Báo cáo cho thấy ‘tội ác vô tiền khoáng hậu’ về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
Một báo cáo đặc biệt được công bố hôm 10/12 của Tổ chức Các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) đã đưa hoạt động thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra ánh sáng nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế năm 2022.
Báo cáo có nhan đề “Nạn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức từ Người Còn Sống ở Trung Quốc” nêu rõ: “Tội ác vô tiền khoáng hậu này, hành động tàn sát trên quy mô lớn và được nhà nước hậu thuẫn đối với các tù nhân lương tâm dễ bị tổn thương do một chế độ toàn trị gây ra, không chỉ là tội ác chống nhân loại mà còn là một mối đe dọa đối với toàn nhân loại.”
Bản báo cáo dài 56 trang này trình bày chi tiết nguồn gốc và các cuộc điều tra về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc trong khoảng thời gian hai thập niên trở lại đây, trong đó các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công bị cầm tù là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Một phán quyết năm 2019 của một tòa án nhân dân độc lập cho thấy chính quyền Trung Quốc đã sát hại các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, trong nhiều năm trên một “quy mô đáng kể.” Toà án cho biết, hoạt động này vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.
Kể từ khi những người tố cáo từ Trung Quốc bước ra vào năm 2006, nhiều cá nhân và tổ chức đã góp sức mình để nâng cao nhận thức về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. DAFOH, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn do các bác sĩ y khoa thành lập, đã cung cấp cho cộng đồng y tế và công chúng thông tin về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức trong suốt 16 năm qua.
Báo cáo đặc biệt này “là một đóng góp để vinh danh Ngày Nhân quyền quốc tế,” Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của DAFOH, nói với The Epoch Times hôm 10/12. “Mỗi năm một lần, mọi người sẽ có dịp để chú ý đến các tội ác phản nhân loại trong quá khứ và hiện tại. Đó là một ngày để vinh danh các quyền của con người, nhưng cũng là một cơ hội để chiêm nghiệm ý nghĩa nhân sinh.”
‘Diệt chủng lạnh’
Báo cáo của DAFOH tuyên bố, cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài hai thập niên của ĐCSTQ là một kiểu “diệt chủng lạnh.”
“Trong hầu hết các trường hợp, hành động diệt chủng xảy ra với cường độ cao trong một thời gian ngắn, còn được mô tả là một cuộc ‘diệt chủng nóng.’ Ngược lại, một cuộc diệt chủng lạnh được thực hiện trong một khoảng thời gian dài với biến chuyển chậm, khiến hành động này khó bị phát hiện hơn và tạo điều kiện cho một chiến dịch hủy diệt kéo dài.”
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, ước tính đến cuối thập niên này có tới 100 triệu học viên theo học. Chính quyền Trung Quốc, vì xem đây là một mối đe dọa đối với quyền cai trị của mình, nên đã phát động một cuộc đàn áp toàn quốc vào năm 1999 nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Báo cáo đặc biệt của DAFOH liệt kê ba khía cạnh của cuộc bức hại phù hợp với đặc điểm của một cuộc diệt chủng lạnh.
Thứ nhất, cuộc đàn áp này mang tính đa chiều: ĐCSTQ tìm cách hủy hoại các học viên Pháp Luân Công cả về thể chất, tâm lý, xã hội, lẫn tinh thần.
Thứ hai, việc tra tấn và thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các học viên Pháp Luân Công được thực hiện trong bí mật, che dấu khỏi sự chú ý của công chúng.
Thứ ba, cuộc đàn áp này đã được bình thường hóa ở Trung Quốc do các chiến dịch thông tin giả của nhà cầm quyền đã khiến cho người dân Trung Quốc mất nhân tính và tẩy chay các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo nêu rõ: “Một cuộc diệt chủng lạnh, mặc dù không dễ dàng nhận ra, nhưng cũng không khác nào một cuộc diệt chủng [bình thường].”
Theo DAFOH, về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, chế độ này đã tìm ra một cách để “ủy quyền phương thức hành quyết từ phòng xử án sang phòng mổ.”
Báo cáo này viết, “Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là giải pháp cuối cùng trong nghị trình của Trung Quốc nhằm xóa sổ môn tu luyện Pháp Luân Công bằng cách sát hại các học viên.”
Lời khai của nhân chứng
Báo cáo này bao gồm chín lời khai của nhân chứng. Một người là người tố cáo có chồng cũ tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công từ năm 2001 đến năm 2003. Người khác là một bác sĩ Trung Quốc, người đã thực hiện việc thu hoạch nội tạng người sau các vụ hành quyết và cuối cùng đã đào thoát.
Các nhân chứng còn lại là các học viên Pháp Luân Công, những người đã bị tra tấn và cưỡng bức làm các xét nghiệm y tế trong khi bị giam giữ, hoặc những học viên mà thân nhân của họ nghi là người nhà của mình đã bị sát hại trong quá trình thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Một trong những nhân chứng là cô Hàn Vũ (Han Yu), một học viên Pháp Luân Công có cha bị sát hại và được cho là đã bị mổ lấy nội tạng khi bị cầm tù vì đức tin của ông ở Bắc Kinh vào năm 2004.
Vào ngày 18/06/2004, hơn một tháng sau khi cha cô qua đời, công an đã cho phép những người thân trong gia đình được nhìn thấy hài cốt. Họ không cho phép chụp ảnh, và công an cũng canh giữ địa điểm này rất nghiêm ngặt. Cô Hàn thấy vết khâu trên vùng cổ họng của cha cô bằng chỉ đen rất dày. Cô thử mở cúc áo sơ mi để xem nhưng bị công an chặn lại.
Sau đó, chú của cô Hàn đi vào và xé toạc áo của cha cô. Họ nhận ra rằng vết rạch đó chạy dài từ cổ họng đến bụng. Khi ấn vào bụng, họ nhận thấy bụng của ông bị nhét đầy đá lạnh.
‘Quá nhiều’ bằng chứng
Báo cáo của DAFOH đề cập đến một thách thức thường gặp khi đưa ra lời khai của nhân chứng chẳng hạn như của ông Giang. Các nhà phê bình thường loại bỏ các lời khai như vậy, xem đó là ‘chuyện vặt’ hoặc chỉ là các trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, một từ khóa tìm kiếm các thuật ngữ cụ thể liên quan đến xét nghiệm y tế trên Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, cho thấy “hàng trăm ngàn lời khai cá nhân nói về xét nghiệm máu, khám sức khỏe, và những lời đe dọa rằng nội tạng [của họ] sẽ bị thu hoạch,” báo cáo viết. Đối mặt với một số lượng lớn lời khai như vậy, “người ta không còn có thể xem đó là ‘chuyện vặt’ và những lời khai đó đã trở thành bằng chứng,” báo cáo nói thêm.
Theo báo cáo, “Mặc dù có một lượng đáng kể bằng chứng được suy luận và kết luận đã được thu thập trong những năm này, nhưng các nghị sĩ và ký giả thường áp đặt yêu cầu cung cấp bằng chứng chắc chắn đối với những người đưa tin về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.”
“Xét đến việc một chế độ toàn trị như ĐCSTQ sẽ sử dụng mọi cách để che đậy tội ác này, thì lượng thông tin và bằng chứng có sẵn là quá nhiều.”
‘Lên tiếng giúp Pháp Luân Công’
Báo cáo của DAFOH thừa nhận rằng “những nỗ lực trước đây của các nhà lập pháp thiện lương trong việc thông qua các kiến nghị và nghị quyết” đã giúp “nâng cao nhận thức nhưng không đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn chính phủ Trung Quốc tiến hành thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Họ cũng gợi ý một cách tiếp cận khác. Nghị trình đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ không chỉ đơn thuần là xóa sổ các học viên của môn tu luyện này, mà còn để bịt miệng họ.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times