Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn từ chối hợp tác chia sẻ nội tạng với ĐCSTQ
Sau khi Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác và chia sẻ nội tạng cấy ghép với Đài Loan và các quốc gia khác, những người phản đối kế hoạch này đã bày tỏ sự lo ngại và lên án ở Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn, chỉ ra hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ người sống của Trung Quốc.
Hồi tháng 01/2023, ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), phát ngôn viên không chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về cấy ghép tạng, cho biết Trung Quốc đại lục nên “tích cực thúc đẩy cơ chế chia sẻ nội tạng với Đài Loan,” và thiết lập “việc hợp tác hiến tặng và cấy ghép tạng [với các quốc gia khác] thông qua chương trình Một Vành đai Một Con đường.”
Ông Hoàng, 77 tuổi, từng đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc từ năm 2001 đến năm 2013, là một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép gan. Ông Hoàng hiện là người đứng đầu Tổ chức Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc.
Ông đã đưa ra tuyên bố này tại một cuộc họp của ủy ban khoa học của Hệ thống Đáp ứng Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (COTRS).
ĐCSTQ bị cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng cho mục đích cấy ghép từ các tù nhân lương tâm còn sống, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, kể từ năm 2000.
Theo phán quyết cuối cùng của một Tòa án Nhân dân độc lập được tổ chức tại London vào năm 2019, “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công là một — và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính.”
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên chân, thiện, và nhẫn. Do những lợi ích về sức khỏe, môn tu luyện này đã có gần 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào năm 1999, cùng năm khi ĐCSTQ phát động một chiến dịch tàn bạo chống lại môn tu luyện này do lo sợ mất quyền kiểm soát đối với người dân Trung Quốc.
Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc kể từ đó đã phải chịu án tù, tra tấn, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Trong cuộc họp của COTRS, Bộ trưởng Y tế Hồng Kông Lô Sủng Mậu (Lo Chung-mau), đồng thời là một thành viên của Ủy ban COTRS, cho biết năm ngoái Hồng Kông và đại lục đã có một trường hợp chia sẻ nội tạng thành công. Ông cho biết thành phố này sẵn sàng khai triển chương trình chia sẻ nội tạng.
Từ chối hợp tác với ĐCSTQ
Bà Châu Uyển Kỳ (Theresa Chu), chủ tịch của Tuyên bố Phổ quát về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (UDCPFOH) và là một luật sư nhân quyền tại Đài Loan, hôm 13/03 nói với The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng việc chia sẻ và hợp tác ghép tạng với các quốc gia khác sẽ “ngụy trang cho những nội tạng bị đánh cắp, cưỡng bức thu hoạch từ những người còn sống.”
Bà gọi đó là vô nhân tính.
Bà Châu kêu gọi cộng đồng quốc tế cự tuyệt những nỗ lực lôi kéo các quốc gia khác vào tội ác của ĐCSTQ.
Bà nói: “Không chính phủ, tổ chức, hay cá nhân nào trên thế giới có thể thực sự xác minh nguồn gốc của nội tạng Trung Quốc. Và trong trường hợp không có sự xác minh như vậy, thì thế giới không nên sử dụng các nội tạng được mua do vi phạm đạo đức và tội ác phản nhân loại.”
Ông Hoàng Thiên Phong (Huang Chien-feng) từ Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Nội tạng Quốc tế Đài Loan (TAICOT) nói với The Epoch Times rằng mặc dù ĐCSTQ tuyên bố họ đã thiết lập một chương trình hiến tặng nội tạng vào năm 2015, nhưng chương trình này thiếu tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Thứ hai, ĐCSTQ công khai tuyên bố rằng cuối năm 2020, khoảng 3 triệu người đã ghi danh hiến tạng, và sau đó năm 2021, đã có gần 6,000 trường hợp hiến tạng sau khi tử vong. Tỷ lệ hiến tặng sau khi tử vong so với người hiến tặng đã ghi danh là 0.2% (6,000/3,000,000). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ và các quốc gia khác có hệ thống hiến tạng lâu đời.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng chương trình hiến tặng nội tạng của họ không thể cung cấp cho một số lượng lớn các ca cấy ghép nội tạng như vậy.”
Ông kêu gọi các cơ quan chính phủ từ chối những nỗ lực chia sẻ nội tạng này, nhấn mạnh rằng việc sử dụng nội tạng từ các tù nhân chính trị và hoạt động thu hoạch nội tạng sống ở Trung Quốc vẫn đang diễn ra.
Nhật Bản: Đừng tham gia vào việc chia sẻ nội tạng của ĐCSTQ
Ông Hajime Maruyama, một thành viên của Hội đồng thành phố Amako, Nhật Bản, đồng thời là chủ tịch “Ủy ban Điều tra Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc” cho biết nhiều nhà điều tra, tổ chức, và cơ quan chính phủ đã cáo buộc ĐCSTQ phạm tội ác xấu xa nhất trong lịch sử nhân loại — thu hoạch nội tạng sống. Những nhà điều tra, tổ chức, cơ quan chính phủ đó bao gồm luật sư nhân quyền người Canada David Matas, Tòa án Nhân dân London, Nghị viện Âu Châu, và Quốc hội Hoa Kỳ.
“Những người dân Nhật Bản nào tôn trọng nhân quyền và đạo đức sẽ không bao giờ sử dụng nội tạng có nguồn gốc bất hợp pháp,” ông nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác không tham gia vào mạng lưới chia sẻ nội tạng của ĐCSTQ bằng một tin nhắn video gửi tới The Epoch Times hôm 19/03.
Tổ chức phi chính phủ Nam Hàn: ĐCSTQ toàn nói dối
Hôm 24/03, ông Kim Hwang Ho, giám đốc Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng có Đạo đức Nam Hàn (KAEOT), nói với The Epoch Times qua một tuyên bố bằng văn bản rằng trong những năm qua, Trung Quốc đã đưa ra vô số lời hứa suông.
“Mọi người đều biết ĐCSTQ nói dối. Họ hứa sẽ chấm dứt du lịch ghép tạng trước Thế vận hội Bắc Kinh (2008),” ông nói, đồng thời nói thêm rằng ĐCSTQ đã không giữ bất kỳ lời hứa nào với cộng đồng quốc tế.
Ông cho biết ông Hoàng Khiết Phu đã và đang giúp ĐCSTQ che đậy tội ác thu hoạch nội tạng sống và cấy ghép bất hợp pháp.
Vô số người vô tội đã thiệt mạng vì hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ trong hơn hai thập niên, vậy làm sao có thể hợp tác với ĐCSTQ chứ, ông hỏi.
Ông Lee Chi Yung, giáo sư Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc tại Trường Nhân văn và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Keimyung, Nam Hàn, cho biết việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một sự thật ai cũng biết. Ông cho biết tội ác nghiêm trọng này đang phổ biến ở Trung Quốc ngày nay, và hệ thống cấy ghép và hiến tặng nội tạng của Trung Quốc không minh bạch và không thể tin cậy được.
“Nếu Nam Hàn, Nhật Bản, và Đài Loan hợp tác với Trung Quốc trong việc chia sẻ nội tạng, thì điều đó đồng nghĩa với nhu cầu [về nội tạng] sẽ nhiều hơn và nhiều người Trung Quốc vô tội hơn sẽ là nạn nhân,” ông Lee nói, đồng thời cho biết thêm rằng không chỉ những người mong muốn tự do, mà cả những người không có cùng triết lý sống với ĐCSTQ đều sẽ là nạn nhân.
Ông cho biết không chỉ Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, và các cộng đồng Á Châu khác, mà cả thế giới nên yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt những tội ác này.
Dự luật Hoa Kỳ trừng phạt hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Hôm 27/03, với tỷ lệ bỏ phiếu áp đảo 413–2, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật tên là Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023. Dự luật này sẽ trừng phạt bất kỳ ai liên quan đến hành động này và yêu cầu chính phủ báo cáo hàng năm về các hoạt động như vậy diễn ra ở ngoại quốc.