ĐCSTQ đồng ý tổ chức Giáng Sinh thực chất là để thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản cực đoan
Một chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc cho biết: “[Ăn mừng] Giáng Sinh chỉ là để phô diễn, trong khi tôn vinh ông Mao mới là mục tiêu hệ tư tưởng thực sự.”
Tại Trung Quốc, Lễ Giáng Sinh trùng với ngày kỷ niệm [ngày sinh của] cựu lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Mao Trạch Đông. Trước đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã xem Giáng Sinh là một ngày lễ mang âm hưởng tôn giáo của phương Tây, mà điều này vốn mâu thuẫn với hệ tư tưởng vô thần của chủ nghĩa cộng sản.
Trước đây, ông Tập đã tuyên bố rằng ông muốn bảo vệ “văn hóa Trung Hoa” trước các lễ hội của phương Tây, và kết quả là nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã hủy bỏ Lễ Giáng Sinh. Một số trường đại học ở Trung Quốc thậm chí còn ngăn cấm sinh viên rời khỏi ký túc xá vào đêm Giáng Sinh và yêu cầu họ không được sử dụng “những đồ trang trí liên quan đến Giáng Sinh” trong ký túc xá. Một số thành phố đã điều động số lượng lớn công an trên đường phố và áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt gần các nhà thờ. Các quan chức địa phương cũng cấm những người bán hàng rong bán thiệp Giáng Sinh và các vật phẩm [liên quan] khác.
Tuy nhiên, bầu không khí năm nay hoàn toàn khác mọi năm. Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, người dân đã tham gia vào rất nhiều sự kiện mừng Giáng Sinh, dường như phớt lờ lời kêu gọi tẩy chay các lễ hội và ngày lễ truyền thống của phương Tây của ĐCSTQ. Từ đầu tháng Mười Hai, Thượng Hải đã tràn ngập bầu không khí Giáng Sinh, những khu mua sắm được trang hoàng cầu kỳ và rực rỡ, còn người dân thì mặc đủ loại trang phục Giáng Sinh khác nhau đi dạo trên đường ohoos. Bầu không khí Giáng sinh tưng bừng ở Thượng Hải đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng cả trong và ngoài nước nếu xét đến sự đàn áp của ĐCSTQ đối với ngày lễ này.
Trong khi đó, chính quyền ĐCSTQ gần đây đã đánh dấu kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông bằng một sự kiện long trọng với quy mô lớn hơn rất nhiều so với những năm trước.
Kỷ niệm ngày sinh của ông Mao Trạch Đông
Không giống như Thượng Hải tổ chức lễ hội Giáng Sinh của “ngoại quốc,” thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông Mao Trạch Đông vào ngày 26/12 bằng một buổi lễ hoành tráng.
Chính quyền ĐCSTQ đã tổ chức một sự kiện tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với sự tham dự của tất cả bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ. Ông Tập đã có bài diễn văn ca ngợi [cựu chủ tịch] Mao như một “tài sản tinh thần quý báu” mà sẽ tiếp tục định hướng cho hành động của ĐCSTQ về lâu dài.
So với bài diễn văn cách đây một thập niên, nhận định của ông Tập về Cách mạng Văn hóa của [cựu chủ tịch] Mao vẫn không thay đổi, trong đó cho rằng mặc dù ông Mao Trạch Đông “đã phạm sai lầm” trong Cách mạng Văn hóa nhưng không vì lẽ đó mà thành tựu của ông bị lu mờ.
Trước sự kiện này, ông Tập cũng đã dẫn đầu các thành viên khác của Bộ Chính trị và một nhóm quan chức ĐCSTQ đến thăm Nhà tưởng niệm Mao Chủ tịch. Các quan chức này đã cúi đầu ba lần trước bức tượng ngồi của ông Mao Trạch Đông cũng như tỏ lòng thành kính trước thi hài của ông.
Các sự kiện kỷ niệm cũng được tổ chức trên khắp Trung Quốc. Khi ngày sinh nhật của [cựu chủ tịch] Mao đến gần, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài báo và phim tài liệu kỷ niệm về cuộc đời của ông. So với những năm trước, quy mô các sự kiện kỷ niệm năm nay đã được mở rộng đáng kể.
Tổ chức Lễ Giáng Sinh trong khi thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản của ông Mao Trạch Đông
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư Bắc Kinh và Chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 29/12 rằng việc ĐCSTQ cho phép tổ chức Lễ Giáng Sinh ở Thượng Hải hoàn toàn là để phô diễn cho người ngoài xem. Điều này tạo ra ảo tưởng rằng Trung Quốc vẫn chấp nhận Lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, kế hoạch thực sự của ĐCSTQ vẫn là đưa xã hội Trung Quốc trở về với hệ tư tưởng cộng sản cực đoan (hay cực tả) của ông Mao Trạch Đông.
Ông Lại tin rằng việc tổ chức Lễ Giáng Sinh ở Thượng Hải chắc hẳn đã được ĐCSTQ cho phép và chỉ đạo. Ông giải thích rằng dưới sự kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt của ĐCSTQ, mọi sự kiện và hoạt động tụ tập tương tự đều phải được chấp thuận. Vì vậy, kiểu lễ kỷ niệm ở Thượng Hải với quy mô hoành tráng hơn những năm trước này thực chất là do ĐCSTQ chỉ đạo từ hình thức đến nội. Tuy nhiên, ĐCSTQ luôn có nghị trình riêng của mình.
“[Ăn mừng] Giáng Sinh chỉ là để tạo thể diện cho người ngoài thấy, còn tôn vinh ông Mao mới là mục tiêu hệ tư tưởng thực sự,” ông Lại bày tỏ. “ĐCSTQ đang cố tạo ấn tượng sai cho toàn thế giới. Đồng thời, đảng này cũng đang cố phô diễn cho những người ủng hộ ‘cải cách và mở cửa’, cũng như những người ủng hộ các giá trị dân chủ và phương Tây thấy rằng ĐCSTQ vẫn sẵn sàng thừa nhận xã hội phương Tây và một số giá trị của họ.”
Ông Lại nói thêm: “Về bản chất, ĐCSTQ muốn rẽ sang con đường cực tả, và quay trở lại chủ nghĩa cộng sản cơ yếu, vốn là điều mà chế độ độc tài toàn trị của ông Mao Trạch Đông và những lý tưởng cánh tả cực đoan của ông ta đại diện. Trên bề mặt, ĐCSTQ đang cố kết hợp chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc vào trong nghị trình chính trị của mình, mà điều này sẽ khiến một số thế lực cánh tả [trong ĐCSTQ] thậm chí còn ủng hộ ông Tập nhiều hơn.”
Theo ông Lại, ở Trung Quốc có một mức độ chia rẽ nhất định về mặt dư luận. Tại các cấp cao nhất của ĐCSTQ, mọi thứ được phối hợp nhịp nhàng, và họ đoàn kết với nhau. Tuy nhiên, điều này không đúng với người dân ở Trung Quốc. Có một sự chia rẽ nghiêm trọng trong công chúng Trung Quốc, trong đó nhiều người thuộc giới tinh hoa và trí thức có ấn tượng tiêu cực về ông Mao Trạch Đông, nhưng cũng có những nhóm người ngưỡng mộ ông ta.
“Bất cứ ai có lương tri đều hiểu được tình trạng xã hội Trung Quốc dưới thời ông Mao, nơi mà người dân không có quyền hoặc tự do chính trị, và nơi mà điều kiện kinh tế vô cùng đói khổ,” ông Lại nói. “Cả nước rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực, và do đó hầu hết người dân không đồng tình với đường hướng của ông Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, những người cao niên nằm trong lực lượng ‘Hồng vệ binh’ [từ thời ông Mao] vẫn còn tôn kính ông Mao đến mức họ ủng hộ và tôn thờ ông Mao. Họ tạo ra một bầu không khí là nhiều người [ở Trung Quốc] luôn nhớ đến thời của ông Mao. Mặc dù đây không phải là tình hình thực tế. Số người ngưỡng mộ ông Mao ít hơn nhiều so với số người cừu hận ông ấy.”
Ông Lại cũng giải thích rằng tất cả các thành viên Bộ Chính trị và các quan chức cao cấp trong ĐCSTQ đều trung thành với ông Tập, mà điều đó có nghĩa là họ hoàn toàn không thể phản đối ý tưởng của ông ấy. Tuy nhiên, có thể có sự khác biệt về chính sách kinh tế trong giới tinh hoa của ĐCSTQ.