Chuyên gia: Lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi Mao Trạch Đông với mưu toan bảo toàn quyền lực chính trị
Theo một chuyên gia về Trung Quốc, việc nhà cầm quyền Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ 130 năm ngày sinh của ông Mao Trạch Đông cho thấy lãnh đạo Tập Cận Bình đang phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo toàn quyền lãnh đạo của mình.
Trong một bài diễn văn đánh dấu sự kiện quan trọng vào ngày 26/12, ông Tập đã ca ngợi những thành tựu của ông Mao trong việc thành lập nước Trung Quốc cộng sản, hạ thấp “những sai lầm nghiêm trọng” trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, và kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đạt được [mục tiêu] “hiện đại hóa Trung Quốc.”
Tuy nhiên, “bài diễn văn của ông Tập năm nay có một sự khác biệt căn bản,” ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 27/12.
Khi so sánh bài diễn văn gần đây của ông Tập với bài diễn văn của ông ấy cách đây mười năm trước nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông Mao, ông Hồ phát hiện ra rằng mặc dù ông Tập vẫn thừa nhận sai sót của ông Mao khi phát động Cách mạng Văn hóa, nhưng lần này, ông nhấn mạnh vào việc nêu bật thành tích hơn là nói về những sai sót. Ông Tập nói rõ, “Thành tích mới là vấn đề cần được ưu tiên, còn sai sót chỉ là vấn đề thứ yếu.”
Ông Hồ cho rằng biện pháp này nhằm mục đích củng cố vị thế của ông Tập trong ĐCSTQ, với mục tiêu cuối cùng là đặt mình ngang hàng với ông Mao, người sáng lập Đảng Cộng sản.
Theo ông Hồ, ông Mao đã tạo dựng nên một thời kỳ của “sự sùng bái cá nhân,” điều mà ông Tập cũng mong muốn có được trong vai trò lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, ông Tập phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã lặp lại các chiến thuật của ông Mao. Ông Hồ nhận xét, “Rõ ràng ông Tập đã kiềm chế không chỉ trích ông Mao vào thời điểm này, vì điều đó sẽ gây bất lợi cho nỗ lực của ông ấy trong việc gây dựng sự sùng bái cá nhân.”
Bị ông Mao bức hại
Trong bài diễn văn của mình, ông Tập gọi ông Mao là “người tiên phong vĩ đại” và “người sáng lập vĩ đại,” cùng những lời khen ngợi khác, miêu tả ông là một nhân vật đáng kính trong thời đại của ông.
Tuy nhiên, ông Tập và gia đình ông nằm trong số nạn nhân của các phong trào chính trị của ông Mao.
Năm 1962, khi ông Tập còn học tiểu học, cha của ông, ông Tập Trọng Huân, đã bị bỏ tù vì đi ngược lại đường hướng của ĐCSTQ và bị đàn áp tàn bạo trong Cách mạng Văn hóa (1966–1976), một phong trào nhằm phá trừ “tứ cựu” — tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, và tập quán cũ — của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, con đường học hành của ông Tập đã bị gián đoạn, và người chị Tập Hòa Bình của ông đã bị bức hại đến tử vong.
Ông Hồ lưu ý rằng trong những năm 1980, thế hệ thứ hai (còn gọi là ‘hồng nhị đại’) của giới tinh anh trong Đảng và cha mẹ của họ có thái độ rất xem thường ông Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, sau này họ cũng nhận ra rằng hình ảnh của ông Mao là một yếu tố cần thiết cho việc duy trì quyền cai trị của họ. Ông Hồ khẳng định: “Biểu tượng của ông Mao Trạch Đông không thể bị lật đổ,” nên họ ngày càng có xu hướng chuyển sang bảo vệ hình ảnh của ông Mao.
Ông Hồ giải thích: “Đặc biệt kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, người ta nhận thấy rằng các chiến thuật chính trị của ông Mao rất có lợi cho việc thiết lập một chế độ độc tài. Kết quả là họ đã chọn áp dụng lại và thực hiện các chiến thuật của ông Mao.”
Sau Đại hội Đảng lần thứ 20 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã có được sự gia tăng quyền lực chưa từng thấy sau khi bảo toàn thành công nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin bên trong Trung Quốc của ông Hồ, công chúng và các quan chức ĐCSTQ đang mất niềm tin vào ông Tập, người đang bị chỉ trích vì những thảm họa do mô hình quản trị của ông tạo ra, từ chính sách kinh tế đến ngoại giao và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Ông Hồ nói rằng mọi người không dám chỉ trích ông Tập trên các phương tiện truyền thông hoặc trên nền tảng trực tuyến bởi vì sự kiểm soát xã hội của ông ấy rất gắt gao.
Tuy nhiên, trong các cuộc giao tiếp riêng tư, bao gồm cả các buổi tụ họp xã giao, “số người bày tỏ sự chỉ trích và xem thường ông Tập Cận Bình đã tăng lên đáng kể.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times