Nhật Bản công bố số liệu về du lịch ghép tạng
Một phần ba người dân Nhật Bản đã đến Trung Quốc, nơi nhà cầm quyền bị cáo buộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Số liệu mới nhất về du lịch ghép tạng mà Nhật Bản mới công bố cho thấy một phần ba số bệnh nhân đã được cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản cho biết, tính đến cuối tháng Ba, 543 người được xác nhận là đã được cấy ghép nội tạng ở ngoại quốc, 175 người trong số họ đã được ghép tạng ở Trung Quốc, chiếm hơn 32%.
Phân theo loại nội tạng có 250 người ghép thận, 148 người ghép tim, 143 người ghép gan, và 2 người ghép phổi.
Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, cuộc khảo sát do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiến hành hồi tháng Tư vừa qua, đã thu thập thông tin từ 280 khoa lâm sàng và 203 cơ sở y tế ở Nhật Bản, bao gồm cả các bệnh viện lớn thuộc trường đại học.
Theo cuộc khảo sát, trong số 543 người đã được ghép tạng, 42 người được cấy ghép nội tạng từ những người hiến tặng còn sống, 416 người nhận tạng từ những người hiến tặng đã tử vong, và 85 người còn lại được ghép tạng từ những người hiến tạng không rõ danh tính.
Cuộc khảo sát làm dấy lên lo ngại về sự lan rộng của ngành công nghiệp thu hoạch và buôn bán nội tạng người do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dẫn dắt.
Vào ngày 16/04/2006, một bài báo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Châu Á-Thái Bình Dương có nhan đề “Người Nhật đổ xô đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng”, cho biết người Nhật Bản giàu có thích đến Trung Quốc để ghép thận, gan hoặc tim vì “tính sẵn có, giá rẻ, nội tạng chất lượng tốt, và các cơ sở y tế đang phát triển nhanh dọc theo miền duyên hải phía đông [Trung Quốc] đại lục.”
Bài báo cho thấy rằng “kể từ năm 2004, một nhà môi giới duy nhất đã giúp hơn 100 người Nhật Bản thực hiện chuyến đi đến Trung Quốc để cấy ghép, và hoạt động giao dịch này đang ngày càng phát triển.”
Theo điều tra, không cần phải đợi một hoặc nhiều năm để được ghép tạng như ở Nhật Bản. Ở Trung Quốc, chỉ mất một tháng để được ghép gan. Thời gian chờ đợi tối đa là hai tháng. Riêng ghép thận, mất một tuần để tìm được người hiện tạng phù hợp. Tuy nhiên, nguồn tạng này là “không rõ ràng.”
Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế Nhật Bản được công bố vào tháng 03/2006 cho biết 453 người Nhật Bản đã cấy ghép tim, gan, hoặc thận ở Hoa Kỳ, Úc, và Trung Quốc. Tuy nhiên báo cáo này lưu ý rằng “số liệu chính thức gần như chắc chắn đã bị hạ thấp.”
Một bài báo khác vào ngày 02/10/2006, được đăng trên tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun với tiêu đề “Đánh cược Mạng sống để Sinh tồn” nêu chi tiết rằng một ca cấy ghép tiêu tốn khoảng 13 triệu yên (xấp xỉ 1,819,200 USD) nhưng không có thông tin của người hiến tạng. Bài báo này cũng ghi lại trường hợp của một người đàn ông Nhật Bản sang Trung Quốc để ghép thận và gan.
Các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, và các tù nhân lương tâm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ hiện đang là nạn nhân của cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện ôn hòa tĩnh tại ở Trung Quốc kể từ khi được phổ truyền ở Trung Quốc vào năm 1992. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào năm 1999, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu bị đàn áp, tra tấn, và thậm chí bị sát hại để lấy nội tạng.
Ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng người phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc
Theo Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), ngành ghép tạng của Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero-COVID”. Các phòng khám cấy ghép trên khắp đất nước đã mở cửa tiếp nhận bệnh nhân như thường lệ, và nhiều bệnh viện cho biết nguồn nội tạng rất dồi dào.
Từ ngày 02/02 đến ngày 21/03 năm nay, WOIPFG đã khai triển một đợt gọi điện theo dõi mới để điều tra hàng chục giáo sư, giám đốc, và chuyên gia phẫu thuật cấy ghép chính tại một số bệnh viện bị nghi ngờ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống. Một bác sĩ nói qua điện thoại rằng ông có rất nhiều người hiến gan đang chờ giải quyết.
Cuộc điều tra này có sự tham gia của 32 bệnh viện thuộc 23 tỉnh và các khu tự trị, trong đó chỉ có một bệnh viện tư nhân, 31 bệnh viện còn lại đều là bệnh viện hạng ba cấp nhà nước.
Kết quả khảo sát cho thấy các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Châu, Trịnh Châu, và Vũ Hán là những “tác nhân lớn” trong ngành cấy ghép; các khu vực ven biển như Hải Nam, Thâm Quyến, và Hạ Môn đang nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh cấy ghép nội tạng. Đáng chú ý, đảo Hải Nam, một điểm nóng về du lịch và nghỉ dưỡng, được hưởng đặc quyền cấy ghép nội tạng.
Theo WOIPFG, thời gian chờ đợi trung bình để ghép gan và thận là khoảng hai tháng, và việc thu hoạch nội tạng sống sau khi lấy và ghép nội tạng đồng thời đã trở thành thông lệ ở hầu hết các bệnh viện.
Những lời chỉ trích trong giới chính trị gia Nhật Bản
Khi tội ác thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục bị phơi bày, việc đến Trung Quốc du lịch ghép tạng đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng ở Nhật Bản.
Hôm 04/04, một cuộc họp của liên minh các nhà lập pháp điều tra và ngăn chặn vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã được tổ chức tại Tokyo. Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế người Canada đang điều tra tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ, đã được mời đến để nói chuyện. Ông nói rằng việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc có thể được xem là tiếp tay cho các hành vi vi phạm nhân quyền. Theo ấn bản Nhật ngữ của tờ The Epoch Times đưa tin hôm 04/04, ông David Mantas lập luận rằng điều này nên được quy định bằng luật pháp.
Ông Matas cũng nói rằng chính phủ Nhật Bản nên cấm xuất cảng các chất ức chế miễn dịch sang Trung Quốc, đình chỉ nguồn tài trợ cho Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản và hạn chế chuyển giao công nghệ liên quan đến cấy ghép.
Ông Hakubun Shimomura, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, bày tỏ sự kinh ngạc khi nghe bài diễn thuyết của ông Matas nói về việc nhiều người Nhật Bản ra ngoại quốc để ghép tạng.
Thành viên của Chúng Nghị viện (hay Hạ viện Nhật Bản), ông Hiromi Mitssubayashi cho biết tại cuộc họp rằng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã tiến hành một cuộc khảo sát về việc cấy ghép tạng ở ngoại quốc và sẽ công bố kết quả vào cuối năm nay. Ông cho biết thiết bị y tế ở Nhật Bản có thể bị sử dụng cho hoạt động cấy ghép ở Trung Quốc và “các công ty Nhật Bản nên đẩy mạnh điều tra để bảo đảm họ không đồng lõa với các hành vi vi phạm nhân quyền.”
Thượng nghị sĩ Nhật Bản, ông Hiroshi Yamada, kêu gọi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi tiếp tục điều tra về buôn bán nội tạng và cấy ghép nội tạng. Ông cho biết những bệnh nhân đã được cấy ghép ở ngoại quốc có thể cần phải giao nộp thông tin chi tiết.
Thượng nghị sĩ Nhật Bản, ông Wada Masamune, nói rằng nên cấm người dân sang Trung Quốc ghép tạng. Ông khẳng định việc đến Trung Quốc để ghép tạng là không thể chấp nhận được vì những lo ngại về nhân quyền.
Vào tháng Sáu, một phóng viên của The Epoch Times đã phỏng vấn một số người dân Nhật Bản về du lịch ghép tạng. Những người này yêu cầu chỉ công khai họ thay vì tên đầy đủ, vì lý do an toàn.
Bà Tanaka, một người nội trợ sống ở Osaka, cho biết thực hiện cấy ghép tạng ở Trung Quốc có nguy cơ cao trở thành đồng lõa với nạn săn lùng nội tạng và rằng: “Để ngăn chặn sự đồng lõa vô tình với tội ác này, Nhật Bản nên ban hành luật quy định về hoạt động du lịch ghép tạng.”
Một người có họ là Miyoshi, một người làm vườn ở Hokkaido, cho biết: “Tôi nghĩ chính phủ Nhật Bản nên can thiệp và nghiêm cấm hoạt động này đồng thời cho mọi người biết tình hình vì không biết gì thì thật đáng xấu hổ.”
Một người có họ là Takagi ở Osaka cho biết: “Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các học viên Pháp Luân Công còn sống thật là khủng khiếp và việc đến Trung Quốc để cấy ghép tạng có liên quan gián tiếp đến sự sống còn của một sinh mạng. Chính phủ Nhật Bản nên nói với công chúng sự thật này.”
Một người có họ là Ozawa, làm việc tại một tiệm làm tóc ở Osaka, cho biết: “Tôi không thể tin được. Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ không dính líu gì tới vụ việc này.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times