Phái đoàn Đức, Lithuania đến thăm Đài Loan để thảo luận về quốc phòng trước mối đe dọa từ Bắc Kinh
Trong tuần này, các đại diện trong phái đoàn quốc hội Đức và Lithuania đã tới thăm Đài Loan để gặp gỡ và trao đổi với các quan chức quốc phòng Đài Loan trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng gây áp lực quân sự lên hòn đảo tự trị này.
Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, phái đoàn gồm chín thành viên của Lithuania đã đến Đài Loan hôm Chủ Nhật (08/01), trong chuyến công du kéo dài sáu ngày “để thể hiện tình đoàn kết và sự hợp tác của các quốc gia dân chủ tiền tuyến.”
Phái đoàn này do ông Laurynas Kasciunas, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia và bà Dovile Sakaliene, Phó Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Đài Loan của Quốc hội Lithuania, dẫn đầu.
Phái đoàn Đức do Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Marie-Agnes Strack-Zimmermann, và Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Johannes Vogel, dẫn đầu, đã đến thăm Đài Loan trong chuyến công du bốn ngày.
Herzlich willkommen! It’s our pleasure to host this year’s 1st parliamentarian delegation from #Germany🇩🇪, co-led by @Bundestag Defence Committee Chair @MAStrackZi & @fdpbt Chief Whip @JohannesVogel & comprising 8 other MdPs. We wish our #Taiwan🇹🇼 friends a rewarding 4-day visit. pic.twitter.com/6WVyBQidq1
— 外交部 Ministry of Foreign Affairs, ROC (Taiwan) 🇹🇼 (@MOFA_Taiwan) January 9, 2023
Theo Bộ này, cả hai phái đoàn dự kiến sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và các quan chức hàng đầu khác từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong chuyến thăm Đài Loan.
Các cuộc thảo luận của họ sẽ tập trung vào sự ổn định trên Eo biển Đài Loan, nơi ĐCSTQ đang ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự của họ. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết phái đoàn của Lithuania cũng sẽ gặp một tổ chức tư vấn về an ninh địa phương để thảo luận về những thách thức an ninh mà Đài Loan và Âu Châu đang phải đối mặt, cũng như tình hình quốc phòng tương ứng của họ.
Quân đội của ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận chiến đấu trong vùng hải phận và không phận xung quanh Đài Loan vào ngày mà phái đoàn Lithuania đến Đài Loan, trong đó họ đã điều 57 phi cơ và 4 tàu hải quân tới đảo quốc này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 28 chiến đấu cơ đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và vượt qua đường trung tuyến trên Eo biển Đài Loan, khiến hòn đảo này phải điều phi cơ, tàu hải quân, và các hệ thống hỏa tiễn trên đất liền để đáp trả.
Bộ Chỉ huy Chiến khu Đông bộ, vốn là một đơn vị trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) — một cánh quân của ĐCSTQ, cho biết mục tiêu của các cuộc tập trận chiến đấu này là để chống lại cái mà họ gọi là “các hành động khiêu khích” của Đài Loan và các thế lực ngoại bang.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết “cáo buộc sai trái và hành động khiêu khích phi lý” của PLA đã gây bất ổn nghiêm trọng đến tình hình an ninh của khu vực, viện dẫn các phi vụ xâm nhập gần đây của PLA qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang hay xung đột,” bộ này cho biết trong một tuyên bố. “Các lực lượng vũ trang [của Đài Loan] liên tục giám sát khu vực xung quanh của chúng tôi và đưa ra các hành động đáp trả phù hợp. Chúng tôi có thể, và chúng tôi sẽ giữ an toàn cho quê hương của chúng tôi.”
Đài Loan là một nền dân chủ tự trị kể từ khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc vào năm 1949, nhưng ĐCSTQ xem Đài Loan là lãnh thổ của mình. Đảng này xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và phải được sáp nhập với Trung Quốc đại lục bằng mọi giá; giới lãnh đạo ĐCSTQ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này.
ĐCSTQ thường xuyên sử dụng quân đội của mình để đe dọa Đài Loan, như đã thấy hôm 25/12/2022, khi họ điều 71 phi cơ và 7 chiến hạm tới hòn đảo này trong cuộc phô diễn lực lượng lớn nhất của họ kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đến thăm Đài Loan hồi tháng Tám năm ngoái (2022).
Âu Châu, NATO đã ‘quá ngây thơ’
Tuần trước (02-08/01), ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là cựu Thủ tướng Đan Mạch, đã kêu gọi Liên minh Âu Châu (EU) và NATO huấn luyện cho quân đội Đài Loan và lên kế hoạch về các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Ông Rasmussen, người đã lãnh đạo liên minh xuyên Đại Tây Dương NATO từ năm 2009 đến năm 2014, nói rằng các thành viên của EU và NATO nên được chuẩn bị sẵn sàng để Trung Quốc đại lục “suy nghĩ kỹ” về một cuộc xâm lược.
Ông hiện là chủ tịch và người sáng lập của Tổ chức Liên minh các Nền Dân chủ (Alliance of Democracies, AoD) có trụ sở tại Đan Mạch, nhằm mục đích thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia được bầu cử dân chủ trước hành động xâm lược của chế độ độc tài.
Ông nói trong một chuyến viếng thăm Đài Loan hôm 05/01 rằng, “Những điểm tương đồng với Nga và Ukraine là khó có thể bỏ qua. Chúng ta không được mắc phải những sai lầm tương tự với [lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình] như chúng ta đã làm với ông Vladimir Putin.”
Ông Rasmussen nhận xét rằng “cách quan trọng nhất để ngăn chặn hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan là phải bảo đảm Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột hiện tại.”
Ông nói: “Nếu Nga có thể giành được lãnh thổ và thiết lập một hiện trạng mới bằng vũ lực, thì điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ. Các nhà độc tài ở khắp mọi nơi sẽ học được rằng, cuối cùng thì, xâm lược bằng quân sự là một cách hiệu quả.”
Ông Rasmussen cho rằng các cường quốc Âu Châu và NATO đã “quá ngây thơ” trước cuộc xâm lược Ukraine của Moscow và đang có nguy cơ lặp lại sai lầm tương tự với Trung Quốc.
Ông tin rằng ông Tập sẽ theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Ukraine trước khi đưa ra quyết định có tấn công Đài Loan hay không.
Bản tin có sự đóng góp của Bryan Jung và Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times