Hoa kiều bất đồng chính kiến tìm cách khôi phục chủ nghĩa hiến pháp, kiến tạo nền dân chủ cho Trung Quốc
Hồi đầu tháng Ba, một số nhà hoạt động Hoa kiều ủng hộ dân chủ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Quốc sự (National Affairs Conference, NAC) tại Hoa Thịnh Đốn để thảo luận về con đường mà Trung Quốc nên hướng đến trong thời kỳ hậu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ đã vạch ra một “bản cương lĩnh kiến quốc chi tiết để xây dựng một Trung Quốc dân chủ” dựa trên các nguyên tắc hiến pháp.
Trong chương trình Hoa ngữ “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) của NTD, hai nhà bất đồng chính kiến người Hoa sống tại Hoa Kỳ tham gia hội nghị NAC đã thảo luận về lịch sử hiến pháp hàng trăm năm của Trung Quốc và con đường kiến thiết lại đất nước trong tương lai.
Nền cộng hòa của Trung Quốc
Ở thời cận đại, Trung Quốc từng thành lập chính thể cộng hòa đầu tiên ở châu Á là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng do loạn trong giặc ngoài mà quốc gia này đã không thành lập được một thể chế cộng hòa lập hiến ổn định. Đối với các nhà hoạt động Trung Quốc tại NAC mà nói, giải thể ĐCSTQ và gây dựng một nền cộng hòa lập hiến tự do mới thực sự là mục tiêu của Trung Quốc.
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), lãnh đạo Đảng Dân Chủ Trung Quốc, người từng bị kết án 13 năm tù ở Trung Quốc sau khi tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 1989, giải thích trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng mặc dù các quốc gia cộng hòa lập hiến xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau trong chính trị hiện đại, nhưng những chính thể này đều có chung ba đặc điểm. Thứ nhất, quyền công dân, bao gồm các quyền tự do khác nhau và các quyền cơ bản của con người, phải được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ. Thứ hai, tất cả các cơ quan nhà nước phải có sự ủy quyền của công dân qua hình thức bầu cử công bằng và tự do. Thứ ba, phải có hệ thống phân quyền, kiểm tra và cân bằng quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền, chiếm đoạt quyền lực.
“Từ ba yếu tố trên có thể thấy rõ ràng ĐCSTQ không phải là một hệ thống dân chủ lập hiến,” ông Vương nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị giải thể ĐCSTQ và xây dựng lại nền cộng hòa. Chúng tôi mong muốn thiết lập một hình thức chính phủ cộng hòa thực sự.”
Ông Vương cho biết, trước khi Trung Hoa Dân Quốc được thành lập vào năm 1911, những ý tưởng về chủ nghĩa hiến pháp đã tồn tại vào cuối triều đại nhà Thanh. Triều đại nhà Thanh không phát triển thành chế độ quân chủ lập hiến, nhưng những ý tưởng về chủ nghĩa hiến pháp đã được tiếp tục áp dụng cho nền cộng hòa sau này.
Chủ nghĩa hiến pháp trong quá khứ
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang) cho biết trên chương trình rằng Trung Hoa Dân Quốc được thành lập dựa trên các phong trào đấu tranh cho chủ nghĩa hiến pháp vào cuối triều đại nhà Thanh. Những người theo chủ nghĩa lập hiến lưu vong vào thời điểm đó, như ông Lương Khải Siêu (Liang Qichao), đã đề xướng một chế độ quân chủ lập hiến giống như Vương quốc Anh.
Cách mạng 1911 đã lật đổ chế độ quân chủ và thành lập Trung Hoa Dân Quốc, đưa Trung Quốc tiến gần hơn đến việc trở thành một nền cộng hòa lập hiến. Tuy nhiên, Liên Xô và Nhật Bản đã sớm trợ lực cho các phe phái nội bộ trong nước cộng hòa mới thành lập này để chia cắt đất nước, dẫn đến một kỷ nguyên xung đột và nội chiến. Vào thời điểm đó, nhiều phe phái theo chủ nghĩa cải cách và theo chủ nghĩa hiến pháp đã xung đột với nhau.
Ông Trịnh cho hay gần cuối triều đại nhà Thanh, những người theo chủ nghĩa quân chủ cứng rắn thực ra rất yếu ớt, còn những người theo chủ nghĩa hiến pháp lại có quyền lực rất lớn. Tất cả các lực lượng khu vực dưới chế độ quân chủ đều ủng hộ chủ nghĩa hiến pháp, cũng như toàn bộ giai cấp tư sản trí thức.
ĐCSTQ phá hủy chủ nghĩa hiến pháp
Dưới thời tướng Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek), Trung Hoa Dân Quốc được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc Dân Trung Quốc, hay còn gọi là Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên, tướng Tưởng vẫn tiếp tục chiến đấu với quân nổi dậy cộng sản đồng thời chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến. Ông phản kháng lại cả những người cộng sản được Liên Xô và Nhật Bản hậu thuẫn.
Trong thời gian này, Trung Quốc đã phát triển thành một quốc gia theo Quốc Dân Đảng, và sau khi ĐCSTQ thâu đoạt Trung Quốc đại lục, Tướng Tưởng đã rút lui về Đài Loan và trở thành Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc. Cách hành xử của ông khi còn là tổng thống vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Đài Loan do cuộc đàn áp đối với phong trào độc lập Đài Loan cũng như sự cai trị độc tài của ông.
Ông Trịnh chỉ trích hệ thống đảng-nhà nước của Quốc Dân Đảng là không bền vững vì thể chế này vừa là chính quyền quân sự, vừa là chính quyền lập hiến. Sau cuộc nội chiến với ĐCSTQ, Quốc Dân Đảng đã sử dụng quyền lực khẩn cấp rộng rãi ở Đài Loan để đàn áp phe đối lập. Điều này chỉ kết thúc vào cuối những năm 1980 khi cựu Tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) của Đài Loan cho phép áp dụng chủ nghĩa hiến pháp thực sự.
“Hiện nay, hệ thống hiến pháp của Đài Loan có thể nói là tốt nhất ở châu Á,” ông nói. “Đài Loan là một quốc gia dân chủ dựa trên chủ nghĩa hiến pháp, khiến quốc gia này gần như trở thành một hình mẫu hoàn hảo [cho một Trung Quốc thời hậu ĐCSTQ].”
Sự sụp đổ không thể tránh khỏi của ĐCSTQ
Ông Trịnh tin rằng nghị trình cộng sản và nghị trình xã hội chủ nghĩa của ĐCSTQ không còn hiệu quả nữa và một ngày nào đó sẽ sụp đổ.
“Giống như toàn bộ các quốc gia cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, tất cả đều [đã sụp đổ],” ông nói. “Vì vậy, việc khôi phục nền cộng hòa [ở Trung Quốc] sẽ phải xảy ra. Đó là sự theo đuổi tự do, dân chủ, và chủ nghĩa hiến pháp từ thế hệ này qua thế hệ khác của các nhà tư tưởng và lãnh đạo ở Trung Quốc hiện đại kể từ phong trào lập hiến vào cuối triều đại nhà Thanh. Con đường này cần được khôi phục, và tôi rất tin tưởng vào con đường đó.”
Cuộc thảo luận trên “Diễn đàn Tinh anh” này nêu bật bối cảnh lịch sử và nguyện vọng của những người ủng hộ việc Trung Quốc quay trở lại chủ nghĩa hiến pháp. Từ cuối triều đại nhà Thanh đến Trung Hoa Dân Quốc, các phong trào lập hiến đã diễn ra liên tục, nhưng con đường hướng tới chủ nghĩa hiến pháp thực sự đã bị gián đoạn bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, hai nhà hoạt động này bày tỏ sự lạc quan về tương lai, tin rằng sự sụp đổ của ĐCSTQ là không thể tránh khỏi và chỉ có tự do, dân chủ và chính quyền hợp hiến mới là con đường tương lai cho Trung Quốc.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times