Trung Quốc bổ nhiệm cựu tư lệnh Hải quân làm tân bộ trưởng quốc phòng
Lệnh bổ nhiệm Đô đốc Đổng Quân được ban hành trong bối cảnh quân đội của ĐCSTQ bất ổn.
Truyền thông nhà nước đưa tin, Trung Quốc đã bổ nhiệm cựu tư lệnh hải quân, Đô đốc Đổng Quân (Dong Jun), làm tân bộ trưởng quốc phòng. Tin tức này đã dập tắt những suy đoán trong suốt nhiều tháng nay về việc ai sẽ là người kế nhiệm vị trí nhà ngoại giao hàng đầu của quân đội trong bối cảnh hàng ngũ cao cấp của nhà cầm quyền xảy ra nhiều xáo trộn.
Theo Tân Hoa Xã, hôm thứ Sáu (29/12), các đại diện của cơ quan lập pháp trên giấy tờ của Trung Quốc đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Đô đốc Đổng Quân.
Cựu tư lệnh hải quân 62 tuổi này sẽ kế nhiệm Tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), người bị sa thải hồi tháng Mười sau hai tháng bặt vô âm tín mà không có lời giải thích.
Không giống như những người tiền nhiệm, Đô đốc Đổng Quân không phải là một thành viên của Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan gồm bảy thành viên điều hành Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không có tiếng nói mạnh mẽ về quân sự trong hệ thống chính trị nhiêu khê mập mờ của nhà cầm quyền này. Lực lượng vũ trang là một bộ phận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chứ không phải là lực lượng vũ trang của đất nước. Lãnh đạo cao nhất của đảng này, ông Tập Cận Bình, là chủ tịch của Quân ủy Trung ương.
Những tác động có thể xảy ra đối với mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc
Đô đốc Đổng Quân thăng cấp trong hải quân. Trước khi trở thành Tư lệnh Hải quân PLA vào năm 2021, ông từng là phó chỉ huy của một lực lượng hiện được gọi là Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ, đơn vị chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc tập trận trên biển và trên không gần Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ tuyên bố là một bộ phận lãnh thổ của mình. Lãnh đạo cao nhất của Đảng đã tuyên bố rằng ông sẽ “không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để chiếm Đài Loan.
Bộ trưởng quốc phòng mới cũng có kinh nghiệm chỉ huy một đơn vị khác của PLA, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ, một đơn vị đảm trách hoạt động ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực Biển Đông.
Căng thẳng về Đài Loan và Biển Đông là một trong những điểm nóng trong mối bang giao căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chính quyền Trung Quốc đã cắt đứt liên lạc với Hoa Thịnh Đốn về vấn đề quân sự và một số lĩnh vực quan trọng khác từ tháng Tám năm ngoái (2022), sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi. Hôm 21/12, các quan chức quân sự hai nước đã có cuộc nói chuyện đầu tiên sau gần hai năm.
Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của tướng Lý, ông không có cuộc gặp chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. Bắc Kinh cho biết, để đổi lấy các cuộc đàm phán, Hoa Thịnh Đốn phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính phủ cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với Tướng Lý vào năm 2018 vì vai trò của ông trong một thương vụ được cho là mua chiến đấu cơ và thiết bị từ nhà xuất cảng vũ khí chính của Nga, Rosoboronexport. Yêu cầu này đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối.
Sự bất ổn trong hàng ngũ tướng lĩnh của Bắc Kinh
Một yếu tố đáng chú ý còn thiếu trong lý lịch công khai của Đô đốc Đổng Quân là ông không có kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp với ông Tập. Nếu đem so sánh, Tướng Lý nổi tiếng là một thành viên trong tập đoàn chính trị của ông Tập, được biết đến ở Trung Quốc là “thế hệ hồng nhị đại” (thế hệ đỏ thứ hai), một thuật ngữ chỉ thế hệ con cháu của các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản, những người đã giúp ông Mao Trạch Đông giành quyền kiểm soát đất nước vào năm 1949. Cha của ông, ông Lý Thiệu Châu (Li Shaozhu), là một cựu binh Hồng quân và là phó tư lệnh lực lượng đường sắt PLA.
Quyết định bổ nhiệm Đô đốc Đổng Quân được đưa ra trong bối cảnh một cuộc thanh lọc quân đội dường như đang diễn ra. Bắc Kinh không đưa ra lời giải thích nào về việc sa thải cựu bộ trưởng quốc phòng, vốn diễn ra chỉ bảy tháng sau khi ông được bổ nhiệm vào chức vụ này. Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng Tướng Lý đã bị chính quyền Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến hoạt động mua sắm thiết bị quân sự.
ĐCSTQ sẽ không bình luận về những thông tin như vậy. Khi được hỏi liệu việc sa thải Tướng Lý có liên quan đến cuộc điều tra chống tham nhũng tại cuộc họp giao ban hàng tháng vào tháng Mười hay không, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói rằng ông “không có thông tin nào để cung cấp.”
Cựu bộ trưởng quốc phòng đã không được nhắc đến công khai trong bốn tháng. Lần xuất hiện công khai gần đây nhất của ông là vào ngày 29/08, khi ông có bài diễn văn tại một diễn đàn an ninh và hội đàm với các bộ trưởng quốc phòng đến thăm từ Ghana, Zambia và một số quốc gia Phi Châu khác.
Quyết định sa thải Tướng Lý được đưa ra sau một số lần mất tích không rõ nguyên nhân và sự hiện diện thay mặt của các quan chức và tướng lĩnh cao cấp, làm dấy lên suy đoán về tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng dưới thời ông Tập. Hồi tháng Tám, Trung Quốc đột ngột thay thế hai chỉ huy cao cấp đảm trách đơn vị kho vũ khí hạt nhân của nước này, điều mà các nhà quan sát bên ngoài gọi là cuộc cải tổ lớn nhất trong ban lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội ĐCSTQ trong những năm gần đây.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times