnh đạo ĐCSTQ, ông Lý Cường đã được thăng chức làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải vào năm 2017, nơi ông đã áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 khắc nghiệt trong thời gian bùng phát vào đầu năm nay.
Đứng thứ ba trong hàng ngũ Đảng là ông Triệu Nhạc Tế (Zhao Leji), 65 tuổi, hiện là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng của chính quyền này.
Tiếp theo là ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), 67 tuổi, một nhà lý luận nổi tiếng của Đảng hiện đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ năm năm thứ hai với tư cách là ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Ba thành viên cuối cùng của Ủy ban gồm các ông Thái Kỳ (Cai Qi), 66 tuổi, Bí thư Đảng ủy đương nhiệm của thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc; Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), 60 tuổi, tham mưu trưởng của ông Tập; và Lý Hy (Li Xi), 66 tuổi, Bí thư Đảng ủy đương nhiệm tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Thông báo hôm Chủ nhật (23/10) về việc ông Tập nắm giữ thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa không phải là điều bất ngờ, sau khi hai đối thủ chính trị của ông Tập, trong đó có ông Lý Khắc Cường, không có tên trong Ủy ban Trung ương gồm 205 thành viên hôm 22/10, sau khi Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ bế mạc.
Việc ông Lý Khắc Cường rời khỏi ban lãnh đạo cao nhất của Đảng là một điều bất ngờ, vì ông chỉ mới 67 tuổi — sớm hơn một năm so với tuổi về hưu bất thành văn của Đảng. Ở Trung Quốc, những quan chức ĐCSTQ nào 67 tuổi trở xuống tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng có thể được thăng chức, trong khi những người 68 tuổi trở lên sẽ phải về hưu — một quy tắc không chính thức được gọi là “thất thượng, bát hạ” (bảy lên, tám xuống).
Cũng trong ngày thứ Bảy (22/10), cố vấn của ông Lý Khắc Cường, tức cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã bất ngờ bị hộ tống ra khỏi lễ bế mạc đại hội Đảng. Ông Hồ Cẩm Đào có vẻ bối rối và miễn cưỡng không hiểu tại sao ông lại được yêu cầu rời đi, trước khi được các phụ tá dẫn đi.
Sau đó, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết trên Twitter, một nền tảng mạng xã hội không thể truy cập được ở Trung Quốc, rằng phóng viên của họ đã biết rằng ông Hồ đã “khăng khăng muốn tham dự phiên bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng, mặc dù thực tế là ông ấy đã dành thời gian để hồi phục sức khỏe gần đây.”
Hãng truyền thông này viết trên Twitter rằng, “Khi ông ấy cảm thấy không khỏe trong suốt phiên họp, nên vì vấn đề sức khỏe này, nhân viên của ông đã đi cùng ông đến một phòng bên cạnh địa điểm tổ chức cuộc họp để nghỉ ngơi. Hiện giờ, ông ấy đã tốt hơn nhiều.”
Nhưng những người khác lại xem vụ việc này là dấu hiệu của một kế hoạch quyền lực.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đã nói trên Twitter rằng ông Tập đang thể hiện sức mạnh chính trị của ông ấy bằng cách loại bỏ ông Hồ.
Bà Blackburn viết, “Rõ ràng là ông Tập kiểm soát Đại hội Đảng và muốn thị uy với thế giới bằng cách làm bẽ mặt ông Hồ Cẩm Đào trước báo giới ngoại quốc.”
“Điều này thật nguy hiểm và đáng lo ngại,” Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), thành viên của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, viết trên Twitter hôm 23/10. “Ông Tập đang củng cố quyền lực và buộc phải loại bỏ người tiền nhiệm của mình. Không ai chịu nhượng bộ ai. Chế độ chuyên chế không bao giờ có kết cục tốt đẹp.”
Tương lai của Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times sau khi dàn tân lãnh đạo của chính quyền được giới thiệu, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Thông tin và Chiến lược Hoa Thịnh Đốn, cho biết nền kinh tế Trung Quốc sẽ không cải thiện dưới thời ông Tập.
Ông nói rằng dữ liệu kinh tế quý thứ ba của Trung Quốc — vốn sẽ được Bắc Kinh dự kiến công bố hôm 18/10 nhưng đã bị hoãn lại — sẽ không cho thấy có điều gì tích cực.
Ông nói thêm rằng chính cuộc đấu tranh chính trị nội bộ đã đưa đẩy ông Tập đến vị trí hiện tại. Do đó, ông dự đoán trong tương lai sẽ có nhiều cuộc đấu tranh chính trị hơn, có khả năng khiến Trung Quốc rơi vào một kỷ nguyên khác với những cuộc vận động chính trị quy mô lớn.
Ông Kenneth Roth, cựu giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), đã nói trên Twitter rằng ông Tập đã tập hợp lại một đội ngũ gồm những nhân vật không thách thức ông.
“Người đàn ông e sợ tranh luận này chọn một đội ngũ lãnh đạo sẽ không thách thức ông ấy: ông Tập Cận Bình,” ông Roth viết. “Một công thức để đàn áp và quản lý yếu kém hơn.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết việc ông Tập tiếp tục cầm quyền là một thảm họa đối với vấn đề nhân quyền.
Bà Hana Young, Phó giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Việc xác nhận nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình là một thời khắc đáng lo ngại không chỉ đối với hàng triệu công dân Trung Quốc đã chịu đựng sự bức hại nhân quyền nghiêm trọng dưới sự cai trị của ông ấy, mà còn đối với những người dân trên thế giới cảm thấy sự tác động của cuộc đàn áp từ chính quyền Trung Quốc.”
“Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, các chính sách và thực trạng của chính quyền này gây ra một mối đe dọa đối với các quyền không chỉ ở trong nước, mà còn trên toàn cầu”, bà Young nói tiếp. “Từ chiến dịch của chính quyền nhằm bịt miệng và cưỡng bách dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ ở ngoại quốc đến nỗ lực định nghĩa lại ý nghĩa thực sự của nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc, [cho thấy] cánh tay đàn áp của nhà nước Trung Quốc ngày càng mở rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times