Phân tích: Việc ông Tập làm suy yếu Quốc vụ viện chỉ làm tăng nhanh sự sụp đổ của ĐCSTQ
Một nhà phân tích chính trị cho biết ông Tập Cận Bình được xem là ‘người tăng tốc chính’ cho sự tan rã của ĐCSTQ
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sửa đổi luật nhằm cắt giảm quyền lực hành chính của Quốc vụ viện. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt của chế độ toàn trị này trong một vòng luẩn quẩn của những cuộc thanh trừng và thù địch liên tục trong nội bộ đảng.
Hôm 11/03, tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của Trung Quốc, ĐCSTQ đã thông qua Luật Tổ chức Quốc vụ viện mới sửa đổi. Đây là lần đầu tiên luật này được sửa đổi trong vòng hơn 40 năm qua.
Luật sửa đổi này nêu bật vị trí cao nhất của lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm, quy định rằng chính quyền cộng sản phải “kiên quyết bảo vệ” và “kiên quyết thực hiện các quyết định và các bước khai triển sự lãnh đạo tập trung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”
Cho đến nay, đây là hành động có ý nghĩa quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình đối với Quốc vụ viện nhằm bảo đảm “chính phủ” trung thành với “đảng” thông qua hệ thống luật pháp.
Các nhà quan sát ngoại giới lưu ý rằng khi dự luật sửa đổi này được thông qua lần cuối tại đại hội, ông Tập đã nghiêng người về phía trước và nhấn nút bỏ phiếu, trong khi Tổng lý Quốc vụ viện Lý Cường ngồi lặng yên lạnh lùng nhìn ông với vẻ mặt khó giải.
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc đã bỏ qua cuộc họp báo thường kỳ trong kỳ họp lưỡng hội của NPC và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) mà không đưa ra lý do chính thức nào cho công chúng.
Hơn nữa, có tin đồn rằng thủ tướng sẽ không gặp các CEO toàn cầu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) diễn ra vào cuối tháng này (03/2024). Kể từ năm 2000, CDF đã được tổ chức hàng năm tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Trước đây, cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Trung Quốc và các đại diện doanh nghiệp ngoại quốc là một trong những nội dung thiết yếu nhất của diễn đàn.
Đây không phải là một thông lệ trong hệ thống quan liêu của ĐCSTQ, khi tân thủ tướng làm suy yếu vai trò của mình với việc ít xuất hiện trước công chúng hơn và có tầm quan trọng thấp hơn trong việc lãnh đạo chính phủ so với những người tiền nhiệm.
Theo ông Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một cây viết độc lập kiêm cộng tác viên của The Epoch Times, vẫn cần thời gian để xác thực xem tin tức này có chính xác hay không và liệu thủ tướng có tự lựa chọn không tham gia cuộc họp hay là bị bí thư đảng ngăn không cho tham gia.
“Trong mọi trường hợp, ông Lý không được phép thay thế ‘sự chỉ huy và điều động cá nhân’ của ông Tập.”
So sánh tình thế tiến thoái lưỡng nan của thủ tướng Trung Quốc với một “người giúp việc giữ chìa khóa nhưng không phải là chủ nhà”, ông Chư Cát lập luận rằng một vị thủ tướng đã không thể thực hiện chức năng hành chính của mình trong việc điều hành chính phủ, điều này “chắc chắn sẽ dẫn đến sự độc tài cực đoan hơn từ phía người đứng đầu Đảng và sự xuống dốc nhanh chóng hơn của ĐCSTQ.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một cựu giáo sư của Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng sự thèm muốn quyền lực của người đứng đầu ĐCSTQ đương nhiệm, thậm chí đến mức nắm lấy quyền lực từ Quốc vụ viện vào tay mình, dường như đã củng cố vững chắc quyền lực của ông ta. “Nhưng ông Tập càng tập trung quyền lực thì các thành viên khác trong đảng càng ít có thể làm được gì; nghĩa là, với ít lực đẩy hơn, thì guồng máy độc tài này sẽ khó duy trì hơn.”
Ông nói: “Vì vậy, ông Tập càng tập trung quyền lực thì ĐCSTQ càng suy tàn nhanh hơn; mặt khác, để cứu đảng cầm quyền khỏi diệt vong, ông Tập sẽ chỉ nắm thêm quyền lực để bảo đảm an ninh: điều này được định sẵn là một sự việc có tác động qua lại lẫn nhau và cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ cộng sản này.”
ĐCSTQ và Quốc vụ viện
Hai cơ quan chính trị tối cao của ĐCSTQ — Quốc vụ viện và Ủy ban Trung ương — đều được đặt tại Trung Nam Hải, nhưng các văn phòng nằm ở phía bắc và phía nam của của hai cơ quan này được ngăn cách bằng một hàng rào.
Thông tin chính thức cho thấy kể từ năm 1949, khi ĐCSTQ được thành lập, Quốc vụ viện đã là một bộ phận không thể thiếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cho đến năm 1954, Hiến Pháp đã xác định Quốc vụ viện là “cơ quan hành chính cao nhất của ĐCSTQ,” do đó Quốc vụ viện đã được hưởng sự độc lập tương đối khỏi Ủy ban Trung ương.
Theo quan điểm của ông Chư Cát, mặc dù ông Tập Cận Bình đã làm suy yếu quyền lực của Quốc vụ viện trong những năm gần đây nhưng cơ quan này vẫn ít nhiều có được sự độc lập vào thời điểm cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) lên nắm quyền.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc vụ viện đã tước đi sự độc lập chính thức của Quốc vụ viện, thật sự đã đưa cơ quan này trở lại trạng thái trước năm 1954.
“Nhưng lần này việc sửa đổi luật đã khiến ông Tập trở thành người duy nhất có quyền lực độc quyền đối với đảng, chính phủ, và quân đội, thậm chí vượt cả Mao Trạch Đông, người lập ra chế độ cộng sản Trung Quốc,” ông Gia Cát nhận xét.
Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) cũng tin rằng Quốc vụ viện đã bị hạ cấp xuống thành một cơ quan chính phủ. Ông nói với The Epoch Times: “Lần này, ông Tập Cận Bình đã tận dụng cơ hội của kỳ họp lưỡng hội để biến Quốc vụ viện trở lại thành một cơ quan trên thực tế có tác dụng như một văn phòng chính phủ. Đây chính là hoàn toàn từ bỏ đường lối phát triển kinh tế sau năm 1989 của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.”
Như ông Đường nhận xét, việc người đứng đầu Đảng Cộng sản “thâu tóm quyền lực” từ Quốc vụ viện đã được tiến hành từng bước từng bước.
“Trong những năm qua, ông Tập Cận Bình đã thành lập một loạt các nhóm công tác về kinh tế, ngoại giao, và quân sự, tự mình đảm nhận công việc và quyền hạn của Quốc vụ viện. Ví dụ, người đứng đầu Nhóm Lãnh đạo Tài chính Trung ương từng là thủ tướng, nhưng nay nhóm này do đích thân ông Tập giữ chức lãnh đạo. Ông Tập cũng đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia.”
Mô hình của Đặng hay mô hình của Mao
Ông Đường chỉ ra rằng cả mô hình cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình lẫn kiểu cai trị chính trị cực đoan của Mao Trạch Đông đều không thể ngăn ĐCSTQ khỏi vận mệnh sụp đổ.
“Ông Đặng Tiểu Bình đã đề nghị cải tổ kinh tế bằng cách phân cấp quyền lực trong lĩnh vực kinh tế, để một bộ phận kinh tế thị trường được thoải mái và năng động. Tuy nhiên, ông Đặng đã không cải tổ hệ thống chính trị của đảng, do đó tạo ra sự thông đồng giữa các nhóm lợi ích chính trị và kinh doanh, hình thành sự phân chia quyền lực vô hình [trong đảng].”
Ông Đường lưu ý rằng ông Tập đã bãi bỏ đường lối Đặng Tiểu Bình và việc đàn áp quyết liệt khu vực tư nhân đã khiến nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng thụt lùi sau một làn sóng tăng trưởng cao, khiến mọi người nhìn thấy bản chất thật của sự phát triển méo mó ban đầu của nền kinh tế Trung Quốc kể từ thời ông Đặng.
“Nói cách khác, đích thân ông Tập đã làm tiêu tan những khoản tích lũy kinh tế của ĐCSTQ trong 40 năm qua.”
Trong khi đó, theo ông Đường, ông Tập chọn đi theo mô hình Mao Trạch Đông. “Ông Tập đang tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay mình, lặp lại những sai lầm của Mao Trạch Đông dưới hệ tư tưởng cộng sản,” ông nói. “Ông ấy đã tự đặt mình vào vị thế cô lập và không ai có thể tin tưởng ông ấy, đó là lý do căn bản nhất khiến ông ấy nhiều lần nhấn mạnh rằng an ninh chính trị là trên hết.”
“Mô hình này nhìn bề ngoài thì có vẻ vô cùng ổn định nhưng thực chất lại đang tạo ra một chiếc nồi áp suất. Việc loại bỏ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương (Qin Gang), những người được đích thân ông Tập lựa chọn, phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan của ông — một vòng luẩn quẩn của những cuộc thanh trừng không ngớt và sự thù địch ngày càng tăng, mở đường cho hình thức tự hủy diệt của ĐCSTQ.”
Ngoài ra, theo ông Đường, việc ông Tập Cận Bình khởi xướng chủ nghĩa toàn trị không những để bảo vệ ĐCSTQ và quyền lực, mà còn để đạt được những thành tựu cho ông, chẳng hạn như nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng vũ lực trong thời kỳ ông nắm quyền. “Cách làm của ông Tập đã phản tác dụng và đẩy nhanh đáng kể sự sụp đổ và tan rã của ĐCSTQ.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times