Phân tích: Việc ca ngợi Mao Trạch Đông cho thấy quyết tâm đi theo con đường độc tài của ông Tập
Ông Tập đã ‘quay trở lại thời đại chủ nghĩa cơ yếu của ông Mao, một thời đại của chủ nghĩa độc tài cực đoan và nền kinh tế kế hoạch’
Mới đây, Bắc Kinh đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của ông Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). So với những năm trước, quy mô hoạt động kỷ niệm năm nay hoành tráng hơn rất nhiều. Các nhà phân tích tin rằng việc ĐCSTQ hết lòng tôn vinh và ca ngợi ông Mao cho thấy đương kim chủ tịch của ĐCSTQ là ông Tập Cận Bình đã quyết tâm rẽ ngoặt sang cánh tả.
Hôm 26/12, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông Mao Trạch Đông, ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị chuyên đề tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Tập đã có bài diễn văn tại hội nghị chuyên đề và cả bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều tham dự.
Trong bài diễn văn của mình, ông Tập Cận Bình ca ngợi ông Mao không chỉ là một nhà cách mạng vô sản, nhà Marxist, người đã thay đổi hoàn toàn vận mệnh của Trung Quốc và diện mạo của đất nước, mà còn tôn vinh ông với hai danh hiệu mới — “người sáng lập vĩ đại trong công cuộc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc” và “một người theo chủ nghĩa quốc tế vĩ đại.” Ông nói thêm rằng cách tốt nhất để tôn vinh ông Mao “là tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp mà ông ấy đã khởi xướng.”
Không giống như bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của ông Mao cách đây mười năm trước, ông Tập không trích dẫn đánh giá của ông Đặng Tiểu Bình về cố chủ tịch Mao trong bài diễn thuyết của mình mà thay vào đó, ông trực tiếp nêu quan điểm về địa vị lịch sử của ông Mao.
Lập luận này nhất quán với một bài báo tưởng nhớ ông Mao đăng trước đó trên Cầu Thị (Qiushi), một tạp chí về lý luận và tin tức hàng đầu của ĐCSTQ. Trong khi ca ngợi cái gọi là “các thành tựu vĩ đại” của ông Mao, bài báo lại chuyển trọng tâm sang ông Tập, cho rằng kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, việc có được một người lãnh đạo như ông Tập trong Đảng là một “may mắn” cho Đảng, cho đất nước, cho người dân.
Một số nhà bình luận cho rằng bằng cách ca ngợi cả ông Mao lẫn ông Tập, nhưng tránh nhắc đến ông Đặng Tiểu Bình, ông Giang Trạch Dân, và ông Hồ Cẩm Đào, ba cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, bài báo trên dường như muốn ám chỉ rằng chỉ có “hai nhà lãnh đạo vĩ đại” ở Trung Quốc, và mục đích của việc này là lấy ông Mao làm nền để tôn vinh ông Tập.
Trước hội nghị chuyên đề, ông Tập đã dẫn đầu đoàn ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và các quan chức đến viếng tại Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông. Các quan chức cúi đầu ba lần trước bức tượng ngồi của ông Mao Trạch Đông, sau đó đi đến trước thi hài của ông Mao để bày tỏ lòng thành kính.
Ngoài Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, các hoạt động kỷ niệm cũng được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc. Ngoài ra, khi chuẩn bị đến ngày sinh của ông Mao, các phương tiện truyền thông còn đăng tải một lượng lớn các bài báo và phim tài liệu kỷ niệm.
So với những năm trước, quy mô hoạt động kỷ niệm năm nay đã được mở rộng đáng kể.
Năm 2013, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông Mao, các bài báo kỷ niệm không xuất hiện trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo mà trên một trang ở bên trong tờ báo. Ngoài ra, buổi hòa nhạc quy mô lớn mang tên “Đỏ nhất là Mặt Trời, thân thiết nhất là Chủ tịch Mao” (phiên âm Hán Việt: “Thái dương tối hồng, Mao Chủ tịch tối thân”) ban đầu được dự kiến tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 26/12 đã được đổi tên thành “Ca ngợi Tổ quốc” theo chỉ lệnh của Bộ Tuyên truyền Trung ương.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 27/12, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư Đại học Sư phạm Thủ đô, nói rằng ông Tập thực sự ngưỡng mộ ông Mao từ tận đáy lòng, và rất nhiều trong số những hành động của ông là đang bắt chước ông Mao. Ông Tập khao khát trở thành nhà lãnh đạo trọn đời của ĐCSTQ, nên việc ông tưởng nhớ ông Mao một cách phô trương như vậy trên thực tế là đang gián tiếp tâng bốc bản thân.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), người từng hành nghề luật sư ở Bắc Kinh và hiện là chủ tịch Mặt trận Nhân quyền Dân sự Canada, cũng nói với The Epoch Times hôm 28/12 rằng lễ tôn vinh long trọng mà ĐCSTQ dành cho ông Mao chứng tỏ rằng ban lãnh đạo ĐCSTQ, do ông Tập đứng đầu, đang quyết tâm rẽ sang cánh tả và hoàn toàn đi theo đường lối cực tả của ông Mao.
Ông Lại nói, “Điều này cho thấy tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc đã không còn cơ hội để vãn hồi. Quốc gia này đã từ bỏ hoàn toàn cái gọi là đường hướng cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, quay trở lại thời đại chủ nghĩa cơ yếu (hệ tư tưởng chính trị cực đoan) của ông Mao, một thời đại của sự chuyên chế cực đoan và nền kinh tế kế hoạch hóa. Điều này cũng báo trước tình hình tương lai của Trung Quốc sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn và nước này sẽ phải đối mặt với một môi trường khắc nghiệt hơn nhiều ở cả trong và ngoài nước.”
Theo ông Lại, việc ông Mao lên nắm quyền không mang lại sự ‘giải phóng’ thực sự cho người dân Trung Quốc, cũng không mang lại cho họ tự do và dân chủ thực sự. Chưa bao giờ trong lịch sử Trung Quốc, người dân Trung Quốc có địa vị chính trị thấp kém, và điều kiện kinh tế đói khổ như thời ông Mao cai trị, thời điểm mà hàng chục triệu người phải chịu cảnh chết đói và cả nước trở thành nô lệ cho ĐCSTQ.
Ông Lại chia sẻ thêm, “Ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông ấy muốn thúc đẩy cái gọi là ‘công cuộc’ mà ông Mao Trạch Đông đã khởi xướng. Cái gọi là ‘công cuộc’ này là nhân danh nhân dân, nhưng thực chất là để phục vụ một nhóm quan chức lãnh đạo cao cấp của đảng. Đó là ‘công cuộc’ mà họ đã khởi xướng, còn người dân thì không liên quan gì đến công cuộc của họ.”
Bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa
Cách mạng Văn hóa, bắt đầu vào ngày 16/05/1966, là một trong chuỗi chiến dịch chính trị do ông Mao Trạch Đông khởi xướng. Cả ông Tập Cận Bình và cha ông, ông Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cựu phó thủ tướng của ĐCSTQ, đều bị chỉ trích và bức hại tàn khốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Ông Tập Trọng Huân bị tố là thành viên của “bè lũ phản đảng” vào năm 1963 và sau đó bị đưa đến Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Sau đó ông được đưa về Khu Cảnh vệ Bắc Kinh vào năm 1968, nơi ông bị giam trong một phòng giam chỉ rộng từ 7 đến 8 mét vuông (75 đến 86 feet vuông).
Hơn một năm sau khi ông Mao qua đời, ông Tập Trọng Huân cuối cùng đã trở lại Bắc Kinh vào tháng 02/1978.
Ông Tập Cận Bình được đưa vào danh sách “con của bè lũ phản động” vào năm 1966 vì cha của ông. Khi đó, ông Tập mới 13 tuổi. Một thời gian sau, chỉ vì nói vài lời phản đối Cách mạng Văn hóa mà ông bị gán mác là “phần tử phản cách mạng thời hiện đại” và bị giam trong Trường Đảng.
Tại một cuộc họp của trường đảng nhằm đấu tố sáu “kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa,” ông Tập là cậu bé duy nhất trong số đó. Cả sáu người này đều bị ép phải đội mũ sắt rất nặng. Vì chiếc mũ quá nặng và áp lực không thể chịu nổi nên ông Tập phải đỡ lấy chiếc mũ bằng cả hai tay. Cuối cùng, ông bị gửi đến lớp “con của bè lũ phản động” trong trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên. Năm 1969, ông Tập được cử đến làm việc tại Lương Gia Hà, một ngôi làng ở tỉnh Thiểm Tây.
Trong thời gian ở nông thôn, ông Tập thường xuyên phải sống trong tình cảnh đói rét do điều kiện nghèo khó ở quê. Một ngày nọ, em trai của ông Tập là ông Tập Nguyên Bình (Xi Yuanping) đến thăm ông, kết quả là chỉ trong một ngày, ông Tập Nguyên Bình đã nổi mụn nước khắp người. Ông Tập nói với em trai rằng để không bị bọ chét cắn, ông đã phải rắc một lớp bột 666 thật dày, một loại thuốc trừ sâu cực mạnh, ở dưới chiếu và ông đã ngủ trên lớp bột đó quanh năm.
Ông Lại cho rằng dù cả ông Tập và cha ông đều phải chịu những đau khổ do ông Mao gây ra nhưng ông vẫn tin tưởng ông Mao, ác nhân khét tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ đơn giản là để phục vụ mục đích chính trị của riêng mình, tức là củng cố quyền lực của chính mình và trở thành vị hoàng đế suốt đời của ĐCSTQ.
Ông Lại bình luận, “Cha của ông, nhiều bằng hữu và đồng nghiệp của ông, cũng như rất nhiều người dân Trung Quốc đã phải chịu sự đàn áp của ông Mao, nhưng những điều này không hề khiến ông ta động tâm, và ông ta vẫn không hề ngẫm nghĩ về điều đó, bởi vì ông ta cần tấm linh vị này để phục vụ cho mục đích của riêng mình, chỉ đơn giản vậy thôi.”